Đạo diễn Nguyễn Minh Chung: “Chắc tôi làm con nít suốt đời...”

20/06/2005 22:05 GMT+7

Nguyễn Minh Chung là một trong những đạo diễn hiếm hoi trở thành người bạn trung thành với trẻ em. Anh đã đạo diễn gần 20 bộ phim cổ tích của Hãng phim Phương Nam, hàng trăm phim ca nhạc thiếu nhi từ 1992. Mới đây, Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) đã giao cho anh làm một loạt 20 tập phim chuyển thể từ bộ sách Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (đã chiếu trên HTV9 - Đài Truyền hình TP.HCM).

* Có phải khi mới bước vào nghề đạo diễn, anh đã định hướng cho mình là phục vụ thiếu nhi?

 

Đạo diễn Nguyễn Minh Chung

 - Không. Chỉ như "số kiếp" thôi, nhưng đó là một "số kiếp" may mắn và phù hợp. Năm 1983, tôi tốt nghiệp khoa Đạo diễn Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Hồi ấy khó khăn lắm, tôi phải làm sân khấu quần chúng suốt 10 năm. Rồi Bến Thành Audio bảo tôi làm thử băng karaoke thiếu nhi. Tôi làm mà bao nhiêu người lo lắng, nói ra nói vô.  Có người còn đánh cá: "Anh mà bán được 500 băng thôi là tui thua!". Không ngờ, băng tung ra, bán chạy như tôm tươi, thậm chí băng đó vẫn bán lai rai cho tới bây giờ, tính ra cả trăm ngàn bản. Thế là các hãng đua nhau làm ca nhạc thiếu nhi. Có năm cao điểm, tôi làm tới 18 chương trình. Có chương trình chỉ một tuần lễ là hoàn vốn. Sau này, do nạn băng đĩa lậu mà bị chững lại. Rồi hãng Phương Nam kêu làm phim cổ tích. Vậy là tôi gắn bó luôn với các chương trình thiếu nhi.

 

* Bí quyết nào giúp anh thành công khi phục vụ cho đối tượng này?

 

- Như tôi đã nói, công việc hoàn toàn phù hợp với cái chất của tôi, có lẽ tôi thành công nhờ... bản năng, chứ không có bí quyết gì hết trơn! Nói thật, tôi mê phim hoạt hình và truyện tranh lắm. Nhiều lúc cứ cảm giác mình "hổng lớn". Ai ngờ, nhờ vậy mà sau này làm nghề dễ dàng.

 

* Chắc anh cũng yêu trẻ con lắm?

 

 - Đương nhiên! Làm việc với trẻ con mệt lắm nên phải thương thực sự mới làm nổi, làm rồi sẽ thấy rất vui! Mà tôi nói chữ "thương" ở đây là thương thật, chứ không phải giả bộ, vì các em cảm nhận được ngay. 

 

 * Anh nhận xét thế nào về trẻ em hôm nay so với thời của anh? Và sự khác biệt ấy làm cho công việc của anh thuận lợi hay khó khăn hơn?

 

 - Thời của mình ở nông thôn, ít trò chơi, ít thông tin, ít tiện nghi hiện đại, nên mình "khờ" hơn, nhưng nhờ vậy mà giữ được sự ngây thơ lâu hơn. Còn thế hệ hôm nay được nuôi dưỡng đầy đủ nên phát triển thể chất tốt, đồng thời được tiếp cận nhiều thông tin, phương tiện giải trí, thành ra thông minh và hiểu biết sớm. Chính nhờ vậy, khi triển khai kịch bản, nói là các em nắm bắt được liền. Nhưng dù lanh lợi cỡ nào thì cuối cùng các em vẫn mang tâm hồn trẻ thơ, vẫn đáng yêu. Còn khó khăn là giờ giấc học tập của các em bây giờ quá nhiều, mỗi lần làm phim phải sắp xếp vất vả và tiến độ phải bị chậm.

 

* Anh có thể kể vài kỷ niệm vui khi làm phim cho thiếu nhi?

 

- Đầu tiên là số người trong đoàn sẽ tăng... gấp đôi, vì mỗi diễn viên nhí đều có một phụ huynh đi kèm. Mỗi lần ra quân là đông rần rần. Rồi diễn viên nhí sẵn sàng "đình công" vì những lý do vu vơ. Ví dụ, đứa này chọc đứa kia, giận, khóc, không thèm diễn. Con nhỏ em chê thằng anh: "Anh đóng hổng hay!", tủi, bỏ luôn. Một lần, cu cậu Vũ Long đóng cổ tích, nói là sẽ hóa trang đầu ba vá, cu cậu đâu có biết ba vá ra làm sao, nên đồng ý. Dẫn tới thợ hớt tóc, giấu cái gương đi, hớt xong mới đem gương ra, cu cậu thấy cái đầu của mình, khóc hu hu. Chỉ còn cách dỗ thôi chứ biết làm sao. Đạo diễn đối với các em tuyệt đối không được la rầy, lúc nào cũng phải nhỏ nhẹ, dỗ ngọt, phải biến mình thành "bạn" của các em, thì nó mới thương và chia sẻ với mình. Tụi nhỏ mà ghét rồi thì có cho vàng cũng hổng đóng!

 

* Anh có buồn không khi làm phim cho người lớn thì dễ nổi tiếng hơn ?

 

- Nếu tôi bận tâm vì danh vọng thì chắc đã bỏ nghề lâu rồi. Ngược lại, tôi nghĩ làm tác phẩm cho thiếu nhi mới là quan trọng. Vì các em đang trong độ tuổi hình thành nhân cách, nếu chúng ta giáo dục sớm và đúng đắn thì sau này các em sẽ trở thành người tốt. Giáo dục trong nhà trường chưa đủ, cần có thêm sự cộng tác của văn hóa nghệ thuật. Xét kỹ, chúng ta chưa dành cho thiếu nhi bao nhiêu tác phẩm, cả văn hóa đọc lẫn văn hóa nghe nhìn. Nhà nước cần khuyến khích hơn nữa.

 

 * Anh có kế hoạch nào sau 20 tập của Kính vạn hoa?

 

- Tôi mê Chuyện xứ Lang Biang của Nguyễn Nhật Ánh, nếu năm tới TFS chịu đầu tư thì tôi sẽ chuyển thành phim. Vì phim này tốn kém về cảnh trí, phục trang, đạo cụ... Nhưng chất liệu thì rất hấp dẫn, chắc chắn các em sẽ thích.

 

 * Nghe nói con anh cũng thích làm phim thiếu nhi như anh, chắc sẽ kế thừa sự nghiệp của anh?

 

- Chắc là vậy. Vợ tôi cùng học đạo diễn với tôi, làm việc chung khoảng 10 năm rồi ở nhà trông con. Có lẽ con trai tôi mang gien của cha mẹ. Nó sắp tốt nghiệp đại học, cũng ấp ủ việc làm phim hoạt hình. Thế hệ trẻ chẳng những kế thừa mà còn phát triển nữa, vì tôi thấy nó đang thực tập làm phim 3D, giỏi hơn tôi. Như vậy là mừng cho thiếu nhi và phim ảnh nước ta.

 

Hoàng Kim (thực hiện) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.