Rừng phòng hộ Trị An (Bình Thuận): Đất lâm nghiệp đang dần bị lấn chiếm

20/06/2005 18:50 GMT+7

Rừng phòng hộ Trị An (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) có trên 30.700 ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Trong những năm gần đây, mặc dù Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An (Bình Thuận) đã nỗ lực xây dựng nhiều phương án, lập kế hoạch truy quét bảo vệ rừng... nhưng tình trạng phá rừng làm rẫy, chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn ra khá phức tạp ở nhiều nơi.

Chỉ tay vào bàn làm việc, một cán bộ ở Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh lắc đầu ngao ngán: “Mới có mấy tháng đầu năm mà hồ sơ xử lý các vụ vi phạm về rừng đã chất cao lên chừng đó rồi, không biết cuối năm sẽ tới đâu nữa. Mà chủ yếu là hành vi khai phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp, vận chuyển lâm sản. Sắp tới lại đưa ra mức xử phạt hành chính cho các đối tượng này mới mệt, có khi họ lại không có tiền đóng phạt, tội nào nặng phải chuyển lên tỉnh xử lý hình sự...”. Khi cán bộ kiểm lâm vừa dứt câu, có hai người nông dân đến xin quyết định nộp phạt vì vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp làm rẫy. Diện tích đất lâm nghiệp họ phá đã mấy năm nay mới phát hiện lên đến trên 40.000m2.

Từ Hạt Kiểm lâm huyện, chúng tôi đến thực tế ở một số rừng phòng hộ thuộc đơn vị Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An. Tuy đây chưa phải là địa bàn thuộc điểm nóng của nạn khai thác rừng như rừng đặc dụng nằm trên địa bàn huyện Tánh Linh nhưng tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai phá rừng trái phép diễn ra khá phức tạp và nghiêm trọng. Nhiều khu vực rừng mới được tái tạo, trồng lại tăng thêm diện tích rừng phòng hộ bị các đối tượng phá hoại lấn chiếm một cách bất hợp pháp. Chỉ tính riêng  6 tháng đầu năm 2005, Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Trị An đã phát hiện trên 70 vụ vi phạm về bảo vệ tài nguyên rừng, chủ yếu là khai thác mua bán, vận chuyển lâm sản, phá rừng làm rẫy, chiếm đất lâm nghiệp, phá hoại rừng trồng... Trong đó, vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra khá cao trên 30 vụ.

Theo báo cáo thống kê của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Trị An, những năm gần đây tình trạng xâm hại đến rừng đã giảm đi nhiều, cụ thể so với 6 tháng đầu năm 2004 đã giảm 40% số vi phạm. Tuy nhiên, những nơi là điểm nóng của nạn phá rừng còn diễn ra khá phức tạp và tinh vi ở một số xã thuộc huyện Tánh Linh như: Bắc Ruộng, La Ngâu, Huy Khiêm... Đây là những nơi có đất lâm nghiệp bị khai phá nhiều nhất. Sự tinh vi của những đối tượng này là khai phá rừng vào ban đêm. Chỉ cần 4, 5 đêm khai phá nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ có một diện tích lớn đất rừng biến thành đất trống. Sau đó một năm, các đối tượng này sẽ quay lại chỗ cũ đốt toàn bộ số cây rừng này và trồng các loại cây công nghiệp, hoa màu xuống... Chỉ như thế vài năm sau họ đến dựng chòi, cất nhà và tự biến đất lâm nghiệp thành đất nhà của mình.

Do địa hình đồi núi hiểm trở, nhấp nhô cao thấp, các đối tượng khai phá rừng ban đêm dễ dàng phát hiện ánh đèn kiểm tra rừng của lực lượng kiểm lâm. Họ sẽ dừng ngay việc khai phá rừng và đợi lực lượng kiểm lâm về họ lại tiếp tục công việc khai phá. Để bắt được các đối tượng này rất khó và nan giải, nhiều lần lực lượng kiểm lâm phải phục ở trong rừng vài ngày liền, đôi lúc còn gặp phải sự chống trả quyết liệt của họ.

Nguyên nhân của việc khai phá rừng xuất phát từ đâu? Khi chúng tôi đặt câu hỏi này với các đối tượng khai phá rừng nơi đây được họ cho biết: gia đình khó khăn, nhà nghèo, đông người, không có công ăn việc làm... Hàng trăm lý do để họ có thể xà xẻo đất rừng, khai phá lâm sản. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Hồ Văn Hoa - trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Trị An cho biết: “Nếu nói về sự nghèo đói mà có hành vi xâm phạm đến rừng thì chỉ có khoảng 30% số hộ dân thuộc diện nghèo còn lại là gia đình có của ăn của để, kinh tế khá. Có nhiều gia đình giàu có thuê người nghèo, người dân tộc vô rừng khai phá làm đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, một nguyên nhân mà khiến cho nhiều năm trở lại đây đất rừng bị khai phá nhiều là hạt điều lên giá. Các đối tượng tranh thủ ngày đêm khai phá nhiều diện tích rừng để trồng cây điều. Ngoài ra không chỉ có người trong tỉnh mà còn có nhiều người dân ở các tỉnh lân cận cũng đến khai phá rừng”.

Để ngăn chặn nạn phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép... cần phải có phương án, kế hoạch bảo vệ rừng một cách chặt chẽ và có sự phối hợp của nhiều ban ngành địa phương. Các Trạm bảo vệ rừng phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm yêu cầu các hộ sống ven rừng và những hộ có đất sản xuất giáp với rừng cam kết không lấn chiếm đất rừng, phát rừng làm rẫy... Ủy ban nhân dân các xã chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương, hỗ trợ xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm và ngăn chặn việc khai thác vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Bên cạnh đó, cần kiểm tra chặt chẽ các xí nghiệp, xưởng chế biến gỗ trên địa bàn, vì đây là nơi tiêu thụ gỗ trái phép của các đối tượng phá rừng làm rẫy...

Minh Thơ - Thanh Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.