Trước đó, ngày 19 và 20/6, 2 đối tượng Nguyễn Đức Lợi và Đào Hữu Nghị liên quan trong đường dây này cũng đã bị bắt.
Vụ án bắt đầu từ lá đơn tố giác ngày 15/6/2005 của bà Trần Thị Thủy, ở Tiên Du, Bắc Ninh, là chủ doanh nghiệp (DN) Phú Gia và ông Lê Tiến Hùng ở Cẩm Phả (Quảng Ninh). Hai DN trên tố cáo Nguyễn Đức Lợi (tức Bá Lợi, sinh năm 1956, ở Đình Xá, Bình Lục, Hà Nam) và Đào Hữu Nghị (sinh năm 1960, ở Hà Nội), tự giới thiệu là chuyên viên Ban Vật giá Chính phủ (VGCP) chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng trong việc "chạy dự án" vay vốn cho DN của bà Thủy. Thực chất Đào Hữu Nghị (nguyên là cảnh sát bảo vệ bị buộc thôi việc) đã có 1 tiền án về tội "tổ chức cho người trốn đi nước ngoài", khi đó chỉ là cộng tác viên của Tạp chí Thị trường giá cả (TTGC). Qua mối quan hệ với Nghị, bà Thủy làm quen với ông Nguyễn Trọng Giác, Phó tổng biên tập Tạp chí TTGC. Ông Giác đưa cho bà Thủy một tấm card ghi rõ chức vụ là "Phó vụ trưởng Ban VGCP - Phó tổng biên tập Tạp chí TTGC". Trên thực tế, trước năm 2002, ông Giác từng là Phó vụ trưởng của Ban VGCP, kiêm Phó tổng biên tập Tạp chí TTGC. Nhưng sau khi Ban VGCP sáp nhập với Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính (năm 2002), ông Giác chỉ còn giữ chức vụ Phó tổng biên tập của tạp chí trên. Ông Giác nói có khả năng giúp các DN vay vốn thông qua các dự án và bảo bà Thủy về lập "Dự án trồng rau sạch và du lịch sinh thái" để xin vay 10 tỉ đồng. Tháng 9.2004, ông Giác và Nghị đến thăm cơ sở DN của bà Thủy ở Quảng Ninh (mọi chi phí ăn nghỉ đều do bà Thủy lo). Sau đó bà Thủy đưa cho Nghị hơn 200 triệu đồng để "chạy dự án" nhưng rồi "tiền mất - tật mang", tới tháng 5.2005 bà Thủy vẫn chưa được vay tiền.
Đường dây lừa đảo này còn nhận "chạy dự án" vay tiền cho bà Nguyễn Thị Hợi, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Hưng (ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Tháng 9.2004, Nguyễn Đức Lợi dẫn bà Hợi đến gặp ông Giác để xin vay 10 tỉ đồng cho "Dự án trại gà giống". Hai ngày sau, ông Giác trả lời đã xem hồ sơ, chấp nhận cho vay bằng thiết bị và nói: "Muốn vay 10 tỉ đồng phải đưa 100 triệu đồng làm chi phí". Bà Hợi đồng ý và sau đó đưa số tiền này cho Lợi để chuyển cho Nghị và ông Giác theo đúng thỏa thuận. Và rồi cho tới nay bà Hợi vẫn không được vay một đồng nào. Một nạn nhân nữa là bà Chiến ở tỉnh Bắc Giang, muốn thông qua đường dây này để vay 10 tỉ đồng cho "Dự án lợn siêu nạc" cũng đã mất không 150 triệu đồng. Rồi Công ty TNHH Ánh Ngọc ở Quảng Yên (Quảng Ninh) cũng đưa trước cho Nghị 30 triệu đồng để "chạy" dự án vay 17 tỉ đồng...
Ngoài ra, còn rất nhiều DN và cá nhân khác lập dự án vay tiền và nộp hồ sơ cho đường dây của Nghị - Giác mà cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ. Thông tin ban đầu cho biết, đường dây này đã nhận số tiền hơn 400 triệu đồng của 7 người để chạy dự án.
