Con đường âm nhạc số 3: Cháy cùng Nguyễn Cường

11/07/2005 22:37 GMT+7

Nguyễn Cường là cái tên được chờ đón của chuơng trình Con đường âm nhạc số 3 (diễn ra tối 10/7 tại Triển lãm Giảng Võ). Có lẽ sau hai số đầu bồng bềnh với những tình khúc lãng mạn, người ta bỗng muốn được say được "khát" và được "cháy" cùng Nguyễn Cường.

Nhưng, con đường âm nhạc của Nguyễn Cường lại mang một cái tên rất hiền hòa Dưới mái đình. Hiểu như nhà thơ Đỗ Trung Quân (MC của chương trình) thì những nhân vật của Nguyễn Cường sẽ từ đấy bước ra, không chỉ là những đôi mắt Pleiku lồng lộng nắng gió cao nguyên, mà cả những Thị Mầu của phù sa sông Hồng. Xuất hiện trong dáng dấp của một tay cao bồi chính hiệu, khăng khăng giữ nguyên mũ và kính với lời phân trần "Bỏ kính mất 30%, bỏ râu mất 20% và bỏ mũ mất đứt 50% Nguyễn Cường", anh cắt nghĩa cho một mảng ca khúc đậm chất đồng bằng Bắc Bộ mà nếu không nói ra, ít ai nghĩ của Nguyễn Cường: "Dù có đi tới Cà Mau thì trong dòng máu vẫn có những giọt phù sa của sông Hồng". Vậy nên, chẳng có gì lạ khi anh trao Đàn cầm dây Vũ dây Văn, Mái đình làng biển cho Mỹ Lệ, Khúc bi ca Trọng Thủy cho Đàm Vĩnh Hưng, và đặc biệt, một nỗi nhớ ngọt ngào khác của anh - Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội cho Đoan Trang, dù cả ba giọng ca phương Nam đều chưa một lần tắm nước sông Hồng, chưa từng có những ngày ấu thơ gội hương hoa sữa. Khán giả vỗ tay. Vì lạ và xúc động. Và vì muốn cảm ơn những con người sinh ra, lớn lên ở một nơi xa, nhưng đã hát thật nồng nàn về Hà Nội - dẫu với cách cảm và cách biểu đạt của riêng mình.
 

Ca sĩ Ngọc Khuê trong chương trình. ảnh: C.T.V

Nếu như sông Hồng gắn liền với một ký ức dịu êm và lãng đãng, thì Tây Nguyên lại đích thực là một "cái nợ" luôn hiện hữu trong cuộc sống của Nguyễn Cường. Mảnh đất "thiêng", gọi vậy cũng chẳng quá lời - nơi anh mê mải "đốt mình" qua bao nhiêu năm tháng, cũng là nơi chàng nhạc sĩ Hà Nội chưa bao giờ phải trả tiền cho một cốc cà phê phố núi - "nhuận bút của nhân dân" như cách gọi của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Đền đáp lại là một dải ca khúc bạt ngàn nắng gió với Đôi mắt Pleiku, Em muốn sống bên anh trọn đời, Nghiêng nghiêng rừng chiều, Em hát thương ai... không đơn thuần chỉ là tình yêu và tấm lòng của anh với Tây Nguyên. Chính xác hơn, anh viết về Tây Nguyên giống như một kẻ bị cơn khát dày vò, uống mãi, uống mãi không bao giờ hết khát. Hiểu được điều ấy, tất cả giọng ca góp mặt trong chương trình, từ Siu Black, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc, Ngọc Khuê, Đoan Trang, Anh Thơ... cho đến khán giả cùng tình nguyện "khát" theo anh, và "khát" hết mức có thể.

Chỉ tiếc là, người "nổi lửa" cùng anh đêm nay, nhà thơ Đỗ Trung Quân dường như hơi "thiếu lửa", không phải thiếu cảm hứng mà có thể là do thiếu thời gian bàn bạc cùng tác giả khi đặt những câu hỏi. Chẳng hạn, một câu hỏi rất thừa: "Anh đã dành bao nhiêu thời gian để xâm nhập vào một nền văn hóa lâu đời như thế - tức văn minh sông Hồng?", trong khi người đối thoại với anh đích thực là một "đứa con" của nền văn minh sông Hồng và đang rất muốn được nói về niềm đam mê Tây Nguyên của mình. Có lẽ chỉ cần một cuộc chuyện trò cặn kẽ hơn, để thấu hiểu nhau hơn, trước giờ lên hình giữa người dẫn chương trình và nhân vật chính thì sẽ thành công hơn cho cả chương trình. Điều đáng tiếc thứ hai là số lượng bài hát trong chương trình nhiều nhưng không "tinh". Một số ca khúc, thậm chí ngay như Khúc bi ca Trọng Thủy, Khúc độc thoại Thị Mầu, mà tác giả đã viết với sự hứng khởi lớn lao lại làm "mất nét" Nguyễn Cường bởi khó đi vào lòng khán giả. Tuy thế, Con đường âm nhạc đã khắc họa cho Nguyễn Cường một chân dung khó nhầm lẫn !

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.