Nguyễn Văn Phước - từng đứng bục giảng đại học khoa điện tử 8 năm - tốt nghiệp cao học chuyên ngành tin học AIT, Bangkok, đột ngột nhảy sang làm sách như vào một cuộc chơi đầy ngẫu hứng và đam mê...
- Anh vừa có chuyến đi 33 ngày tìm mua bản quyền xuất bản sách và tìm hiểu thị trường ở 6 tiểu bang của Mỹ. Đi 33 ngày đàng ấy, anh thấy gì qua cách làm sách của người Mỹ?
- Xuất bản ở mình mang tính kinh doanh thông tin trong nước, còn với họ thì xuất bản thực sự là một công nghệ kinh doanh trong việc cung cấp tri thức toàn cầu. Tôi nghĩ, xu thế ở Việt Nam không sớm thì muộn cũng sẽ hướng tới sự chuyên nghiệp như vậy. Ngoài làm việc với các tập đoàn xuất bản để mua bản quyền, tôi đã học hỏi được nhiều điều bổ ích trong cuộc hành trình này. Nhưng tốc độ phát triển và cách quản lý ở Việt Nam vẫn chưa tương thích với những gì chúng ta nhìn thấy hay học được từ nước ngoài. Mình phải linh động ứng dụng sao cho phù hợp trong từng giai đoạn khi cơ chế được cải thiện.
- Kêu ca về cơ chế có lẽ là chuyện dài. Nhưng chúng ta đã tham gia công ước Berne. Lúc đầu, anh "dự báo” rằng, một số nhà xuất bản (NXB) sẽ tuân thủ luật chặt chẽ và lượng sách dịch sẽ ít đi. Trong khi đó, tình trạng "sách luộc" sẽ tăng mạnh. Sau hơn 6 tháng "bơi với Berne”, ở góc độ một người làm sách, anh thấy gì?
- Công ước Berne là hợp xu thế phát triển tất yếu, là một trong những điều kiện để Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng phải nhìn nhận rằng dân mình còn nghèo. Không phải gia nhập WTO là giàu lên ngay được. Chỉ đáng lên án là có những người lại không làm gì khác mà đi in lậu những sách mà First News hay các NXB khác đã gian nan đi mua bản quyền. Đó là sự không công bằng và tệ hại nhất cần loại bỏ. Việt Nam chưa có hành lang pháp luật rõ ràng bảo vệ bản quyền. Bên cạnh đó, đây là một vấn đề rất "lâu đời và có nhiều ẩn số"!
- Tự mày mò đi tìm hợp đồng bản quyền xuất bản tận bên trời Tây, có phải là hoài công không, khi mà một số NXB ở ta, sau Berne, vẫn tìm cách lách để ra sách đều đều?
- First News chấp hành pháp lệnh Nhà nước. Chúng tôi tiên phong trong việc mua bản quyền quốc tế nhưng rất cảm thông với những khó khăn của các NXB và đơn vị làm sách khác. Vì bản thân cũng từng gặp những khó khăn như vậy. Một số NXB nước ngoài vẫn chưa quan tâm đến thị trường bé nhỏ ở Việt Nam. Trong giai đoạn thích ứng với công ước Berne (thường ở các nước khác từ 12 - 24 tháng), có thể tìm cách làm "đúng" và làm "được" để quyền lợi người đọc Việt Nam chúng ta không bị thiệt thòi.
- Anh vẫn hay nói chuyện làm sách như một cuộc chơi đầy đam mê. Ngày đầu, anh và nhóm bạn bắt tay làm sách với một chiếc máy tính 386. Cho đến hôm nay, khi tạo được thương hiệu First News, anh nghiệm ra điều gì?
- Tôi có ước mơ nhỏ bé là thông qua sách, cung cấp những thông tin hữu ích mới nhất cho người Việt và góp phần nào tạo cảm hứng và làm thay đổi đời sống tinh thần bạn đọc bằng những cuốn sách nhỏ bé của mình. Có những lúc khó khăn, tôi thấy con đường mình đi là không tưởng, nhưng mọi người cứ kiên trì mà đi. Có nhiều khi tôi thấy xung quanh không có hướng đi, chúng tôi đã tưởng tượng ra con đường mà đi. Trí tưởng tượng thật quan trọng và giúp chúng tôi thêm sức mạnh. Tôi nghĩ không chỉ ở lĩnh vực này mà cả mọi mặt khác của cuộc sống cũng vậy.
- Nếu tôi gọi anh là "đầu nậu sách" theo thói thường người ta vẫn gọi những người làm sách tư nhân, thì anh sẽ nghĩ gì?
- Tôi hoàn toàn không quan tâm đến chuyện nếu có ai đó gọi mình là gì. Vì chính mình biết mình rõ nhất là ai và có người chia sẻ, hiểu được là điều rất quý. Tôi không phán xét mình. Quyền phán xét và nhìn nhận thuộc về người khác.
Giới làm sách rất phức tạp, nhiều khi có sự thanh toán nhau, mafia không thiếu...
Chống tệ nạn in lậu, đầu tiên tôi nghĩ đó là một số người cụ thể, nhưng có người khuyên tôi đó là một hệ thống và là một bức tường. Tôi thấy điều đó rất bức xúc và bất công. Một vài quan chức khó chịu với tôi vì sao lại nói thẳng ra như vậy trong một xã hội vốn vẫn đã tồn tại như trước giờ. Tôi đã từng nhận được nhiều cú phôn hăm doạ và cả thanh toán! Thế chẳng lẽ chúng ta sẽ chung sống mãi với sự bất công đó? Và tôi tin rằng điều đúng sẽ thắng và những gì cản trở sự phát triển của xã hội sẽ sớm bị loại bỏ.
- Anh có nghĩ mình có phần ngang ngược?
- Làm đúng, nói thật những gì mình nghĩ thì có thể nhất thời gây mất lòng ai đó, nhưng không có nghĩa là ngang ngược.
- Lúc khó khăn nhất, xin lỗi, trong túi anh có bao nhiêu tiền và bao nhiêu phần trăm ý chí?
- Tôi nghĩ, sức mạnh con người không nằm ở tiền bạc hay vị thế, mà ở trong tinh thần mỗi người. Nhớ lại có những lúc khó khăn, công ty chúng tôi âm về vốn. Những lúc ấy, ý chí và niềm tin giúp chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi đã học được nhiều điều từ những cuốn sách và trưởng thành hơn qua từng cuốn sách mà chúng tôi đã làm.
- Nghe đâu anh thích phim, truyện chưởng?
- Đơn giản, tôi thích chất hào hiệp của những anh hùng trong đó.
Theo SGTT
Bình luận (0)