Những lời khai đầu tiên Chiều 22/6, tại cơ quan điều tra, PV Báo Thanh Niên và một số báo khác đã chứng kiến buổi hỏi cung đầu tiên đối với ông Nguyễn Trọng Giác và Đào Hữu Nghị. * Điều tra viên (ĐTV): Ông có được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thẩm định các dự án hay không mà lại nhận nhiều hồ sơ dự án xin vay tiền như vậy? - Ông Nguyễn Trọng Giác (Ô.NTG): Trước đây tôi có học về thẩm định giá, thẩm định tài chính tại Singapore, và là chuyên gia về giá, nên tôi nhận các dự án này để nghiên cứu, nếu thấy có thể xin vay tiền được cho các dự án này thì tôi làm. * ĐTV: Ông đã nhận những khoản tiền khá lớn của nhiều doanh nghiệp trong việc "chạy dự án", vậy tại sao trong cả một thời gian dài ông không giúp họ vay được tiền từ các nguồn vốn của Chính phủ và phi chính phủ? - Ô.NTG: Thật ra các dự án cứ phải "trôi" đi hàng năm mới giải quyết được, và việc cho các dự án này vay tiền phải phù hợp với các loại quỹ cho vay của Nhà nước. Khi các nguồn vốn cho vay mà có thì tôi có khả năng vay được tiền cho các dự án. Trong các dự án này, tôi không trực tiếp nhận tiền mà do anh Nghị, anh Lợi nhận. - Đào Hữu Nghị (phản bác lời khai của ông Giác): Anh không thể đổ vấy tội cho mọi người được. Chính anh chỉ đạo tôi nhận các hồ sơ dự án và nhận tiền của họ rồi sau đó đưa hết cho anh để anh "lo chạy" cho dự án được phê duyệt. - ĐTV: Với cương vị là Phó tổng biên tập Tạp chí TTGC ông có quyền thẩm định, xét duyệt việc cho vay vốn hay không, có được Bộ Tài chính giao việc này không? - Ô.NTG: Trước đây tôi là Vụ phó của Ban VGCP và tôi rất nhiều lần được Chính phủ giao nhiệm vụ thẩm định giá, thẩm định dự án. Tôi là người đã góp phần lập ra 2 trung tâm giá miền Bắc và miền Nam. Thực ra khi chuyển về Cục Quản lý giá thì lãnh đạo Bộ Tài chính đã "hạ thấp" tôi. Đến nay tôi chỉ muốn làm sao cho các dự án vay vốn được thực thi, nên tôi nhận các dự án này để nghiên cứu giúp họ vay vốn. * ĐTV: Khi chuyển công tác về Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính từ năm 2002 đến nay, tại sao ông vẫn tự khắc con dấu "Phó vụ trưởng - Phó tổng biên tập" và in danh thiếp Phó vụ trưởng Ban VGCP. Trong nhiều văn bản thu được tại nhà ông tại sao ông vẫn đề chức Phó vụ trưởng? - Ô.NTG: Cái dấu "phó vụ trưởng" này tôi chỉ lưu hành nội bộ thôi. Trong việc này, tôi công nhận là tôi sai. Khi chuyển sang Cục Quản lý giá Bộ Tài chính thì tôi chính thức không còn là Vụ phó nữa nhưng vừa rồi mức hệ số lương của tôi có được tăng và tôi không biết mình có phải là Vụ phó hay không. * ĐTV: Ông Đào Hữu Nghị, ông dựa vào đâu mà cho rằng ông Nguyễn Trọng Giác có thể chạy cho các dự án vay tiền ? - Đào Hữu Nghị: Anh Giác không thể đổ hết tội cho chúng tôi được. Khi nhận các dự án, anh Giác nói với chúng tôi rằng anh có thể lo được mọi việc đó vì anh là Phó vụ trưởng Ban VGCP. Chính anh nói rằng anh đã thẩm định cho DN Biti's trong Sài Gòn vay tiền và phát triển mạnh tới bây giờ. Anh cũng nói là đã tư vấn để cho sân golf Chí Linh vay được tiền. Khi đi làm việc thì anh Giác giới thiệu em là trợ lý của anh ấy. Toàn bộ tiền nhận được từ các dự án, em đều chuyển cả cho Giác vì anh ấy nói rằng "tất cả phải thu về một mối để anh lo công việc, và sau khi làm xong việc anh sẽ tính toán với chú!". Cho đến giờ thì anh ấy lại đổ hết tội cho bọn em. |
Việt Chiến
Bình luận (0)