Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ “lo ngại” về những trường hợp trên và kêu gọi Chính phủ Việt Nam “cho phép ngay lập tức các giám sát viên quốc tế tiếp cận những người này ở Tây Nguyên”. Ngày 23/7, phát biểu trước Hạ viện Mỹ, ông James Leach, Chủ tịch Tiểu ban quan hệ quốc tế của Hạ viện, phụ trách châu Á - Thái Bình Dương còn nói rằng “báo cáo của các tổ chức phi chính phủ có tài liệu về những trường hợp người thiểu số hồi hương về Việt Nam bị bắt giữ và đánh đập”.
Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng cho biết: “Người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Campuchia là những người vượt biên trái phép do bị lừa gạt và kích động, hoàn toàn không phải do bị đàn áp, truy bức. Họ không phải là những người tị nạn... Trên tinh thần đó, ngày 20/7/2005, tại cửa khẩu Mộc Bài, Việt Nam đã tiếp nhận 94 người thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên trái phép. Đây là những người được chính UNHCR xem xét trao cho phía Campuchia quản lý để hồi hương về Việt Nam theo đúng thỏa thuận ba bên. Cũng như những người trở về trước đây, những người này sẽ không bị trừng phạt, phân biệt đối xử hoặc truy tố về tội ra đi bất hợp pháp và sẽ được địa phương giúp đỡ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng”.
Thời gian qua, đại diện của UNHCR đã nhiều dịp lên thăm những người thiểu số ở Tây Nguyên trở về các địa phương và khẳng định Chính phủ Việt Nam đã thực hiện những gì cam kết, tiếp nhận và tạo điều kiện để những người trở về có cuộc sống ổn định. Những người trở về cho biết họ được đối xử bình đẳng, không có sự ngược đãi hay phân biệt đối xử.
Xuân Danh
Bình luận (0)