Các vụ tấn công của quân nổi dậy đang diễn ra với mật độ ngày càng dày đặc và ác liệt hơn. Baghdad, Samarra và Mosul vẫn là những điểm nóng nhất. Tại thành phố Samarra ở miền Bắc Iraq, hôm 25.6, một kẻ đánh bom tự sát đã cho nổ tung chiếc xe chứa đầy bom bên ngoài ngôi nhà của một quan chức cảnh sát cấp cao Iraq làm chết 11 người và bị thương 20 người. Tại thành phố Mosul, ít nhất 13 cảnh sát thiệt mạng hôm 26/6 trong một vụ đánh bom liều chết vào đồn cảnh sát. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Iraq cho biết đã tìm thấy thi thể 8 cảnh sát Iraq tại thị trấn Ramadi, phía Tây Baghdad và 5 thi thể của các nhà buôn người Shiite tại khu vực được gọi là "vùng tam giác chết" ở miền Nam Iraq.
Kể từ ngày 26/6, sân bay quốc tế tại Baghdad đã ngưng hoạt động vô thời hạn do tranh cãi xung quanh việc chi trả cho công tác an ninh. Tuy nhiên, các chuyến bay quân sự vẫn được tiếp tục. Sân bay và tuyến đường cao tốc dẫn đến đây thường xuyên là mục tiêu của bọn khủng bố.
Trong khi bạo lực leo thang tại Iraq cùng với tâm lý phản chiến tăng cao trong lòng nước Mỹ, Washington tuyên bố không xác định thời hạn rút quân về nước. Trong chương trình phát thanh ngày 25/6, Tổng thống Mỹ G.Bush đã trấn an dân chúng đồng thời củng cố tinh thần binh sĩ khi khẳng định rằng ông có các chiến lược để giành thắng lợi tại Iraq. Ông Bush còn nhắc đến những thất bại của quân nổi dậy và sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Iraq cũng như thành tích của liên quân tại đây. Trong khi đó, dư luận đang râm ran đồn đãi rằng các quan chức Mỹ đã phải bí mật đi gặp thủ lĩnh của các nhóm khủng bố chủ mưu vụ đánh bom tự sát làm chết 22 người tại phòng ăn của một căn cứ quân sự Mỹ tháng 12/2004 và vụ giết nhà báo người Ý E.Baldoni cách đây không lâu nhằm tìm cách giảm bớt bạo động. Trong một diễn biến khác, nhật báo Asahi Shimbun của Nhật cho biết, Tổng thống Bush đã kêu gọi Tokyo kéo dài thời gian đóng quân tại Iraq so với thời hạn dự kiến vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, xem ra Tokyo đang dè dặt trước đề nghị này. Nhật hiện có 550 nhân viên quân sự đóng tại thị trấn Samawa, cách Baghdad 300 km về phía nam.
Bất chấp những tuyên bố của ông Bush, việc liên quân và lực lượng an ninh Iraq đang "bó tay" trước tình hình bạo lực lan tràn ở Iraq khiến dư luận quốc tế lo ngại cho tương lai của quốc gia vùng Vịnh này. Đã một năm trôi qua từ ngày chuyển giao quyền lực mà 92% hộ gia đình ở Iraq không được cấp điện ổn định; 39% số hộ không có nước sinh hoạt; 25% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; 27 - 40% người dân thất nghiệp. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Iraq trong tháng 6.2005 chỉ đạt 610 triệu USD, chưa bằng một nửa so với mức 1,28 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái.
Uyên Phi
(Theo AP, AFP)
Bình luận (0)