Khai quật di tích thành Hoàng Đế (Bình Định) lần thứ hai: Lộ dần bóng dáng cấm thành

04/07/2005 22:53 GMT+7

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định vừa phối hợp cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di tích thành Hoàng Đế lần thứ hai. Các nhà khảo cổ đã phát hiện thêm một số dấu tích kiến trúc Tử cấm thành của thành Hoàng Đế...

 

Phát hiện khả quan nhất trong đợt khai quật lần này là đã tìm thấy dấu vết của một kiến trúc nằm tại vị trí mà theo mô tả của sử liệu xưa là điện bát giác. Dấu tích tìm thấy là một phần hiên một cạnh của điện. Hiên được bó bằng những khối đá xanh đen hình trụ chữ nhật, rất đẹp, mỗi phiến đá dài khoảng 0,6m, dày 10 cm. Giữa hai lớp đá bó là ba hàng gạch mộc lát nền. Theo tiến sĩ Đinh Bá Hòa (Bảo tàng Tổng hợp Bình Định) thì đây có lẽ là loại gạch được sản xuất tại địa phương. Trên phần hiên đã được khai quật làm phát lộ ra 3 lỗ tròn, xưa hẳn dùng làm lỗ để dựng cột gỗ chống đỡ kiến trúc phía bên trên, có lẽ cũng làm bằng gỗ. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy những chiếc đinh đã bị nung cháy đỏ. Những phát hiện này khá trùng hợp với ghi chép của sử liệu, rằng năm 1801, khi quân Tây Sơn tái chiếm thành Hoàng Đế thì viên quan trấn thủ thành là Võ Tánh đã vội vã chạy sang điện bát giác để tự thiêu. Căn cứ trên phần hiên một cạnh điện bát giác còn lại, suy ra quy mô của điện bát giác xưa cũng vừa phải.

 


Một thủy hồ tương tự như thủy hồ được phát hiện năm 2004 nhưng ở vị trí đối xứng vừa được khai quật - Ảnh: Viết Thọ

Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn phát hiện thấy dấu vết một thủy hồ tương tự như thủy hồ đã phát hiện trong đợt khai quật đầu tiên. Hai thủy hồ này nằm đối xứng nhau thông qua điện bát giác. Một hồ có diện tích nhỏ hơn cũng đã được phát hiện, nằm cách thủy hồ thứ nhất khoảng chục mét. Cấu trúc và cách xây dựng của các thủy hồ tương tự nhau: xây bằng gạch và vữa vôi, có gắn những khối san hô và đá trang trí. Đáy hồ được lót bằng một lớp đất sét mỏng dày khoảng 10 cm, dưới nữa là một lớp gạch, có tác dụng giữ nước.

 

Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam), người phụ trách đợt khai quật, nhận định: "Kết quả khai quật đợt này bên cạnh việc tiếp tục làm phát lộ thêm những dấu tích của Tử cấm thành thành Hoàng Đế thì còn cho thấy dù thành Hoàng Đế được Nguyễn Nhạc xây dựng trong một thời gian ngắn, theo sử liệu là từ năm 1776 khi Nguyễn Nhạc chuyển trụ sở phủ Quy Nhơn về thành Chà Bàn cho đến năm 1778 khi ông lên ngôi hoàng đế, nhưng thành đã được xây dựng theo một quy hoạch kiến trúc hoàn chỉnh. Trước đây, chúng ta đã biết quy hoạch kiến trúc Hoàng thành Thăng Long, Lam Kinh - Thanh Hóa, thành nhà Hồ, kinh thành Huế thì nay chúng ta lại được biết thêm quy hoạch kinh thành vương triều Thái Đức của Nguyễn Nhạc. Đặt các quy hoạch này theo một hệ thống, cho ta cái nhìn toàn diện về quy hoạch kiến trúc các kinh thành nhà nước phong kiến Việt Nam".

 


Một hiện vật chưa rõ công dụng, chạm trổ dây nho vừa được phát hiện

Ngoài những dấu tích kiến trúc, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy rất nhiều mảnh gốm Việt, Chăm, Hán, đạn chì, đầu ngói... Đặc biệt, là một hiện vật làm bằng đá ngọc rất đẹp, chạm lộng rất công phu nhưng đã bị mòn khá nhiều. Kích cỡ hiện vật này bằng một chiếc đĩa, một bên giống như một chân cắm nến, lật ngược lại thì ra hình chiếc đĩa. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết công dụng chiếc đĩa này nhưng có lẽ đây là một vật dụng dùng trong hoàng cung.

 


Hiên điện bát giác

Với đợt khai quật này, tuy đã làm rõ hơn diện mạo Tử cấm thành nhưng để đi đến việc xây dựng sơ đồ, phác thảo mô hình, tiến tới tổ chức một hội thảo khoa học về trùng tu di tích thành Hoàng Đế như mong muốn thì vẫn cần một chặng đường dài phía trước và phải tiến hành khai quật thêm. Bởi vậy, điều cấp thiết hiện nay là phải có ngay phương án bảo vệ các dấu tích vừa khai quật, vừa phục vụ tham quan du lịch, vừa để chuẩn bị cho các hoạt động tiếp sau với di tích lịch sử - văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt này.     

 

 

 

Viết Thọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.