Số liệu tổng hợp về diễn biến nguồn vốn huy động cho thấy, trong khi tiền gửi nội tệ của các tổ chức kinh tế, của các doanh nghiệp giảm, thì tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn lại tăng rất cao. Tính đến hết tháng 6/2005, tại Hà Nội, tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tăng tới 20%, do các tổ chức và doanh nghiệp kỳ vọng vào lãi suất USD đã và sẽ tăng cao.
Ngược lại, tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ của dân cư lại tăng rất thấp. Số liệu thống kê ở Hà Nội cũng cho thấy, tiền gửi ngoại tệ của dân cư tính đến hết tháng 6/2005 tăng chỉ có 2,8%; còn tiền gửi tiết kiệm bằng nội tệ lại tăng cao, tới 12,6%, gấp tới gần 5 lần.
Trong 6 tháng đầu năm, lãi suất và tỷ giá ở nước ta có những biến động khác nhau. Song trong môi trường cạnh tranh hoạt động ngân hàng diễn ra gay gắt, các ngân hàng thương mại tìm mọi biện pháp thu hút khách hàng, thông tin về lãi suất, tỷ giá giữa các ngân hàng thương mại trở nên minh bạch hơn.
Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp cũng như các ngân hàng thương mại cũng có chiến lược đầu tư cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác nhau theo nhu cầu của thị trường. Đông đảo người dân cũng bắt đầu có những tính toán nhạy cảm tương tự, lựa chọn việc gửi tiền, vay vốn sao cho có lợi nhất, nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Người dân vẫn thích gửi tiết kiệm bằng nội tệ
Nguyên nhân do người dân nhạy cảm với tỷ giá, trong 6 tháng đầu năm 2005, tỷ giá VND/USD chỉ tăng có 0,3%, ngược lại lãi suất tiền gửi nội tệ cao gấp 3 - 3,5 lần lãi suất gửi tiết kiệm ngoại tệ. Do đó rõ ràng gửi nội tệ vẫn có lợi hơn.
Làm một phép tính đơn giản càng thấy rõ điều đó. Nếu đầu năm gửi 1.000 USD kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 2,7%/năm. Như vậy, đến hết tháng 6 sẽ được cả gốc và lãi 1.013,5 USD.
Cũng với 1.000 USD đó, chuyển đổi sang đồng Việt Nam (VND) thời điểm đầu năm với tỷ giá 15.850 VND/USD, tương đương có 15,85 triệu đồng, gửi ngân hàng kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 7,92%/năm. Như vậy đến hết tháng 6/2005 rút cả gốc lẫn lãi được 16.477.660 đồng.
Còn 1.013,5 USD, tính tương đương với tỷ giá hiện tại đạt 15.898 VND/USD, tương đương với 16.112.000 đồng. Như vậy tính ra gửi nội tệ vẫn có lợi hơn 365.660 đồng. Gửi số tiền nội tệ càng lớn thì rõ ràng càng có lợi hơn.
Tính toán như vậy, nhưng tình trạng chuyển đổi từ ngoại tệ sang nội tệ của người dân chưa rõ ràng, thực tế vẫn có nhiều người gửi USD, nhưng xu hướng người gửi nội tệ thì tăng nhanh thể hiện qua tiền gửi nội tệ tăng gấp nhiều lần tiền gửi ngoại tệ.
Trong thời gian qua, để khuyến khích người dân an tâm gửi tiền vào ngân hàng không lo trượt giá, một số ngân hàng thương mại cổ phần, mà chủ yếu là VP Bank, triển khai chương trình gửi tiền tiết kiệm bằng nội tệ, nhưng được bảo hiểm trượt giá bằng tỷ giá VND/USD. Tức là gửi nội tệ với lãi suất cao gần tương đương với tiền gửi thông thường, song nếu tỷ giá VND/USD tăng cao quá một giới hạn cho phép được công bố, thì người gửi tiền còn được bù thêm mức trượt giá.
Doanh nghiệp thích vay vốn ngoại tệ
Phân tích hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm 2005 còn cho thấy các doanh nghiệp thích vay vốn ngoại tệ hơn, do đó dư nợ cho vay ngoại tệ tăng cao hơn.
Tại Hà Nội, tính đến nay dư nợ cho vay ngoại tệ của khối doanh nghiệp tăng tới 5,2%, trong khi đó, dư nợ cho vay nội tệ cũng của khối doanh nghiệp chỉ tăng dưới 2%. Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp lựa chọn dựa trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế, khi mà tỷ giá đồng USD trong 6 tháng đầu năm tăng không đáng kể, lãi suất vay vốn lại thấp, chỉ bằng 1/3 lãi suất vay vốn nội tệ.
Nguồn vốn cho vay ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại thuận lợi hơn, trong khi đó vốn cho vay nội tệ khan hiếm. Với các hợp đồng vay vốn ngoại tệ theo lãi suất cố định, hay theo cơ chế lãi suất đã ghi trên hợp đồng, thì dù lãi suất USD trong các tháng cuối năm 2005 và 2006 có tăng lên bao nhiêu chăng nữa thì các khoản đã giải ngân vẫn chỉ phải trả theo lãi suất cũ. Đây là một sự lựa chọn hết sức hợp lý của doanh nghiệp trong xu hướng hội nhập.
Lãi suất vay vốn ngoại tệ USD hiện nay chỉ khoảng 4,0% - 4,5%/năm, một số doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có thể vay chỉ với lãi suất 3,5% - 3,75%/năm; trong khi lãi suất vay vốn nội tệ lên tới 10% - 12%/năm, mà tỷ giá VND/USD trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng có 0,3%, dự đoán cả năm chỉ tăng có 0,5%. Do đó rõ ràng vay vốn ngoại tệ có lợi hơn vay vốn nội tệ.
Nếu doanh nghiệp nào vay vốn ngoại tệ bằng Euro, Yên Nhật... thì càng lợi hơn vì tỷ giá VND so với các loại ngoại tệ đó giảm mạnh cùng chiều với sự giảm giá của các đồng tiền đó so với USD trên thị trường ngoại hối quốc tế.
Theo vneconomy
Bình luận (0)