Cảnh báo nạn trấn lột, xin đểu trên đèo Hải Vân

10/07/2005 23:35 GMT+7

Sau hơn một tháng hầm đường bộ Hải Vân được chính thức đưa vào sử dụng, tuyến đường đèo Hải Vân đã trở thành mối hoang mang, lo lắng của nhiều người bởi có thông tin hàng loạt vụ trấn lột, xin đểu xảy ra. Người dân không ai dám đi xe máy lên đèo một mình vào buổi tối.

"Ngày 22/6/2005, lúc 1 giờ 30 phút sáng, như mọi khi vợ chồng tui đi vào Đà Nẵng buôn cá, mực về bỏ cho các nhà hàng ở Lăng Cô - Thừa Thiên-Huế. Khi vừa xuống chân đèo Hải Vân Nam thì bị hai thanh niên đi xe FX, ở trần, tóc đinh, người xăm đầy mình chặn lại xin tiền, biển số xe đã được họ lấy áo trùm kín. Tui không dừng xe mà đi thẳng liền bị hai thanh niên chạy xe theo kèm. Tụi tui năn nỉ một hồi rằng không có tiền, chỉ đi chở thuê. Sau khi chửi vài câu, họ phóng xe đi thẳng... Tui về chợ kể cho mọi người nghe thì họ bảo tui là trường hợp thứ 3 rồi. Ai cũng bảo may không như mấy trường hợp khác bị lột sạch đồ đạc tư trang". Anh Tống Văn Minh ở đội 4, thị trấn Lăng Cô kể cho chúng tôi nghe với gương mặt vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. Là người dân xứ biển chuyên làm nghề buôn cá, mực theo tuyến Đà Nẵng - Huế đã hơn 10 năm nay, đây là lần đầu tiên anh bị trường hợp như vậy. Hiện ở thị trấn Lăng Cô có hơn chục người làm nghề như anh Minh, vì công việc bắt buộc, họ phải đi vào Đà Nẵng từ 1, 2 giờ sáng. Lúc trước, phần ai nấy đi, nhưng từ khi thông hầm, nạn trấn lột xuất hiện trên đèo nên để đảm bảo an toàn, anh em hẹn nhau ngay Bưu điện Lăng Cô đi chung.

Đoạn đường đèo Hải Vân dài hơn 20 cây số, nguy hiểm bởi nhiều khúc cua ngoặt. Từ khi đường hầm thông suốt, lượng xe qua lại giảm nhiều, chỉ có xe máy và xe chở xăng dầu nên những quán nước rải rác trên đèo cũng đóng cửa. Theo phản ánh của nhiều người dân thị trấn, đã gần 1 tháng nay, râm ran trong quần chúng về cái tin có hiện tượng trấn lột trên đèo, thường là vào ban đêm đã thực sự gây hoang mang lo lắng cho nhiều người. Người dân thị trấn Lăng Cô bây giờ không ai dám chạy xe máy vào Đà Nẵng một mình như lúc trước. Trời bắt đầu tối là không có chiếc xe máy nào dám lên đèo. Nỗi lo sợ này lan sang cả những người khách đi đường từ nơi khác đến. Có người phải ở lại quán nghỉ chờ đến 1 giờ 30 sáng để đi chung với những người buôn cá vào Đà Nẵng.

Sau khi tìm hiểu một số thông tin, chúng tôi quyết định ở lại thị trấn Lăng Cô đến tối mới về Đà Nẵng bằng đường đèo mặc dù có người can ngăn nguy hiểm. Ai cũng hồi hộp và lo lắng bởi đoạn đường đèo 20 cây số tối om vắng ngắt tiềm ẩn những nguy hiểm phía trước. 

