Du học Pháp

20/07/2005 23:15 GMT+7

Giới trẻ Việt Nam đang ngày càng có nhu cầu được tiếp cận những nền văn hóa phát triển cũng như có hệ thống giáo dục tốt để khám phá và học hỏi tri thức thế giới. Nếu như các nước thuộc khối nói tiếng Anh như Mỹ và Úc hay Singapore thường được nhắc tới, thì hiện nay, Pháp cũng đang thu hút khá nhiều bạn trẻ.

 

Không chỉ nổi tiếng bởi tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre hay phô-mai và rượu vang, Pháp còn được biết đến bởi một nền giáo dục đại học lâu đời và chất lượng cao đào tạo đủ mọi ngành nghề với các hệ đào tạo rất đa dạng: ngắn hạn/dài hạn, tổng hợp/chuyên nghiệp, thực hành/nghiên cứu, giáo dục cơ bản/kỹ thuật. Về học phí thì không đáng lo ngại so với các nước khác, hay nói đúng hơn là sinh viên không hề phải đóng học phí trong hệ thống trường đại học công - vì đã được nhà nước Pháp bù lỗ khoản này - mà chỉ phải đóng một khoản gọi là lệ phí đăng ký học khoảng 300 euro, tùy trình độ đăng ký. Đây chính là lợi điểm rất lớn của du học Pháp so với du học tại Anh hay Mỹ. Dĩ nhiên, trong hệ thống đại học tư, sinh viên vẫn phải đóng học phí ở mức cao.

 


Môi trường học tập hiện đại...

Hiện nay, Pháp đang đứng hàng thứ 3 thế giới về thu hút du học sinh nước ngoài, với hơn 250.000 sinh viên quốc tế, trong đó có khoảng 2.600 sinh viên Việt Nam. Con số này rất nhỏ so với tỷ lệ sinh viên các nước khác đến Pháp vì nhiều lý do nhưng một trong những lý do đó có lẽ là hình ảnh nước Pháp xưa cũ vẫn còn in đậm trong cái nhìn của người Việt Nam; nước Pháp luôn bị so sánh với Mỹ là một quốc gia phát triển năng động, có vẻ phù hợp với nhu cầu của giới trẻ.

 

Chương trình học bổng của Chính phủ Pháp - mỗi năm có khoảng trên 100 học bổng - chỉ dành cho đào tạo sau đại học. Bạn có thể xem thêm chi tiết và tải hồ sơ xin học bổng trên mạng của Đại sứ quán Pháp: www.ambafrance-vn.org.

 

Phần còn lại được gọi là học bổng ưu tú cho phép các đại học Pháp tiếp nhận các sinh viên nước ngoài xuất sắc nhất và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế giữa các đại học. Xem thêm thông tin tại: www.education.gouv.fr.

Tuy nhiên, số sinh viên Việt Nam du học tại Pháp đang gia tăng đáng kể trong những năm gần đây (năm 2004 tăng 40% so với 2003 và đến thời điểm này tăng khoảng 25% so với 2004), nhất là kể từ khi phong trào du học bắt đầu nở rộ tại Việt Nam. Đáng ngạc nhiên hơn, ngành học được ưa chuộng lại là khoa học công nghệ (khoảng 50%), sau đó dĩ nhiên là kinh tế (30%). Điều có vẻ ngạc nhiên này cũng dễ hiểu, bởi nước Pháp cổ kính của một châu u già nua cũng là một trong những cường quốc về kinh tế và công nghệ với tên lửa Ariane, tàu siêu tốc (TGV) hay máy bay Concorde huyền thoại ! Mặt khác, Pháp cũng có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam bởi có số lượng khá đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống ở đây từ lâu. Vì vậy, việc phát triển du học Pháp cũng như việc đánh bóng hình ảnh một nước Pháp hiện đại hiện đang được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Pháp tại Việt Nam: song song với việc chuyển hướng "nhập khẩu" giáo dục vào Việt Nam trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế hiện đại (thay vì tập trung vào tiếng Pháp như trước đây), chẳng hạn như chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) hay quản lý kinh tế, Pháp tăng cường khuyến khích thanh niên Việt Nam sang Pháp du học khi nhận thấy tiềm năng và nhu cầu thực sự của thị trường "mới nổi" này. Việc khánh thành cách đây 3 năm Văn phòng EduFrance tại TP.HCM, việc tổ chức triển lãm du học Pháp hằng năm vào tháng 12 và mới đây nhất là sự ra đời của Trung tâm Du học Pháp gọi tắt là CEF (bao gồm phòng EduFrance và phòng Đánh giá hồ sơ) là một loạt những công cụ phục vụ cho chiến lược ấy. Như vậy, bất kỳ sinh viên nào có ý định du học tại xứ sở gà trống Gaulois cũng đều phải biết rõ hai


