Khoảng lặng trong đời sống vợ chồng

09/06/2005 17:08 GMT+7

Không gây gổ. Không ầm ĩ. Không có những câu chửi rủa nhau thậm tệ... Tất cả đều êm đềm như mặt nước hồ thu. Vậy tại sao vợ chồng cứ như là hai thế giới khác biệt? Ai cũng khoá chặt tâm tư, không muốn chia sẻ với người kia. Làm gì để cải thiện tình hình? Mời bạn thử tham khảo vài kinh nghiệm sau:

1. Những bữa cơm "chồng chan vợ húp" thưa dần

Hơn hai tháng nay, vợ chồng Huyền và Quang (chị 28 tuổi, anh 32) bỗng ít trò chuyện với nhau. Đó là từ ngày công ty Quang có dự án mới, anh thường đi làm về muộn. Nhiều hôm, Huyền ở nhà đợi cơm đến 9 - 10 giờ đêm, đói meo rồi sinh ra đau bao tử. Thế là từ đấy, cô tự lo phần cơm của hai mẹ con trước, rồi dỗ em bé ngủ, sau đó một mình xem tivi đợi chồng về.

Có khi anh về đến nhà, Huyền và con đã say giấc. Anh lụi cụi với mâm cơm đã nguội từ bao giờ. Sáng ra, vợ chồng lại quây quả hai ngả đến công sở. Có hôm, họ chỉ kịp nói với nhau vài câu như: "Hôm qua anh về nhà lúc mấy giờ?", hoặc: "Em đưa con đi học nhé!". Hầu như, cả hai "đói" thông tin về nhau. Thế nhưng, chuyện đáng nói là sau khi dự án mới đã ổn, anh lại quen tật về trễ và thưa hẳn cơm nhà. Hôm nào về sớm, anh cũng loay hoay làm điều gì đó, để vợ con ăn cơm trước, rồi sau đó ôm tô cơm ra lan can ngồi ăn một mình.

Huyền mải lo dỗ con ăn cơm đã đủ mệt rồi, không muốn "thầu" thêm ông chồng to xác nữa. Vì thế, cô mặc anh muốn làm gì thì làm. Dần dần, ra vào gặp nhau, cả hai chỉ nói những câu cần thiết. Có hôm, giật mình đếm lại, Huyền phát hiện ra, họ đã không gần gũi hơn 12 tuần nay.

Giải pháp: Thay vì cứ tiếp tục ăn cơm với con, Huyền nên chờ chồng về ăn cùng. Qua bữa cơm, cả hai sẽ có nhiều chuyện để nói với nhau hơn.

Bước khởi đầu rất đơn giản: Cô vợ nên chủ động nấu món mà anh ấy thích nhất và nói: "Anh ơi, mai em nấu món bún bò Huế mà anh thích đấy, anh nhớ về sớm ăn cùng mẹ con em cho vui nhé!". Hôm sau, đến giờ tan sở, hãy nhắn tin nhắc nhở: "Em và con đang chờ anh nè!". Mọi chuyện chưa có gì căng thẳng, chỉ cần cô vợ khéo léo đưa chồng trở lại với bữa cơm gia đình đầm ấm là ổn.

2. Không muốn ra ngoài cùng nhau

Dạo này, anh An (35 tuổi), cứ lo lắng cho Mỹ, vợ anh (30 tuổi). Một thời gian dài chị trở nên ủ dột, không còn muốn chưng diện, tươi tắn như trước. Chị từ chối tiệc tùng, hội nghị, tránh xuất hiện cùng chồng trước đám đông.

Mọi chuyện đổi thay từ ngày Mỹ sinh em bé thứ hai và ở nhà làm nội trợ. Anh An muốn vợ toàn tâm toàn ý lo tề gia, mình anh đi làm cũng đủ để gia đình có cuộc sống sung túc. Từ đó, Mỹ bỏ hẳn son phấn, thời trang, không sửa soạn. Mỗi lần anh An muốn vợ đi đâu cùng mình, Mỹ đều có cảm giác không thích thú khi phải "make up", làm đẹp... Chị thấy mệt mỏi nên nhiều lần từ chối.

