Cuộc quảng diễn hoành tráng của thêu thùa và nón lá

09/07/2005 14:59 GMT+7

Liên tục trong 3 ngày, từ ngày 15-17/7, tại TP Huế, lần đầu tiên UBND TP Huế sẽ tổ chức một festival chuyên đề để tôn vinh hai nghề truyền thống mang đậm bản sắc Việt: thêu thùa và nón lá. Với không gian là bờ nam dòng sông Hương thơ mộng, cuộc quảng diễn là sự hội tụ của nhiều loại hình nghệ thuật: âm nhạc, mỹ thuật, thời trang, múa rối, thư pháp, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật thả diều... nhằm một mục đích duy nhất: đưa thêu thùa và nón lá đến với công chúng thưởng ngoạn và giao lưu, qua đó tìm lối ra cho nghề truyền thống...

Ý tưởng mà các nhà tổ chức đưa ra nghe qua có vẻ như rất khó để tìm thấy sự hấp dẫn, bởi đối với hầu hết người dân Việt Nam, chiếc nón lá và nghề thêu thùa đã quá gắn bó và quen thuộc. Tuy nhiên, điều mới lạ nằm ngay chính trong các hoạt động nghệ thuật, các hoạt động của nghề truyền thống lần đầu tiên được mang ra trình làng.

Không gian trình diễn nghề là ngôi trường Hai Bà Trưng (Trường Đồng Khánh nổi tiếng xưa) cổ kính, dưới bóng những hàng cây cổ thụ. Tại đây, từ Hà Tây quê lụa, nghệ nhân Trịnh Bách cùng kíp thợ tài hoa của mình sẽ trình diễn toàn bộ kỹ nghệ phục chế trang phục cung đình xưa. Đó là các công đoạn từ việc xe tơ, quay xa dệt lụa, chạm sa, dệt gấm, thêu thùa hoa văn, rồng phượng... cho những bộ cánh của trang phục hoàng gia triều Nguyễn. Dự kiến tại đây, lần đầu tiên nghệ nhân Trịnh Bách sẽ tiến hành phục chế tại chỗ bộ trang phục hoàn chỉnh của tác phẩm múa cung đình nổi tiếng lục cúng hoa

Ông Nguyễn Duy Hiền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Huế, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức: "Có một thực tế là hiện nay các ngành nghề thủ công truyền thống của Huế đang rất bế tắc. Trước áp lực đời sống, những người thợ buộc phải chấp nhận làm việc gia công như những cái máy cho các doanh nghiệp, các cơ sở lớn ở các nơi... Chính vì vậy tính sáng tạo trong nghề nghiệp của họ ngày càng bị triệt tiêu. Dù là chiếc nôi của nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, nhưng những người thợ của Huế đang đứng trước một khó khăn: họ không có vốn và cơ sở sản xuất quy mô, không có thương hiệu, không có thị trường... Mục đích chính của festival nghề truyền thống Huế 2005 là thông qua các hoạt động giao lưu giữa các nghệ nhân, các bàn tay vàng và những người thợ nổi tiếng của cả nước để chúng tôi muốn tìm ra một lối thoát cho nghề thủ công truyền thống Huế phát triển trong bối cảnh Huế đang tiến tới xây dựng để trở thành một thành phố du lịch, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam".
đăng. Cùng với Trịnh Bách, các nghệ nhân nổi tiếng như cụ Lê Văn Kinh - bậc thầy của nghề thêu truyền thống Huế, nghệ nhân Đức Khoa - bàn tay vàng của nghề thêu Hà Tây, nghệ nhân Kim Chi - nghệ nhân thêu người Chăm, từng thử nghiệm thành công tranh thêu hai mặt với kỹ thuật thêu mũi chữ thập (đang đăng ký bản quyền sản phẩm sáng tạo công nghiệp Việt Nam); nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh - bàn tay vàng nghề thêu Việt Nam năm 1999, Huy chương vàng năm 1996 và giải Sao vàng đất Việt năm 2003, đến từ Đà Lạt... sản phẩm từng có mặt ở thị trường trong nước và nhiều quốc gia Anh, Pháp, Đức, Hà Lan... sẽ mang đến Huế kíp thợ của mình và trình diễn ngay trước công chúng những "ngón nghề" thêu đặc sắc nhất của Việt Nam.

Cùng với việc trình diễn nghề thêu, lần đầu tiên các cô gái của các làng nón nổi tiếng Đốc Sơ, Phú Hồ (Huế), nón lá Hà Tây, Long Xuyên... cũng sẽ giới thiệu với công chúng các công đoạn làm nón từ khâu ủi lá, vót sườn, xe chỉ, chằm nón. Tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, hai họa sĩ Đinh Khắc Thịnh và Lê Thừa Tiến sẽ thực hiện một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt nón lá độc đáo có tên "Dưới dàn thiên lý". Đó là một tháp nón có đường kính 7 mét được kết bằng 100 chiếc nón Huế với hệå thống chuông gió đầy âm sắc.

