Họ đến từ các ngả đường khác nhau của tỉnh Bắc Ninh, từ Thuận Thành, Tiên Sơn, đến Quế Võ, Tiên Du... Song họ có chung một hoàn cảnh: rất nghèo, chung một nỗi buồn: con mình bị dị tật. Họ cũng có chung một tâm trạng phấp phỏng và chờ đợi một phép mầu để xóa đi những dị tật trên gương mặt trẻ thơ.
8h sáng: một số cháu đầu tiên đã được gây mê và đưa vào phòng mổ. Không khí thật khẩn trương và căng thẳng. Không khí ngoài trời ngột ngạt, oi bức.
Các bác sỹ Hàn Quốc gồm 13 bác sỹ và 5 y tá đứng đầu là Tiến sỹ Baek Rong Min cùng các bác sỹ bệnh viện quân đội Trung ương 108 làm việc cật lực với sự hỗ trợ của tập thể y bác sỹ bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh. 13 bác sỹ Hàn Quốc được chia đều cho 4 phòng mổ.
Một cô bé khoảng 7 tuổi nằm yên trên bàn mổ. Từ đôi bàn tay nhanh nhẹn và khéo léo của vị bác sỹ người Hàn Quốc, những sợi chỉ bắt đầu được luồn vào môi, khép lại vòm miệng bị hở. Tại một buồng phẫu khác, một cậu bé lên 6 tuổi có mí mắt bị sụp cũng đã được khâu xong, hơi thở đều đều. Vài bác sỹ khác đang thắt những sợi dây cuối cùng để cắt đi ngón chân thừa của một chú bé 10 tuổi. Từ giờ, chú bé sẽ không phải lẩn tránh những ánh nhìn đầy nghi kỵ xoáy vào bàn chân 6 ngón kỳ quặc của mình nữa.
11h trời mưa lất phất, bắt đầu xua bớt đi cái oi ả của trưa hè nhưng cũng không đủ để xóa đi sự mệt mỏi trong tôi bởi mùi thuốc sát trùng, bởi cảm giác mệt với bông băng, kim khâu, dao kéo và máu. Vì vậy mà các bác sỹ vẫn làm việc tới 6h chiều với dự tính hòan thành khoảng trên dưới 45 ca phẫu thuật. "Chúng tôi muốn tranh thủ thời gian để giúp được nhiều hơn nữa cho những em nhỏ không may bị dị tật ở Bắc Ninh. Các em rất thiệt thòi, dù hơi mệt nhưng chúng tôi rất hạnh phúc vì đã mang lại cho các em sự hoàn thiện và nụ cười rạng rỡ trên môi", tiến sỹ Baek Rong Min nói.
Từ ngày 10 đến ngày 19/6/2005, SK Telecom cùng hợp tác với S-Fone và Hội Hỗ trợ trẻ em bị dị tật mặt Semin sẽ tổ chức đợt phẫu thuật miễn phí cho 200 trẻ em Việt Nam bị các khuyết tật vùng mặt tại Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh. Với khẩu hiệu “Vì nụ cười trẻ em Việt Nam”, đến nay sau 10 năm thực hiện chương trình đã có hơn 2000 trẻ em Việt Nam tìm lại được chính mình với nụ cười xinh tươi rạng rỡ hơn để bắt đầu một cuộc sống mới tràn đầy niềm tin và hy vọng.
Các bác sỹ cả Việt Nam và Hàn Quốc tranh thủ thay phiên nhau ăn trưa. Khoảng 2 giờ, có 2 người đàn ông từ Sứ quán Hàn Quốc đến thăm và mang theo một hộp kim chi thật to để “bồi dưỡng cho các bác sỹ”. Sự kính cẩn của các vị khách đối với tiến sỹ Baek Rong Minh khiến tất cả những người chờ bên ngoài ngạc nhiên thú vị và hết sức cảm kích.
Gia đình anh Đỗ Đình Đo có cô con gái mới gần 6 tháng tuổi, khi vừa sinh ra cháu đã bị sứt môi là một nỗi buồn ghê gớm cho gia đình. Hai vợ chồng đều làm ruộng ở xã Quý Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Dường như cái hy vọng nối liền vành môi cho đứa trẻ khó thành hiện thực vì anh chị quanh năm làm lụng đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ để chi trả cho những sinh họat tối thiểu trong gia đình. Vừa dỗ đứa trẻ đang khóc ngằn ngặt trên tay vì phải nhịn đói trước khi mổ, anh vừa bày tỏ: "Tôi thực sự biết ơn các bác sỹ đã tạo điều kiện mổ miễn phí cho con tôi. Đây là một cơ hội hiếm có với gia đình để mang lại nụ cười cho cháu".
Chị Nguyễn Thị Lan, ở xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành có đứa con trai duy nhất là cháu Phạm Công Bình nhưng cháu lại bị hở hàm ếch. Hai vợ chồng làm nghề làm vàng mã, số tiền vài triệu để lên Hà Nội tìm nơi mổ cho con đối với chị là cả một khỏan chi phí lớn lao. Được y tá ở xã thông báo có đợt mổ vì mục đích nhân đạo, chị bỏ công việc lên bệnh viện ngay. Chị nói: "Từ ngày sinh cháu ra, tôi rất khổ tâm vì dị tật của cháu, thứa ăn hay bị trào ra khi cháu ăn uống, cháu còi cọc ốm yếu lắm, tôi sợ cháu lớn lên còn mặc cảm với bạn bè. Tôi mong muốn từ sau ca phẫu thuật này, con tôi sẽ mạnh khỏe và vui tươi hơn."
Tập trung ở bệnh viện Bắc Ninh lần này là những hoàn cảnh dị tật hết sức đáng thương, không chỉ hở hàm ếch mà còn nhiều tai biến khác. Cháu Nguyễn Quý Tú, con trai chị Nguyễn Thị Lương ở xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ không may bị bỏng nước sôi khi mới lên 3 tuổi. Bàn tay gầy guộc của cậu bé nham nhở sẹo và các ngón co quắp. Từ hai năm nay, cháu luôn phải sinh hoạt, ăn uống, cử động bằng tay trái. Bé cố giấu đi bàn tay dị tật, dõi đôi mắt buồn nhìn theo những chiếc băng-ca đang được đẩy vào phòng mổ. Khi các cô hỏi: "Cháu có sợ không?", Tú lắc đầu trả lời: "Cháu muốn được duỗi tay ra". Chị Lương nói chị đâu muốn con mình bị mang dị tật lâu thế nhưng gia đình không đủ tiền. Sáu tháng, chị làm cật lực thì được 2 tạ thóc, ăn và nuôi con không đủ, làm sao dám mơ tới một ngày được đi mổ để duỗi những khớp tay cho cậu con trai. Mới 30 tuổi gầy gò xanh xao với cái nhìn thăm thẳm buồn. Chị nói: “Khi nghe tin về chương trình tôi mừng muốn khóc. Đây là cơ hội cả đời của tôi”.
Cháu Ngô Bảo Vinh phẫu thuật cắt đi hai ngón tay thừa bẩm sinh vốn từng làm cho cả nhà luôn thấy mặc cảm, xấu hổ với họ hàng, làng xóm khi bế cháu đi chơi hoặc khi bị hỏi tại sao nó có tới 12 ngón tay". Với đợt phẫu thuật lần này, nhà cháu không còn phải buồn lo trước những điều tương tự nữa.
TN
Bình luận (0)