Từ một phát hiện khảo cổ học: Xác chết giết người hay là lời nguyền của "Người băng"

25/07/2005 22:00 GMT+7

Ai tìm ra nó - người đó chết cóng trên núi cao. Ai nghiên cứu nó - người đó bị tông xe thảm khốc. Ai chở nó - người đó bị đá rơi vào đầu. Ai quay phim về nó - người đó chết trong đau đớn. Điều gì xảy ra với xác chết của "Người băng"?

6 cái chết kỳ lạ

"Nếu như quả thực có sợi dây liên hệ giữa các cái chết đầy bí ẩn, thì nạn nhân tiếp theo của xác chết sẽ phải có!" - nhà khảo cổ học người Áo là Konrad Spindler tuyên bố khi đề cập xác chết "Người băng". Dường như lời tuyên bố đã trở thành lời nguyền. Bởi vào cuối tháng 4 vừa qua Spindler qua đời. Các báo lại được dịp làm ầm ĩ, đại loại như: "Lời nguyền của "Người băng" vừa cướp đi một sinh mạng nữa".

Xác chết "Người băng" (có tên gọi là Otsi) được tìm thấy trong núi Alp giữa biên giới Áo và Italia vào năm 1991. Các nhà khoa học sau đó xác nhận, "Người băng" chết cách đây 5.300 năm do bị kẻ thù tấn công, trên quần áo của người chết còn dấu tích của những vệt máu. Từ đó đến nay, xác chết hàng ngàn năm tuổi này nằm trong băng, cho đến khi được một người Đức tên là H.Simon đi du lịch phát hiện ra. Thi thể của "Người băng" còn khá nguyên vẹn, đến nỗi lúc đầu Simon không biết đó là người cổ xưa, nên ông ta đã gọi điện cho các bác sĩ. H. Simon chính là người đầu tiên bị chết, mở đầu cho những cái chết bí ẩn sau đó có liên quan đến xác chết ở núi Alp.

Các đồ vật của "Người băng" có niên đại rất "vênh nhau": chiếc áo có niên đại 8.000 năm, chiếc rìu 2.000 năm tuổi và mũi tên được làm từ 7.000 năm trước

Sau quá trình kiện cáo xung quanh về quyền sở hữu đối với "Người băng", tòa án ra phán quyết cho Simon hưởng 100.000 USD. Trong một ngày thời tiết rất đẹp, trời quang mây tạnh, Simon trở lại nơi mà mình đã tìm ra "Người băng" để hưởng hương vị thành công. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, Simon bị rơi vào một trận bão tuyết (trước đó không có trong bất kỳ bản tin dự báo thời tiết nào). Ông đã bị chết cóng. Khi người ta đào bới tuyết để lấy thi thể Simon, ông nằm đúng tư thế của "Người băng".

Đội trưởng Đội cứu hộ Diter Warnec, đơn vị  tìm kiếm Simon cũng đã chết sau khi người ta chôn cất Simon được gần 1 giờ vì bệnh nhồi máu cơ tim. Nạn nhân thứ 3 là tiến sĩ Rainer Henn, người đứng đầu nhóm nghiên cứu "Người băng". Ông chết trong tai nạn xe hơi, khi trên đường đến đài truyền hình để trả lời phỏng vấn về xác chết này. Ngay sau đó, thông tin về cái chết của Curf Fris - vận động viên leo núi được lan truyền. Ông chính là người đưa tiến sĩ Rainer Henn đến địa điểm có xác chết "Người băng". Fris chết vì một phiến đá từ phía trên rơi thẳng đúng đầu ông ta.
Sau đó một vài năm, các nhà khoa học lại bị sốc - nhà báo người Áo Rainer Hels bị chết vì khối u ác tính não. Rainer chính là người "tháp tùng" "Người băng" và quay phim xác chết này để phát sóng trên toàn thế giới.