Ánh sáng yếu ớt từ những ngọn đèn chạy bằng máy nổ phát ra từ những quán nước trên đỉnh đèo cũng đủ để làm sáng một đoạn đường. Tôi tìm lại sự bình tâm sau hơn 20 phút căng thẳng. Xe vừa đỗ xịch, chị hàng nước với vẻ mặt sốt sắng chạy ra đón chúng tôi bằng câu chào hàng: "Đi từ dưới đó lên đây có bị ai chặn lại không?". Chúng tôi chưa kịp hiểu ra mô tê gì chị đã tiếp: "Cách đây nửa tiếng có hai người đi đường lên báo với chúng tôi bị hai thanh niên chặn lại xin tiền. Chúng tôi đã báo cho Công an huyện Phú Lộc. Chắc họ lên bây giờ!". Theo những người dân bán hàng nơi đây, từ khi thông hầm, hiện tượng xin tiền, trấn lột điện thoại di động thường xảy ra. Ngay lúc chúng tôi có mặt, anh Lê Văn Hùng trú tại thôn 4, Điện Hải, Thừa Thiên - Huế chở vợ và hai con đi từ Đà Nẵng ra đang xin một chủ quán ở trọ lại chờ sáng mới về chứ không dám xuống đèo.

Theo anh Nguyễn Văn Phước, Tổ trưởng Tổ tự quản đỉnh đèo Hải Vân, hiện tượng này gần đây thường xuyên xảy ra trên đèo. Mới đây nhất vào khoảng 15 giờ ngày 3.7.2005, có hai mẹ con đi từ Huế vào Đà Nẵng đến báo họ bị hai thanh niên rà xe theo giật túi xách... Anh còn cho biết, gần đây vào khoảng 11, 12 giờ đêm thường có một nhóm thanh niên lên đỉnh đèo tụ tập uống rượu, quậy phá. Vào giờ đó, máy nổ đã ngừng hoạt động, tối om nên không biết ai ra ai, cũng không ai dám ra can ngăn. Anh tâm sự: "Gần đây, anh em bán quán ở khu vực này khi xuống Đà Nẵng mua hàng cũng phải lên trước 7 giờ tối. Đi họp tổ dân phố dưới Đà Nẵng cũng nghe nói không được cho con em lên đèo vào buổi tối. Thật sự người dân chúng tôi đang rất hoang mang". 

Từ khi thông hầm đến nay, chưa bao giờ đỉnh đèo lại "náo nhiệt" như đêm nay. Vợ con anh Lê Văn Hùng được xe U-oat của Công an Phú Lộc chở xuống đèo, còn anh cùng một anh công an khác đi trước bằng xe máy để xem tình hình...

Công an Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, đưa vợ con anh Lê Văn Hùng xuống đèo đêm 5/7 - (ảnh: V.P.T)

Chiếc xe U-oat của Công an Phú Lộc vừa đi khỏi thì một lúc sau 6 chiếc xe gắn máy của công an, dân phòng phường Hòa Hiệp Bắc cũng vừa đến. Sau khi làm những công tác nghiệp vụ, trấn an nhân dân, lực lượng công an đã quyết định tiến hành kiểm tra nhân khẩu của một số lán trại công nhân làm đường ở Nam đèo Hải Vân. Kết quả chỉ qua khám một lán trại của Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 5 do ông Nguyễn Văn Thương làm đội trưởng, có 8 trường hợp không đăng ký tạm trú tạm vắng, trong đó, 2 trường hợp không có chứng minh nhân dân, 6 trường hợp không có giấy tạm trú tạm vắng. Điều đáng nói hơn là những người này đã ở đây hơn 1 tháng rồi nhưng cơ quan chức năng bây giờ mới phát hiện. Dọc tuyến đường Nam Hải Vân có 3 lán trại dành cho công nhân làm đường, đa phần những công nhân này là từ các tỉnh khác đến. Liệu còn bao nhiêu trường hợp nữa chưa đăng ký?

Một chi tiết cần chú ý là khi chúng tôi ở đỉnh đèo trong vòng chưa đầy nửa tiếng đồng hồ thì có đến 2 trường hợp xe máy bị lủng lốp, phải dắt bộ lên đỉnh đèo.    
  Người dân vẫn đang sống trong nỗi hoang mang, lo sợ. Nhiều người e rằng nếu tình trạng này không sớm được giải quyết ngăn chặn thì mức độ nghiêm trọng  không chỉ dừng lại ở mức xin đểu, trấn lột mà sẽ phức tạp, khó lường hơn. Trong tương lai, đường đèo Hải Vân sẽ được khai thác phục vụ du lịch, xem ra việc giải quyết triệt để tình trạng này quả thật là "việc cần phải làm ngay"!

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.