Lính thổ dân trong đội đặc nhiệm Úc

12/06/2005 22:26 GMT+7

Bôi mặt, trang bị tiểu liên bán tự động, xe Land Rover, tàu cao tốc, trực thăng chiến đấu và cả máy bay vận tải C-130, Norforce là một trung đoàn đặc nhiệm vừa hiện đại, thiện chiến vừa hoang dã như thời tiền sử.

Những sa mạc cát đỏ hoang vu, những khu rừng thưa mênh mông đến vô tận và vùng biển bao la ở phía Bắc nước Úc là cứ địa của trung đoàn đặc nhiệm Norforce. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là chống khủng bố, hải tặc, lâm tặc và bọn buôn lậu vũ khí. Khác với các đơn vị đặc nhiệm từng được biết đến lâu nay, 2/3 trong số 600 quân của Norforce là thổ dân. Thói quen sử dụng thổ dân trong quân đội Úc bắt đầu từ hơn 60 năm trước. Vào thời Thế chiến II, các nhóm đào vàng và thám hiểm đã thuê thổ dân dẫn đường để có thể vượt qua những rặng núi hiểm trở và sa mạc khô cằn phía bắc xứ sở kangaroo. Lực lượng trinh sát Bắc Úc (NAOU) ra đời trong giai đoạn này mô phỏng những đội quân đào vàng đó với nhiệm vụ chính là cảnh giới không cho lính Nhật thâm nhập lục địa. Sau Thế chiến II, NAOU bị giải thể và thay vào đó là một đội quân tinh nhuệ gần 1.000 lính với đa phần là thổ dân.

"Ở miền Bắc nước Úc, không ai giỏi hơn những chiến binh thổ dân. Họ đặc biệt thiện chiến trong rừng rậm và khả năng tìm kiếm thức ăn của họ có thể nói là thiên hạ vô địch", đại úy Jack Olchowik - một chỉ huy người da trắng trong Norforce - nhận xét. Chính khả năng tự tìm kiếm thức ăn trong môi trường khắc nghiệt của sa mạc, rừng rậm và biển khơi mà những người lính bộ lạc được trọng dụng. Có thời điểm, các toán quân của Norforce lạc hàng tuần giữa rừng rậm, họ có thể chết đói hoặc bị thú dữ ăn thịt nếu không có những đồng đội thổ dân bên cạnh. Hạ sĩ T.Munyarryun là một trong số những chiến binh bộ lạc xuất sắc nhất. Người lính xuất thân từ bộ tộc Wanguri này cho biết không một ai có khả năng săn kangaroo, rùa, tôm, hàu đá và nhộng bằng ông. Đôi khi, Munyarryun còn bắt cả bò biển, loài sinh vật được truyền thuyết hóa thành nàng tiên cá, để nuôi sống đồng đội. "Người da trắng dạy chúng tôi kỷ luật và kỹ thuật quân sự, chúng tôi dạy họ cách tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt nhất", Munyarryun giải thích cơ chế "cộng sinh" trong Norforce.

Vào thời kỳ mà chủ nghĩa khủng bố đe dọa toàn cầu, một lực lượng lì đòn như Norforce trở nên đặc biệt hữu dụng trong các chiến dịch dài hơi và khốc liệt. Thế nhưng, đối với vùng đất hẻo lánh miền Bắc nước Úc, kẻ thù chính của lực lượng đặc nhiệm không phải là quân khủng bố, hải tặc, lâm tặc và bọn buôn lậu mà là thú hoang. Về phương diện này, kinh nghiệm của những tay súng thổ dân đã được phát huy. Giữa mênh mông rừng rậm, Norforce phải chiến đấu với những con cá sấu dài tới 6m, những con lợn lòi hung dữ, chó sói dingo và rắn độc. Đối với lính da trắng, súng ống là cách duy nhất để họ chống lại thú dữ. Tuy nhiên, trong những cuộc tuần tra dài ngày, đạn dược không được dồi dào cho lắm nên các tay súng thổ dân đã dùng đến lửa, chất độc, lá cây và cả bùa phép để đuổi thú dữ. Cuộc sống giữa rừng rậm hàng ngàn năm qua đã giúp các bộ tộc thổ dân Úc có một kinh nghiệm sinh tồn quý giá và kinh nghiệm đó đã được quân đội Úc ngày nay khai thác. Nhưng việc sử dụng các tay súng thổ dân đôi khi lại làm nảy sinh nhiều phiền toái. Lính thổ dân đến từ nhiều bộ lạc khác nhau với ngôn ngữ khác nhau, phần lớn chỉ nói được vài câu tiếng Anh thông dụng. Trong khi đó, các viên chỉ huy toàn là người da trắng, được đào tạo trường lớp hẳn hoi nhưng lại "dốt đặc" tiếng thổ dân. Sự bất đồng ngôn ngữ này là tiền đề của những câu chuyện cười ra nước mắt. Ở Norforce, không hiếm khi chỉ huy ra lệnh ngừng bắn nhưng lính lại nổ súng hoặc ra lệnh lùi lại mà lính cứ tiến lên. Thói quen sinh hoạt cũng là một vấn đề nan giải. Năm ngoái, vì chán cảnh luyện tập trên sa mạc, một lính thổ dân đã bỏ vào rừng rậm sống 6 tháng. Đến lúc bị đơn vị liệt vào danh sách mất tích thì anh chàng "Tarzan" mới lù lù xuất hiện.

Bất chấp những phiền phức nói trên, vì những nhiệm vụ đặc thù của mình, Norforce vẫn tiếp tục tuyển mộ các tay súng thổ dân. Và bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt trong đội quân đặc nhiệm Bắc Úc, mỗi ngày vẫn có thêm nhiều chàng trai của núi rừng đến đầu quân. Các bậc phụ huynh tại các bộ tộc coi chuyện cho con em mình vào quân đội là phương cách giúp lớp trẻ xa lánh thói bia rượu, thoát cảnh thất nghiệp và phải sống nhờ vào trợ cấp.

Châu Minh Linh
(Theo BBC, SpecOperation)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.