Thoát nghèo tại quê hương

11/07/2005 23:05 GMT+7

Không cần bỏ quê lên thành phố mưu sinh, giờ đây thanh niên nghèo ở nông thôn có thể tự lập nghiệp ngay trên mảnh đất của mình nhờ vốn vay của Đoàn thanh niên" - Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Đặng Dũng đã khẳng định hiệu quả của chương trình liên tịch giữa T.Ư Đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội về việc tổ chức thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trở về địa phương sau 2 năm quân ngũ, trong lòng Nguyễn Kỳ Nam (xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) rối bời. Gánh nặng đổ dồn hết lên đôi vai chàng trai 24 tuổi, ngoài chăm sóc bố mẹ già yếu, Nam còn phải nuôi các em nhỏ ăn học. Đang chưa biết xoay xở như thế nào thì Nam được Huyện Đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện tham gia dự án vay vốn dành cho thanh niên nghèo. "Vay được 10 triệu đồng, tôi bàn với gia đình trồng thêm một số cây ăn quả như nhãn, xoài thay thế những cây kém chất lượng trong vườn. Số còn lại tôi đầu tư mua 2 con bò gây nái và giống cỏ voi về trồng. Tuy mới dừng lại ở kết quả ban đầu, nhưng tôi thấy đây là cơ hội cho tôi và những thanh niên nghèo ở nông thôn tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương" - Nam tâm sự.

Cùng hoàn cảnh như Nam, chàng trai 19 tuổi Vi Văn Hiệp, dân tộc Thái (làng Sỏi, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đã trở thành trụ cột chính trong gia đình. Như bao bạn bè ở mảnh đất nghèo miền Trung hiếu học này, Hiệp nghĩ chỉ có cách vào đại học mới là con đường lập nghiệp duy nhất. Thế nhưng: "Nhà có 2 sào ruộng còn chưa nuôi đủ 6 miệng ăn, nói chi đến chuyện có tiền đi học. Không thể chấp nhận cuộc sống nghèo nàn mãi, tôi thề nhất định vươn lên để thoát nghèo". Từ bỏ giấc mơ sinh viên, Vi Văn Hiệp trở thành nông dân chăm chỉ đầu tắt mặt tối trên thửa ruộng nhỏ của mình. Và cơ hội "đổi đời" của Hiệp đã đến. Ngay trong đợt đầu "rót" vốn, Hiệp được Xã Đoàn bình xét cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình. "Thật may mắn, hai con bò mẹ mua về sau 3 tháng đã sinh sản. Tính theo giá thị trường, hai cặp bò, bê trị giá hơn 16 triệu đồng. Cứ theo đà này, chẳng cần đợi 2 năm, mình có thể hoàn trả vốn. Nhờ 10 triệu đồng "cứu" cả gia đình tôi thoát cảnh đói nghèo" - Hiệp hớn hở khoe. Chàng trai dân tộc Thái này còn cho biết, xóa nghèo thôi chưa đủ, phải phấn đấu vào đại học để có kiến thức về làm giàu cho mình và quê mình.

Theo anh Hà Văn Chung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn (T.Ư Đoàn), đến hết tháng 3 đã có 54/64 tỉnh, thành Đoàn triển khai ký ủy thác cho hộ nghèo vay vốn với số tiền 355 tỉ đồng. Số vốn vay được đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế con số trên quá khiêm tốn so với nhu cầu thoát nghèo và việc làm của hàng vạn thanh niên ở nông thôn. Đơn cử như ở xã Lương Phú, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) có 1.143 đoàn viên thanh niên nhưng chỉ có 120 người được tham gia dự án. Còn ở Hương Khê (Hà Tĩnh), việc đưa các giống cây đặc sản vào trồng đã giải quyết việc làm cho hơn 320 lao động tại địa phương nên ngày càng nhiều thanh niên tìm đến với tổ chức Đoàn mong mỏi được có cơ hội xóa đói giảm nghèo.

Anh Bùi Đặng Dũng cho hay, trong năm 2005, mô hình này sẽ được nhân trên diện rộng và "phủ sóng" toàn quốc, chắc chắn đây sẽ là cơ hội cho nhiều nhà nông trẻ thoát nghèo, vươn lên lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng...

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.