Làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên ở Huế

28/06/2005 15:14 GMT+7

Từ lâu, nhắc đến tên Mỹ Xuyên (Phong Hoà, Phong Điền) hẳn ai cũng biết đây là một làng mộc mỹ nghệ nổi tiếng của tỉnh. Với xu thế phát triển, nghề mộc Mỹ Xuyên truyền thống đã theo chân những người thợ toả đi khắp nơi. Và ở Huế, cũng có một cơ sở mộc mỹ nghệ mang tên Mỹ Xuyên...

Không tất bật, náo nhiệt, những người thợ đang tỉ mỉ chạm từng đường nét trên những bức tượng gỗ sắp thành hình; khéo léo tô đều từng đường sơn vàng, đỏ trên đôi bức hoành phi câu đối. Đập vào mắt tôi là bức tượng Phật Di Lặc, tượng Quan Công... Tất cả được chạm, trỗ bằng những đường nét khá tinh xảo, độc đáo. Chỉ vào bức tượng Phật Di Lặc, anh Lê Thừa Lợi, chủ cơ sở cho biết, sản phẩm này được hoàn tất sau hơn 30 ngày công, đã được khách hàng đặt mua với giá gần 20 triệu đồng; còn bức tượng hình Quan Công cao khoảng 0,5m mất 10 ngày công thì có giá 1,5 triệu đồng. Là người ít am hiểu về hàng mộc mỹ nghệ, nhưng trước những sản phẩm ở đây và công sức lao động, sáng tạo của người thợ, tôi hiểu rằng, mỗi sản phẩm mà họ làm ra, thật sự là một tác phẩm nghệ thuật.

Là người gốc Mỹ Xuyên, nhưng gia đình anh Lê Thừa Lợi rời quê vào Huế sinh sống từ trước những năm 1960 và chỉ duy một mình anh theo học nghề truyền thống của cha ông. Sau 3 năm theo học và hành nghề ở Sài Gòn, với ý định phát triển rộng làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống của quê hương, anh đã trở về Huế và lập nghiệp. Bằng nguồn vốn tự có 40 triệu đồng, năm 2002, anh Lợi đã cùng bố là ông Lê Thừa Đà lập cơ sở sản xuất hàng mộc mỹ nghệ làng nghề Mỹ Xuyên tại số 110 Điện Biên Phủ. Những ngày đầu, xưởng chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ, nhân công lao động khoảng vài người, sản phẩm làm ra chỉ trên dưới 5 mặt hàng thông dụng, phân phối nhỏ lẻ. Sau một thời gian trải nghiệm, tìm kiếm thị trường, linh động trong khâu quảng bá sản phẩm, anh Lợi đã đầu tư trang bị thêm máy móc, và cho ra đời nhiều mặt hàng đa dạng về hình thức, phong phú về mẫu mã. Sản phẩm làm ra được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Số lượng nhân công cũng tăng từ 5 người lên 15 người. Phần lớn là những người am hiểu nghề mộc mỹ nghệ truyền thống, tay nghề cao. Lương mỗi nhân công được trả tùy theo sản phẩm làm ra, bình quân từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng/người/tháng. Với mục tiêu tăng về số lượng lẫn chất lượng hàng mộc mỹ nghệ truyền thống, đến nay cơ sở đã sản xuất hơn 11 loại sản phẩm, doanh nghiệp nhỏ nên phần lớn sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng của khách. Bình quân, mỗi tháng thu nhập của cơ sở trên 50 triệu đồng. Mặc dù nghề mộc Mỹ Xuyên tồn tại từ lâu đời và đang được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư khôi phục và phát triển, nhưng thương trường luôn tồn tại sự cạnh tranh. Hơn nữa, hiện nay có nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm mộc mỹ nghệ theo hình thức công nghiệp được hình thành. Chính vì thế, để sản phẩm luôn được giới tiêu dùng tín nhiệm, anh Lợi luôn tìm hiểu thị hiếu khách hàng và nhu cầu thị trường. Đồng thời, với tiêu chí tạo ra một sản phẩm mang tính mỹ thuật cao, vừa lòng khách hàng nên đòi hỏi mỗi người thợ phải luôn nâng cao tay nghề, hội đủ độ tinh tế, sắc sảo, óc sáng tạo, tính kiên nhẫn... trong quá trình hành nghề.

Nguyện vọng của anh Lê Thừa Lợi là làm sao có được một trung tâm giới thiệu sản phẩm mộc mỹ nghệ ở Huế. Để qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến khách hàng, không phải thông qua những người trung gian như lâu nay. Tuy khó khăn trong kinh doanh, nhưng anh vẫn luôn lạc quan. Theo anh nghề nào cũng có cái khó của nó, song yêu nghề, gắn bó với nghề thì chắc chắn sẽ sống với nghề lâu dài.

(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.