Vì vợ chồng chị có tiếng là đi đâu cũng có nhau, nên khi thấy anh An đi một mình, người ta thường hỏi thăm. Anh thấy chạnh lòng và có hơi tủi thân. Lắm lúc, muốn vợ đi cùng, anh An đùa: "Em để anh đi một mình, anh đẹp trai thế này, nhiều cô gái trẻ xinh đẹp dòm ngó đó nghe! Lúc đó, đừng có hối hận!". Tưởng nói thế, vợ sẽ cho một trận càng vui. Đằng này, gương mặt chị vẫn không thay đổi cảm xúc: "Ai rước ông đi giùm cho tôi nhờ". Rồi chị chẳng buồn ngước mắt lên nhìn chồng. Anh cụt hứng luôn!

Biết vợ ở nhà buồn, anh thường tìm cách làm trò hài hước, nói chuyện tiếu lâm rủ đi đâu đó... Thế nhưng hình như chị Mỹ đã "cạn hormone hưng phấn", lúc nào cũng lạnh nhạt. Thậm chí, những lúc vợ chồng gối chăn, chị cũng mất hẳn lửa nhiệt tình, chỉ là "làm" cho có.

Giải pháp: Nguyên nhân khiến vợ anh An trở nên xa cách chồng chính là do chị chưa thích nghi với lối sinh hoạt mới. Từ một người đi làm, có thu nhập, giờ đây chị lại ở nhà để chồng nuôi. Dù suốt ngày bận rộn chuyện gia đình, chị vẫn cảm thấy mình là người vô dụng.

Anh An nên để chị Mỹ đi làm một công việc nhẹ nhàng, lương bổng không quan trọng, nhưng có môi trường để giao tiếp. Người vợ sẽ cảm thấy mình vẫn "có công" với gia đình. Như thế, chị ấy sẽ giải toả được tâm lý, trở nên năng động như trước.

3. Chiếc giường ngủ trống vắng giữa đêm khuya

Từ hôm đi công tác xa về, Tân (31 tuổi) cảm thấy Đoan (28 tuổi), vợ anh, có chút thay đổi. Nàng đón chồng đi xa về với giọng điệu hờ hững: "Anh đi nhà cửa yên ắng, em ở một mình thấy thoải mái ghê, muốn làm gì thì làm, ngủ đâu thì ngủ". Tân nghe, thoáng chút buồn. Thế nhưng vì mệt mỏi sau chuyến đi dài, anh cũng lờ đi. Hôm ấy, đánh dấu sau những ngày xa nhau là cả hai nằm ngủ khò khò theo hai hướng. Tình trạng lạnh nhạt ấy kéo dài mãi nhiều ngày sau, rồi dần dần trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" lúc nào không hay.

Tối tối, vợ chồng không đi ngủ cùng lúc, cũng chẳng nói với nhau chuyện gì. Vì chưa có em bé nên họ cũng chẳng lo gì nhiều, mạnh vợ lên Internet, chat chít, mạnh chồng ôm tivi với những trận cầu nghẹt thở. Đến khi người này vào phòng ngủ, đã thấy người kia "thăng" từ lúc nào. Thậm chí, có hôm, sau khi tắt tivi, Tân thấy Đoan đang gục mặt trên bàn phím. Anh lắc đầu rồi lay vai vợ, dìu về phòng. Dần dần, cái giường ngủ trở thành trạm trung chuyển ngày đêm, chứ không phải là nơi để vợ chồng đầu gối tay ấp.

Khoảng trống giữa Tân và Đoan lên đến đỉnh điểm khi một tối nọ, cô vợ vào phòng ngủ sớm, anh chồng còn say sưa xem phim hành động. Cô tiện tay khóa trái luôn cửa bên trong. Anh chồng phải ngủ ngoài ghế salong suốt đêm, kính biếu da thịt cho muỗi. Vậy mà hôm sau, vẫn chẳng thấy ai phàn nàn ai lời nào.

Giải pháp: Chồng bớt xem đá bóng, vợ thôi lên mạng một chút, dành thời gian cùng xem một chương trình tivi. Nếu cả hai cùng sống theo ý thích riêng của mỗi người, càng ngày khoảng trống giữa họ càng mênh mông hơn.

(Theo TT&GĐ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.