...năng động

bộ phận: Văn phòng EduFrance chuyên về thông tin, tư vấn và phòng Đánh giá hồ sơ nhằm tăng cường sự sàng lọc các hồ sơ du học để tránh những trường hợp đầu tư sai mục đích và hỗ trợ sinh viên chuẩn bị hồ sơ du học tốt hơn. Nếu hồ sơ bị đánh giá không tốt thì sinh viên khó lòng xin được visa vào Pháp. Có thể ví đây là ngưỡng cửa bắt buộc mà tất cả các sinh viên dù đi tự túc hay có học bổng đều phải bước qua.

 

Hiện nay tồn tại một nghịch lý là trong khi Pháp khuyến khích sinh viên Việt Nam sang du học thì việc cấp visa lại khá là khó khăn. Tuy nhiên, muốn sang sông thì phải lụy đò. Chính vì thế, sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nhất là chứng tỏ được động cơ học tập nghiêm túc của mình.

 

Một số điều cần biết

- Xin visa: Cần phải liên hệ với đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán để có đầy đủ thông tin về các giấy tờ cần thiết cho một hồ sơ du học. Có thể xem thông tin chi tiết trên địa chỉ web: www.ambafrance-vn.org hay www.consulfrance-hcm.org. Việc xin cấp visa phải trả phí là 99 euro trừ khi thông qua CEF (chỉ còn 49.50 euro), và một số trường hợp đặc biệt như được học bổng của Chính phủ Pháp hay Việt Nam. Thời gian cấp visa có thể thay đổi với thời gian tối thiểu là 2 tuần. Cần chú ý, nước Pháp hay bất kỳ nước nào trong cộng đồng châu u đều không chấp nhận chuyển visa du lịch thành visa sinh viên.

- Sinh hoạt phí tối thiểu hằng năm: 5.000 - 6.000 euro. Mức phí thực tế sẽ tăng giảm tùy vùng, Paris là đắt đỏ nhất.

- Mạng lưới ký túc xá:

- Các ký túc xá công rẻ (120 - 300 euro) nhưng khó vào

- Các ký túc xá của tư nhân có phí thuê phòng cao hơn (590 - 686 euro tại Paris và 400 - 686 euro tại các tỉnh).

- Ngoài ra, còn có các chỗ ở tư nhưng thường thì phải có giấy bảo lãnh của cha mẹ chứng tỏ có khả năng trả tiền thuê nhà.

- Ăn uống: Resto'u gắn liền với đời sống sinh viên, bữa ăn đầy đủ và cân đối về dinh dưỡng với giá rẻ (chỉ 1.5 euro, so với 3 - 10 euro tại quán cà phê, quán bia, quán ăn khu phố và 5 - 6 euro tại quán ăn nhanh). Sinh viên nào có thẻ sinh viên hoặc thẻ thông hành Edufrance đều có thể vào các nhà ăn này. Một số nhà ăn mở cửa cả tối, cuối tuần và các kỳ nghỉ.

- Đi lại:

- Trong thành phố:

- Xe buýt và tàu điện ngầm. Giá vé trung bình 1,30 euro/vé.

- Taxi được xem là thứ xa xỉ: một cuốc trong Paris trung bình 15 euro.

- Đến các thành phố xa: Sử dụng xe lửa hoặc tàu cao tốc (TGV). Có nhiều giá tùy theo lộ trình, tuổi tác, ngày mua vé.

- Liên lạc:

- Ca-bin điện thoại công cộng: mua thẻ điện thoại được bán trong các bưu điện, quầy thuốc lá, nhà ga và các tàu điện ngầm (giá 7,62 euro cho 50 đơn vị).

- Điện thoại nhà: đăng ký dịch vụ của France Telecom. 10,49 euro/tháng.

- Muốn đem theo điện thoại di động sang Pháp, cần tìm hiểu xem điện thoại đó có thể hoạt động được với các mạng lưới ở Pháp không.

Ngoài ra, để liên lạc, có thể sử dụng e-mail trong các quán cà phê Internet hay các điểm Internet, tuy nhiên giá ở đây rất cao (từ 1,50 đến 9 euro/giờ). Bạn có thể tranh thủ các máy Internet miễn phí trong các ga tàu điện ngầm. Nhưng để truy cập được phải mất nhiều thời gian và thường phải chờ rất lâu mới đến lượt.

 

 Nhật An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.