Tại một trường mầm non nội thành, bé Võ Thị Q., 4 tuổi, học lớp chồi, quăng thật mạnh hai phần thưởng xuống nền hội trường, trong buổi lễ tổng kết năm học 2004-2005. Vô tình, một bạn đứng cạnh hỏi Q.: “Cha mẹ bạn đâu sao không lên với bạn?”. Tức thì mặt bé Q. đanh lại, đôi mắt đen non trừng lên một ánh nhìn lạnh lùng. Cúi mặt, bé Q. vụt chạy tới chỗ có bà nội ngồi. “Con ghét ba ... ghét mẹ... ghét cả các bạn. Về, về nhanh đi nội”. Thấy vậy, có phụ huynh biết chuyện nhà bé Q. bàn: “Có cha mẹ ăn học cao cũng khổ!”.
Khác với câu phương châm: “Đừng chết vì thiếu hiểu biết”, nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra trong những gia đình hiểu biết này.
Kết thúc bằng AIDS
Anh P. H. P., bác sĩ khoa ngoại, ở Q. Tân Bình, làm trong một bệnh viện lớn ở TP.HCM đứng chết lặng trước xác đứa con trai bị nhiễm HIV, 18 tuổi. Vợ anh cũng là giáo viên dạy toán cấp 2. Vậy mà đứa con chưa học hết lớp 10 đã lêu lổng, hút chích. Chính anh P. đã nhờ công an phường bắt “kín”con mình chở lên trường Nhị Xuân, Hóc Môn cai nghiện. Tới đợt đi thăm nuôi, anh chị phải “lén tai mắt nhiều chuyện” ở địa phương.
Vốn chỉ có một đứa con trai nối dõi nên vợ chồng bác sĩ P. cưng hơn trứng. “Dế” đời mới, xe tay ga... anh chị sắm cho con không thiếu thứ gì. Ngày ngày anh đi làm ở cơ quan, khám bệnh tại nhà. Chị tranh thủ đi dạy thêm. Cục cưng của anh “tích cực” đi học thêm Anh văn, vi tính, võ thuật... Mỗi lần anh hay chị alô, nó đều nói: “đang trong lớp học”. Thấy con xanh xao, vợ anh dặn người làm đi chợ mua bí rợ, óc heo về hầm cho con ăn tẩm bổ. Nghe người làm báo lại “dạo này cậu sợ nước, ít tắm”, bác sĩ P. sinh nghi, rượt bắt con thử máu, mới hay nó đã nghiện ma túy. Và giờ đây hai người chỉ còn lại nỗi đớn đau.
Một băng mua bán ma túy ở khu Lăng Ông Bà Chiểu dùng mỹ nhân kế, mồi hai người con trai ông cán bộ về hưu, ở nội thành, thử “nàng tiên nâu”. Hết tiền, cậu con trai lớn 20 tuổi, đi giựt giọc, phải ngồi tù. Chưa được nửa thời hạn, cậu đã lìa đời vì AIDS. Mọi hy vọng còn lại, vị cán bộ này dồn vào đứa con trai kế. Ông “lén” bà con khu phố, đưa con đi cai nghiện tận Phú Giáo, Bình Dương. Ngày 16/6/2005 con ông được đưa vào khu cách ly, vì AIDS ở giai đoạn cuối. “Tội nghiệp lắm, vợ chồng vị cán bộ này giờ như người mất trí”, một chị cán bộ trong Hội phụ nữ Q. Bình Thạnh cho hay.
Tương tự, vợ chồng chị Trâm ở Hà Nội, cả hai đều có học hàm tiến sĩ. Vợ chồng quyết tâm gửi cậu con trai lớn sang học ở Úc, ngành quản trị kinh doanh, đã hai năm. Hai người tranh thủ giảng “chạy sô”, mua bán nhà, góp nhặt tiền gửi qua cho con ăn học. Hè, ông chồng “đột xuất” sang mới hay con mình đã bị đuổi học hơn hơn một năm vì mải chơi ở những quán bar, vũ trường quên thi nhiều lần. Vài người bạn thân của con ông -cũng là du học sinh - cho ông biết thêm rằng “bạn ấy còn nghiện ma túy”. Nguyên nhân do con ông “bơi” không nổi với chương trình học nên nản chí, rồi dính luôn ma túy. Ông chỉ còn biết lo hậu họa!
Ở trọ trong gia đình mình
Những gia đình giàu có gặp cảnh con hư, vợ/chồng đam mê rượu chè, trai gái đã không là quá hiếm nữa. Và họ cũng biết cách giải quyết êm đẹp chuyện canh không ngọt cơm không lành này.
Bước vào một quán karaoke ở Q.3 cùng nhóm bạn học lớp 11, Đỗ Thị Đ., ở Q.1, bàng hoàng không tin nổi vào mắt mình. Tình cờ, Đ. đi ngang một phòng còn hé cửa, liếc vào em thấy mẹ mình cười tươi trong vòng tay sếp. Mũi Đ. cay xè, ứa nước mắt nghĩ về bố: bố vẫn đinh ninh mẹ đi công tác ở Singapore, để thương thảo những bản hợp đồng với đối tác. Mẹ Đ. giữ chức phó giám đốc một công ty xuất khẩu lao động, còn bố là giáo sư hóa có tiếng ở Sài Gòn. Hụt hẫng về mẹ, Đ. bỏ học, bỏ nhà đi bụi. Còn cha Đ. thì xin nghỉ làm nhà mô phạm. Ông dành thời gian tìm Đ. Và cuối cùng ông tìm thấy Đ. trong một động ma túy ở Q.4! Nghe bố khuyên, Đ. đi cai tự nguyện ở Thanh Đa, nay được 13 tháng. Còn bố Đ., ông đang làm một điều tra xã hội học về sự “xuống cấp” của những phụ nữ trí thức, kiếm ra tiền nhiều hơn chồng!
Oán giận giữa vợ chồng trí thức cũng có những cách giải quyết kiểu trí thức! Thời bao cấp, tiệc cưới cha mẹ bé Q. tại trời Nga chỉ có bánh mì chấm sữa. Thời mở cửa, cha bé Q. làm giám đốc một công ty xuất khẩu hàng nội thất. Mẹ bé Q. làm quản đốc trong một công ty may mặc ở Biên Hòa. Có lúc hàng gấp, mẹ Q. ở lại công ty làm suốt 3-4 ngày mới về. Về nhà là chị “cắm đầu thu dọn chiến trường” từ chén bát, đến vệ sinh nhà cầu... mà vẫn không hay chồng đang chán chị: xộc xệch, già nua! Một cô kế toán nhỏ hơn anh chồng một con giáp rưỡi, tranh thủ cơ hội này: chiều chuộng và cướp chồng chị. Sau hai tháng ly hôn, chị cưới một anh chồng trẻ hơn mình 4 tuổi. Ai cũng say với nguồn vui mới, chỉ có bé Q. thui thủi.
Cũng thuộc vào hạng gia đình trí thức bậc trung, nhưng hai năm nay bà Nguyễn Thị H. “sống như chết” vì ông chồng của bà thường xuyên “mày tao, văng tục” với bà lúc tan sở. Dường như có bao nhiêu bực dọc, ấm ức trong cơ quan, ông đem về “xả” cho bà hết. Mới đầu bà cố nín nhịn cho khỏi xấu hổ với sui gia, con cháu. Thế nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy. Từ đó bà càng thờ ơ với chồng, mặc cho ông chì chiết nặng và dai hơn. Cuối cùng thì chính những đứa con đã xúi bà ly dị cha tụi nó.
Theo SGTT
Bình luận (0)