Mãi lộ trên cầu Chương Dương

17/07/2005 22:25 GMT+7

Năm, sáu tháng trở về trước, cánh lái xe container rất ngán khi đi qua Hà Nội. Dù canh giờ trước khi xuất phát nhưng chuyện đến Cầu Chui phải đợi hàng tiếng đồng hồ mới được qua cầu Chương Dương là không tránh khỏi. Hiện nay, quy định thì vẫn còn, nhưng chỉ có những lái xe không chịu xùy tiền mãi lộ mới phải xếp hàng !

 

Vừa qua giờ cao điểm (từ 16 - 18 giờ), tại chốt ở phía bắc đầu cầu Chương Dương có mặt cả cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) và nhân viên bảo vệ cầu nhưng những chiếc xe container vẫn vô tư, lừ lừ tiến từ đường Nguyễn Văn Cừ lên cầu. Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, từ 18 giờ 30 đến 19 giờ 30, chúng tôi nhẩm đếm đã có trên 20 xe vượt cầu, không gặp bất kỳ sự cản trở hay kiểm tra nào của các lực lượng TTGT hay CSGT.

 


Chỉ có những xe lần đầu đi qua, không biết cách mãi lộ mới phải chờ đợi

Anh xe ôm đứng sát đầu cầu phía bắc cho biết: "Tôi không biết cơ quan chức năng quy định như thế nào nhưng ngày nào cũng vậy, cứ sau 18 giờ là xe container bắt đầu sang cầu". 20 giờ 30, tần suất xe chạy qua cầu tăng đột biến. 21 giờ, dòng xe ở đầu cầu phía bắc bị nghẹt lại do mật độ phương tiện quá đông.

 

Tuy nhiên, để qua được cầu trước 23 giờ không dễ chút nào. Lái xe mang biển số 16H-589... cho biết: "Chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành quy định trên hàng năm trời. Trong thời gian này nếu đến Cầu Chui trước 23 giờ thì chỉ có cách tắt máy, nằm ngáp dài trên cabin. Cách đây vài ba tháng chúng tôi mới tìm được người đỡ đầu". Một lái xe khác yêu cầu giấu tên tiết lộ: "Mọi cái đều có luật lệ của nó. Muốn vào Hà Nội sớm thì phải mua đường. Ở khu vực này nhiều tai mắt lắm nên làm phải kín đáo. Chuyện đến chỗ có CSGT hay TTGT đứng, dúi cho họ mấy chục không áp dụng vào đây được. Hầu hết những xe container đều thường xuyên qua đây mỗi tuần vài lần nên họ thường làm luật theo tháng. Tiền làm luật một tháng khoảng 300.000-500.000 đồng, tùy thuộc vào tần suất đi qua và giờ qua cầu. Sau khi làm luật, số xe của mình sẽ được các anh ấy ghi và nhớ lại, cứ sang cầu vô tư". Một lái xe khác bật mí: "Những trường hợp ít đi qua khu vực này, đến quá sớm nhưng nếu biết vẫn có thể đi qua ngay được, chỉ có điều số tiền chung chi cao hơn rất nhiều so với làm luật một cục. Đi vào giờ tầm 18 giờ - 19 giờ, tiền chung chi có thể lên đến 300.000 đồng/xe/lần".

 

Theo quy định, 23 giờ mới được sang cầu. Có mặt ở đầu đường 5 sớm hơn rất nhiều so với quy định nhưng chúng tôi thấy chỉ có hai xe nằm chờ, một chiếc mang biển số 57H-324..., chiếc còn lại mang biển số 75H-817... Một người chạy xe ôm lượn qua thả một câu: "Không biết luật thì phải đợi thôi". Những chiếc xe container mang biển 16K, 16H, 29M... rầm rầm chạy qua, tạt vào mặt chúng tôi một làn gió ran rát.

