Cho dù trước khi phiên tòa cuối của Tanzania về số phận con tàu Cần Giờ diễn ra lần cuối vào ngày 10/6, Chính phủ nước ta đã rất quan tâm đến vụ kiện và can thiệp bằng các hình thức ngoại giao, cho phép tàu Cần Giờ đăng ký tạm thời mang cờ Việt Nam... nhưng thông báo của Tòa án tối cao Tanzania vẫn tương tự như các phiên tòa trước: hoãn xét xử! Điều duy nhất khác biệt là lần này phiên tòa bị hoãn... vô thời hạn!
Nếu tính từ ngày bị bắt giữ là 27/7/2004 thì đến nay chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tròn 1 năm con tàu Cần Giờ chưa quay về cập bến Việt Nam. Sau khi biết tin con tàu "không có ngày về", ông Phạm Ngọc Sơn - Phó tổng giám đốc Sea Saigon rất thất vọng nói: "Đến nước này thì chúng tôi không còn biết cách nào nữa. Phía Tanzania hình như đang cố ý thử thách sự chịu đựng của các bị đơn Việt Nam, họ muốn buộc các doanh nghiệp của Việt Nam liên quan trong vụ tranh chấp năm 1999 phải lên tiếng nên tìm mọi cách để tạo áp lực, nhưng mọi thiệt thòi chỉ có một mình Sea Saigon gánh chịu. Mệt mỏi và bế tắc, đó là cảm giác bao trùm lên chúng tôi lúc này".
Vận xui rủi dường như còn lan sang cả những con người gắn bó với chiếc tàu. Cuộc sống tinh thần của thuyền viên sa sút, chỉ cần vài va chạm nhỏ là xảy ra xích mích. Tháng trước đã có 7 người được đưa về, trong đó có người phải chịu tang thân nhân. 5 thủy thủ còn lại tiếp tục cuộc sống lênh đênh trên đất khách, và 1 người nữa cũng vừa được đưa về nước vì... vợ bỏ theo người khác. Về nước, nhưng vẫn không cứu vãn được tình hình và kết cục là gia đình tan nát. "Chúng tôi đã báo cáo lên Hội đồng quản trị tổng công ty đồng thời tiếp tục nhờ luật sư theo dõi vụ kiện, nhưng rõ ràng một mình Sea Saigon thì không giải quyết được gì" - ông Phạm Ngọc Sơn nói với chúng tôi trong tiếng thở dài ngao ngán.
Q.Thuần
Bình luận (0)