Người được chính quyền địa phương dành cho sự ưu ái này là ông Từ Thanh Sơn, hiện ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Căn cứ vào hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích đã được các cấp xác nhận vào năm 1993, chùa Ông có diện tích 2.730m2. Trong khi đó, diện tích lô đất nằm trong khuôn viên di tích, thuộc khu vực I - khu vực bất khả xâm phạm mà chính quyền địa phương (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) cấp sổ đỏ cho ông Từ Thanh Sơn lại chiếm hơn 600m2. Ông Từ Quang Tuấn, Trưởng ban quản lý di tích chùa Ông cho biết: Do có đóng góp nhiều công sức trong việc gìn giữ, chăm lo hương khói ở chùa Ông suốt một thời gian dài, gia đình ông Từ Thanh Sơn đã được đại diện 18 tộc họ (là con cháu của những người Minh Hương di cư sang Nghĩa Hòa từ thế kỷ 18, lập nên chùa Ông) dành riêng một khoảnh đất nằm trong khuôn viên của chùa để ở tạm. Khi biết ngôi chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa, năm 2004, ông Từ Thanh Dũng (cha của ông Từ Thanh Sơn, hiện ở TP Đà Lạt) trở về quê, xin giao lại đất cho chùa nhằm khôi phục nguyên trạng di tích. Ban quản lý di tích rất mừng trước thiện ý này của ông Dũng, đồng ý hỗ trợ 20 triệu đồng để giúp ông Từ Thanh Sơn di dời và đứng ra xin chính quyền địa phương cấp đất ở một nơi khác. Nhưng mọi việc cứ "giậm chân tại chỗ", chờ mãi vẫn không được chính quyền địa phương giải quyết, hồi âm. Sau đó, Ban quản lý di tích phát hiện ra sự việc kỳ lạ trên.
“Di tích chùa Ông hiện vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, xây dựng hết sức độc đáo. Di tích này là sự phối kết nhuần nhuyễn, tích tụ những nét tinh hoa mang đậm sắc thái của cư dân bản địa vùng duyên hải miền Trung và những người Minh Hương trong hành trình thiên di về phương Nam từ hơn hai trăm năm qua. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng như những nơi khác, kiểu kiến trúc độc đáo như ở di tích chùa Ông hiện tồn tại không nhiều lắm”. Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi) |
Đằng sau sự việc này có gì mờ ám ? Ông Từ Quang Tuấn cho biết thêm: Ban quản lý di tích đã trực tiếp làm việc với ông Từ Thanh Sơn về thửa đất của di tích, ông Sơn nói là đã chia 1 lô bán cho bà Thủy (một người dân địa phương), 2 lô còn lại bán cho anh Hà Văn Trường, con trai của ông Hà Hóa, đương chức Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa.
Diện tích đất mà ông Từ Thanh Sơn "ở tạm" rõ ràng là của di tích chùa Ông (thuộc lô đất có số hiệu 9 + 10, bản đồ 299 khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Ông, năm 1993), hiển nhiên không thể nào xảy ra tranh chấp giữa các cá nhân. Có hay không chuyện ông Chủ tịch xã Nghĩa Hòa "nhúng tay" vào việc cấp sổ đỏ cho ông Từ Thanh Sơn để ngấm ngầm thúc đẩy việc mua bán đất di tích, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cần phải làm rõ. Việc UBND huyện Tư Nghĩa "vin" vào lý do không có hồ sơ, bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lưu tại địa phương, không xảy ra tranh chấp, vội vàng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Từ Thanh Sơn mà không tiến hành kiểm tra, xác minh từ thực tế cũng cần phải có sự giải thích xác đáng.
Đình Phú
Bình luận (0)