Cho bán vé số dạo, cấm bán báo dạo (!?)

12/07/2005 22:30 GMT+7

Bắt đầu từ ngày 1/7, UBND thành phố Đà Nẵng cấm buôn bán hàng rong, sách báo, đánh giày trên các tuyến đường chính là Hùng Vương, Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn và khu vực trước Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chămpa, cầu sông Hàn, Quảng trường 29/3... Các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền tùy theo mức độ và số lần tái phạm.

Theo bà Nông Thị Ngọc Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố thì: "Tùy theo điều kiện của mỗi địa bàn có thể mở rộng phạm vi nghiêm cấm". Như vậy, giới hạn các tuyến đường cấm có thể nhiều hơn.

Việc chấn chỉnh trật tự đường phố, nâng cao văn hóa đường phố là việc hoàn toàn nên làm. Tuy nhiên, trong quyết định nêu trên rất dễ nhận thấy những mâu thuẫn, bất hợp lý:
Việc bán hàng rong, bán sách báo và đánh giày ngoài phố ở Đà Nẵng đã bị tách rời và phân biệt với hoạt động bán vé số dạo. Vì sao chỉ có hoạt động xổ số được ưu ái? Ai cũng biết, đây là hoạt động gây phiền hà nhất. Những người bán vé số dạo không chỉ vào các quán sá, chặn người đi đường mà còn xông vào các công sở trổ tài xem tướng số, vận may, rồi năn nỉ ỉ ôi, thậm chí bắt vạ người khác khi lỡ tay cầm tập vé số mà không chịu mua...

Tại cuộc họp báo do UBND thành phố tổ chức thông báo quy định nói trên, PV Thanh Niên đã phản ánh tình trạng trên cũng như đặt câu hỏi về sự bất hợp lý đã nêu thì ông Nguyễn Mạnh Hùng - đại diện UBND TP Đà Nẵng cho biết: Do những người bán vé số dạo và hoạt động xổ số mang lại lợi ích kinh tế lớn cho thành phố nên được tách riêng để "Sở Tài chính hoàn chỉnh nội dung quy chế quản lý hoạt động bán vé số dạo..."! Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương tại miền Trung - Tây Nguyên Trương Minh Tuấn không đồng ý với ý kiến này, ông cho rằng không thể so sánh và cũng không thể nói xổ số mang lại lợi ích hơn báo chí, nếu so sánh thì lợi ích mang lại của báo chí còn lớn hơn nhiều.

Theo chúng tôi, việc hành nghề bán hàng rong, bán sách báo dạo, đánh giày trên phố bản thân nó không vi phạm luật pháp về lao động hiện hành. Những hệ lụy của các hoạt động này gây phiền hà cho du khách hoặc bị lợi dụng đi ăn xin chẳng hạn, phần lớn là các biến tướng và cần được điều chỉnh bằng các biện pháp hành chính thích hợp hơn. Đã thế, tại mục 2 của thông báo trên lại yêu cầu "Sở Tư pháp khẩn trương thẩm định văn bản quy định về các biện pháp chế tài để trình UBND thành phố trước ngày 11/7/2005", và cho biết sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn với những người ngoại tỉnh, lại càng cho thấy một sự nôn nóng quá mức cần thiết.

Nhiều đại lý báo chí phản ảnh: bán báo dạo là một hoạt động văn hóa đặc thù. Người bán báo đều tự nâng cao phẩm chất của mình trước khách hàng mỗi ngày và họ đang hãnh diện với công việc lương thiện đó. Đánh đồng họ với những người bán hàng có biểu hiện tiêu cực khác là xúc phạm đến lòng tự trọng của họ! Tại nhiều thành phố ở nước ngoài, hình ảnh người bán báo dạo thân thuộc trên phố vẫn dễ bắt gặp. Họ đưa tin tức lan truyền nhanh chóng đến mọi người. Đó cũng là hình ảnh sinh động của những đô thị sinh động hiện nay. Vấn đề là họ được tổ chức lại như thế nào.

Cần nói rõ rằng, chúng tôi không phản đối chủ trương trên của thành phố, nhưng để thực hiện nó cần có một lộ trình hợp lý và hơn hết phải công bằng trong đánh giá. Bán sách báo dạo, đánh giày cũng phải được tổ chức lại chứ không thể đồng nhất trong một khái niệm hành chính lạnh lùng!

V.P.M.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.