Chương trình thời trang "Áo dài và tranh thêu" (do Viện Mẫu thời trang Việt Nam - FADIN) thực hiện với trên 100 mẫu thiết kế của nhà thiết kế Minh Hạnh, Vũ Thu Giang sẽ được các người mẫu đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Huế trình diễn nhằm tôn vinh những bàn tay khéo léo qua các bức tranh thêu độc đáo trên nền nhung, gấm, sa và lụa truyền thống. Các chương trình ca múa nhạc truyền thống Huế sẽ diễn ra trên sân khấu nổi của sông Hương, chương trình văn nghệ dân gian với hò giã gạo, múa sắc bùa, biểu diễn cồng chiêng... các chương trình ca nhạc trẻ pop, rock cũng được tổ chức đan xen với các chương trình ca nhạc trữ tình sâu lắng của "Tình khúc Huế"...

Bên cạnh các hoạt động nhằm tôn vinh thêu thùa và nón lá, hàng loạt triển lãm quy mô lớn cũng được giới thiệu với công chúng: Bộ sưu tập ảnh Nghề thủ công Việt Nam đầu thế kỷ XX, do tạp chí Xưa và Nay tổ chức quy tụ hàng trăm bức ảnh ghi lại hoạt động của các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam từng phát triển mạnh mẽ trong lịch sử. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo cũng mang đến Huế bộ sưu tập ảnh nghề thủ công truyền thống với sự có mặt của làng gốm Phù Lãng, Bát Tràng, Chăm, Thái Cơi, H'Mông; dệt Vạn Phúc, thêu Ninh Bình, Hà Tây, Huế; đúc đồng của Huế, Ngũ Xã; tiện gỗ Nhi Khê, tranh dân gian làng Sình (Huế), Đông Hồ, Hàng Trống... Ngoài hình ảnh, triển lãm còn giới thiệu nhiều hiện vật liên quan đến các làng nghề; Triển lãm tranh lụa và thủ ấn họa của các họa sĩ Vĩnh Phối, Tôn Nữ Tường Hoa, Công Tôn Nữ Tuyết Mai, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Thiện Đức, Phạm Đình Trọng... Không gian của các hoạt động nghệ thuật được kéo dài dọc bờ nam sông Hương từ công viên Quốc học đến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và kéo dài đến công viên 3.2 (bến Tòa Khâm cũ dưới chân cầu Trường Tiền).

Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, thành phố sẽ tổ chức tuyến du lịch "Huế - Mùa hè xanh với các làng nghề truyền thống" nhằm đưa du khách khám phá đời sống, tìm hiểu văn hóa lịch sử, qua các con sông trong chảy trong kinh thành Huế, tham quan các vườn rau xanh trên thượng thành... bằng xích lô và thuyền du lịch. Khôi phục bến đò ngang Thừa Phủ một thời từng in đậm trong ký ức của nữ sinh Huế, tổ chức bữa cơm Huế với các món ăn dân dã, đầm ấm, mang tính chất gia đình...

Trong khuôn khổ của festival, một hội thảo chuyên đề "Giữ gìn và phát triển nghề truyền thống trong bối cảnh Huế thành phố festival, thành phố du lịch" do GS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chủ trì sẽ trình bày nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân và nhà quản lý trong cả nước với mục đích tìm lối ra cho các nghề truyền thống của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Các chương trình nghệ thuật tại festival nghề truyền thống Huế 2005

- Chương trình khai mạc: 20 giờ ngày 15/7 tại sân khấu bia Quốc Học.
- Thời trang "Áo dài và Tranh thêu cổ": 20 giờ ngày 16/7 tại sân khấu bia Quốc Học.
- Chương trình ca Huế: 18 giờ các ngày 15-16-17/7 tại sân khấu nổi Bến Hề đường Nguyễn Đình Chiểu.
- Tái hiện bến đò Thừa Phủ: 16 giờ các ngày 15-16-17/7 tại bến trước công viên trường Hai Bà Trưng.
- Hội Thi thêu và chằm nón: 8 giờ các ngày 15-16-17/7 tại trường Hai Bà Trưng.
- Chương trình ca múa nhạc truyền thống: 19 giờ ngày 15/7 tại trường Hai Bà Trưng và  20 giờ 15 các ngày 16 và 17 tại công viên Tứ Tượng.
- Chương trình múa rối "Tuổi thần tiên": 19 giờ các ngày 15 và 17/7 tại trường Hai Bà Trưng và 17 giờ các ngày 15 và 17/7 tại công viên Tứ Tượng.
- Liên hoan múa lân: 17 -18 giờ các ngày 15-16-17 tại công viên 3 Tháng 2.
- Sân khấu dân gian: 19 giờ 30 các ngày 15-16-17/7 tại công viên 3 Tháng 2.
- Ca nhạc "Tình ca Huế" và Rock: 20 giờ 30 các ngày 15-16-17/7 tại công viên 3 Tháng 2.
- Lễ bế mạc tôn vinh và rước sản phẩm thêu và nón lá: Lộ trình đường Phan Đăng Lưu - Trần Hưng Đạo, Lê Lợi - trường Hai Bà Trưng - Lê Lợi - phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (18 - 20 giờ tối 17/7).

Ngọc Thảo Nguyên - Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.