 


Xe container ngang nhiên chạy trong giờ cấm

21 giờ, trong vai một phụ xe lần đầu ra Hải Phòng đánh hàng vào phía Nam, tôi rụt rè tiến vào chiếc bốt đặt ngay đầu cầu phía bắc, phía trên nóc có ghi Trạm bảo vệ. Chiếc mũ kê-pi màu xanh thẫm được để hờ ở góc bàn, người trực ban mặc chiếc áo trắng cộc tay có thêu chữ của đơn vị đang chăm chú đọc báo, không biết tôi hỏi cái gì, chỉ tay ra phía ngoài, buông một câu vô cảm: "Nhìn biển, sau 23 giờ mới được qua". Theo hướng tay anh ta chỉ, tôi tìm mãi nhưng vẫn không thấy chiếc biển nào quy định giờ xe container được qua cầu. Đợi đến lúc có một đoàn 4, 5 chiếc xe container nối nhau qua cầu, tôi bước vào hỏi người trực ban: "Anh ơi sao những chiếc xe container khác vẫn được đi qua ?". Đến đây, xin phép được trích nguyên văn đoạn băng ghi âm, ghi lại cuộc trao đổi giữa tôi và người trực ban:

 

- Lần đầu đi qua đây hả ? Họ đi vì người ta đã “làm luật” dưới kia rồi.

- Anh có thể giúp em đi sớm được không?

- Cứ cho xe vào đi, xe để ở đâu rồi ?

- Xe đỗ tít dưới Cầu Chui.

- Biển số xe bao nhiêu ? 

- 75H-357...

- Cho xe vào đi.

- Nhưng mà nhỡ vào đây bị chặn lại thì sao ?

- Không, không sợ.

- Ngoài Cầu Chui có ai không ?

- Không, chỉ có mấy xe thôi. Ông cứ cho xe vào đi, tôi gọi điện cho anh em cho. Không thì để tôi gọi hẳn người ra dẫn xe ông vào.

- Có cả người dẫn à ?

- Có.

- Hôm nay em đi chuyến đầu tiên, anh có cách nào lâu dài không ?

- Có số di động không ?

- Có.

- Đọc đi. Làm được nhưng mà chỉ đi được như thế này này, ngày là nghiêm cấm rồi, chỉ đi được từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng, tức là bảo đảm cho em được từ 6 giờ chiều cho đến sáng luôn.

- Nhưng giá cả thế nào ?

- Em cứ đến đây thì gọi anh cho người xuống dẫn.

- Mỗi lần bao nhiêu tiền ?

- Container 40 feet à ?

- Vâng.

-Nếu tầm 6 giờ chiều thì phải từ 250.000-300.000 đồng/lần, ban ngày đến 5 triệu anh cũng không đảm bảo được.

 

Kết thúc cuộc trao đổi, tôi đưa ra tờ 100.000 đồng và anh ta cũng rất sòng phẳng, rút bộ đàm gọi luôn cho một ai đó và đọc biển số xe cho đầu dây bên kia. Một tiếng sau, tôi lại thuê một người xe ôm ở Bến xe Gia Lâm đến, giả làm phụ xe và trao đổi với người trực ban ngồi trong bốt Trạm bảo vệ một số câu hỏi mà tôi đã dặn trước. Đoạn băng ghi âm mà tôi nhận được cũng có lời khẳng định của người trực ban: "Đảm bảo sẽ đi qua an toàn". Ngoài ra người trực ban này còn cho biết: "Tôi chỉ giúp thôi, còn bên giao thông người ta làm".

 

Có lẽ người trực ban nói đúng, anh ta chỉ là một trong số những người được chia chác số tiền mà cánh lái xe mãi lộ. Tuy đoạn đường từ Cầu Chui qua cầu Chương Dương đến đường Trần Nhật Duật (xe container nào cũng phải đi qua) không dài nhưng lực lượng giám sát việc thực thi luật lệ, các quy định về an toàn giao thông lại rất đông. Để qua được đoạn đường trên, ít nhất lái xe cũng phải qua 4 cửa ải. Đầu tiên là gặp CSGT Đội 5 ở Cầu Chui, lên đến chân cầu lại có CSGT, TTGT, nhân viên bảo vệ cầu đứng cắm, sang đến bờ cầu phía nam cũng có CSGT, TTGT và nhân viên bảo vệ cầu đứng chốt. Chưa hết, đến đường Trần Nhật Duật lại gặp CSGT đội 1. Đến đây chắc cánh tài xế cũng không biết số tiền mãi lộ của mình sẽ được những người "đỡ đầu" chia chác như thế nào ?

 

Phóng sự của Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.