Bạn phải thấy hình bàn tay phụ nữ VN xinh đẹp được trang trí lồng trong các hình thù đẹp mắt trên vài cái nắp, thảy dịu dàng vài nét sơn trên mấy cái khác. Người ta còn dùng đồng tiền ném vào đất sét còn ướt để tạo hình trang trí rồi sau đó dùng que gắp đồng tiền ra, mới thấy cái thế giới này thực là lạ.
Chủ nhân của nó là Paul Diep. Năm 1975, ông cùng với 56 thân nhân đến Mỹ khi mới 19 tuổi. Người thanh niên quê ở Đà Nẵng này đã không nề hà chùi cầu và lau nhà để có thể học xong bậc trung học và học tiếp lên đại học Western Washington.
Sau đó, ông Diep mở tiệm “Innovations in Green Unlimited” chuyên về trang trí cây cảnh trong nhà ở Seattle. Tiệm này đến nay vẫn còn hoạt động. Năm 1994, ông trở về VN bắt đầu nghề mới là nhập cảng các món hàng gốm sứ. Khi trông thấy cảnh đời “nghèo cùng cực của người nghệ nhân gốm sứ ở VN, lòng ông tan nát vì thương cảm họ và rúng động vì vẻ đẹp của tác phẩm họ làm ra”. Ông cương quyết phải làm một điều gì đó...
Ông mua các sản phẩm của họ, nhập qua Mỹ và giúp tài chính cải thiện đời sống người nghệ nhân ở VN. Mỗi năm, ông còn mang nhiều người trong số họ sang Mỹ để học hỏi kỹ thuật, sơn màu và tạo dáng của nền công nghiệp gốm sứ của Mỹ rồi trở về VN cải thiện chất lượng sản phẩm của họ ở quê nhà. Ông cũng hậu thuẫn cho các nhóm từ thiện ở VN và có kế hoạch mở trường học ở đây nữa.
Ông muốn duy trì bản sắc của “nền văn hóa gốm sứ của VN” vì e ngại nghệ thuật tuyệt vời này của cha ông đang mai một, hậu quả của nhiều thanh niên nông thôn đang bỏ làng mạc ra đi vào thành phố kiếm việc. Ông Diep nói chuyện kinh doanh của ông sẽ giúp giữ gìn nghệ thuật đó.
Tuy giá của các sản phẩm của tiệm của ông khá cao nếu so với các tiệm cùng loại lớn hơn, như giá một chậu làm bằng tay có giá từ 10 đến 15 đô la, một chậu nhỏ có trang hoàng sắc sảo giá từ 30 đến 40 đô la và một tượng cao 5 feet giá đến 500 đô la, nhưng bạn phải nhìn nhận là các sản phẩm của tiệm của ông có chất lượng cao và nhất là có “cá tính riêng” của từng món.
(Theo Calitoday / The Seattle Times)
Bình luận (0)