Trung Quốc - EU: Thoát được cuộc chiến thương mại

11/06/2005 22:00 GMT+7

Trung Quốc và Liên minh châu u (EU) vào phút chót đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề dệt may, qua đó tránh được một cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ hai bên.

Thỏa thuận về xuất khẩu hàng dệt may của quốc gia đông dân nhất hành tinh sang thị trường EU đã được công bố vào ngày 11/6 sau 10 tiếng thương thảo giữa Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Bạc Hy Lai và Cao ủy Thương mại EU P.Mandelson tại Thượng Hải ngày 10/6. Theo đó, Bắc Kinh và Brussels đồng ý rằng kể từ ngày 11/6/2005 đến hết năm 2007, số lượng hàng dệt may Trung Quốc xuất sang EU sẽ chỉ tăng từ 8-12,5% mỗi năm. Đổi lại, EU sẽ ngưng điều tra việc xuất khẩu 10 sản phẩm dệt may của Trung Quốc sang thị trường mình, chẳng hạn như vải cotton, áo thun, sợi lanh, quần, ga trải giường... Nếu không đạt được thỏa thuận trên, EU sẽ giới hạn tỉ lệ tăng trưởng nhập khẩu hàng Trung Quốc mỗi năm chỉ còn 7,5% và nếu Bắc Kinh không chấp nhận, EU sẽ áp đặt hạn ngạch.

Năm ngoái, giá trị xuất khẩu dệt may của Trung Quốc sang EU đạt 10,79 tỉ USD, chiếm khoảng 6% tổng mức trao đổi mậu dịch song phương (177,3 tỉ USD).

Sau khi hệ thống quota quốc tế hết hiệu lực hồi đầu năm, hàng dệt may Trung Quốc đã ồ ạt tràn vào EU và Mỹ khiến các nhà sản xuất nội địa tại hai nơi này lao đao. EU vin vào thỏa thuận của Trung Quốc khi gia nhập WTO hồi năm 2001 rằng sẽ cho phép các thành viên khác hạn chế nhập khẩu hàng dệt may của mình nếu thị trường họ bị rối loạn. Trung Quốc thì cho rằng Mỹ và EU hành xử không công bằng đồng thời yêu cầu cung cấp bằng chứng rõ ràng trước khi áp dụng hình phạt, vì nếu làm vậy sẽ khiến ngành dệt may nước này thiệt hại 2 tỉ USD.

Dù trước đó đã lời qua tiếng lại nhưng với thỏa thuận vừa được ký kết, cả Trung Quốc lẫn EU đều hồ hởi. Những từ ngữ đầy thiện chí đã được trưng dụng để mô tả vấn đề mà suýt chút nữa đã đẩy hai bên đến đối đầu: “Trong các cuộc thương thảo, hai bên đều nhận ra trao đổi dệt may là một yếu tố quan trọng trong quan hệ thương mại song phương Trung Quốc - EU”, hay “Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác song phương Trung Quốc - EU, chúng tôi nhất trí tuân thủ nguyên tắc hai bên cùng có lợi và sẽ tích cực thúc đẩy sự phát triển ổn định, lành mạnh của ngành dệt may”. Thật trùng hợp là trong ngày hai bên đạt được thỏa thuận, Trung Quốc thông báo mức thặng dư mậu dịch hàng tháng lớn nhất trong năm nay. Xuất khẩu tháng 5 của nước này tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức thặng dư 8,99 tỉ USD (tăng gấp đôi so với tháng 4), vượt xa mọi dự đoán.

Xuân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.