Những đồ vật thuộc các thời đại khác nhau

Vết xăm trên cánh tay "Người băng"

"Các trường hợp bị chết làm chúng ta nhớ lại vị vua Ai Cập Tymankhamen, khi mà số bị chết đều thuộc những người đã mở cửa mộ của ông ta - nhà khảo cổ học ở Roma - Alexxandro Morani nói - Hơn nữa, những người chết thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng trong một thời gian ngắn, nên không thể không gây ra những nghi ngờ. Theo quan điểm của tôi, cần phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát tỉ mỉ: "Người băng" này là ai? Chẳng hạn, những phân tích đầu tiên về đồ vật của người này cho thấy, chúng thuộc về nhiều thời đại khác nhau. Những mũi tên có 7.000 năm tuổi, chiếc rìu có 2.000 năm tuổi, còn chiếc áo khoác mà ông ta mặc lại làm bằng da dê, có nguồn gốc từ Trung Hoa cách đây 8.000 năm. Như vậy, có thể đặt ra giả thiết, "Người băng" có thể là nhà tư tế cổ đại thuộc về nền văn hóa mà chúng ta còn chưa biết đến. Những người ở thời đại này có khả năng làm những chuyến du lịch đến những vùng xa xôi".

Tại Bảo tàng Khảo cổ Bolzano ở phía Bắc, Italia, nơi mà xác "Người băng" được lưu giữ khó mà tìm chỗ chen chân vào được. Ở cửa ra vào bảo tàng, người xem xếp hàng dài dằng dặc: Trong vòng một năm có 240 ngàn lượt người tham lãm. Tại căn phòng của "Người băng", nhiệt độ khoảng 6 độ âm. Bởi xác chết nằm trong băng hơn 5.000 năm (giống như trong ngăn đá tủ lạnh), nếu nhiệt độ chỉ nhích lên một chút, thì "Người băng" sẽ bị phân hủy. "Người băng" được bảo quản khá tốt, có thể nhìn thấy vết xăm trên tay, chân, và cả ở lưng nữa. Đề cập đến những cái chết bất thường "có liên quan" đến "Người băng" thư ký báo chí của Bảo tàng Bolzano Melitta Franchesky nói: "Chẳng có gì đáng sợ cả, tôi không tin vào cái gọi là lời nguyền của "Người băng".

Vị phù thủy cao tay ấn?

Chuyện tương tự ở Nga

Năm 1993, tại khu mộ cổ của người Skif ở vùng núi Altai, người ta khai quật xác một người phụ nữ, được chôn cất trong quan tài băng cách đây 2.500 năm. Người ta liền đặt tên cho xác chết là "Công chúa Altai". Một chiếc trực thăng mới tinh được huy động để chở chiếc xác, nhưng khi đang bay đã phải hạ cánh khẩn cấp vì máy móc trục trặc. Sau hàng loạt các cuộc nghiên cứu, xác chết được trưng bày tại Bảo tàng Novosibirsk. Sau đó 10 năm, vào năm 2003, chính quyền tại đây nhận được nhiều lá thư tập thể yêu cầu phải đem "Công chúa Altai" chôn cất lại chỗ cũ. Người dân bản địa cho rằng, từ ngày xuất hiện xác chết, quanh khu vực đó luôn có động đất, rồi các vụ đâm chém thường xảy ra liên miên.

Mặc dù vậy, tại bảo tàng từ đấy đến nay thỉnh thoảng vẫn có người bị ngất khi nhìn xác chết "Người băng". Điều này cho thấy có quá nhiều người xem gây nên không khí ngột ngạt, làm cho những người yếu tim dễ bị ngất. Nhưng những trường hợp bị ngất lại hay xảy ra tại các phòng trưng bày xác chết, không chỉ ở Bolzano mà còn ở các bảo tàng như Bảo tàng Anh, Bảo tàng Hermitas (Nga), Bảo tàng Louver (Pháp).

Khi có một số người bị ngất như thế, không ít nhà chuyên môn đưa ra giả thuyết khác: "Người băng" là một thầy phù thủy cao tay ấn. Có lẽ khi sinh thời, ông ta đã có lời nguyền đặc biệt - tập tục tồn tại trong các bộ lạc thời xa xưa. Đây là lời nguyền độc mang tính báo thù, cảnh báo những tai ương khủng khiếp cho những ai dám động vào xác chết của ông ta sau khi chết. Tóm lại lời nguyền đó nhằm chống lại những kẻ đào mồ trộm. Tập tục tương tự này đã có ở người Skif. Còn nhớ vào năm 1991, tại thành phố Kiev, Ukraina, tòa án đã buộc phải khép hồ sơ vụ án của 5 tên đào mồ trộm. Bọn chúng đã mở mộ của một người Skif cổ, nên để điều tra cơ quan hành pháp cấm chúng ra khỏi nơi cư trú trong vòng nửa năm, nhưng trong thời gian đó cả 5 tên này đều bị chết do bệnh tật, hoặc tai nạn.

Địa điểm (vòng tròn) nơi tìm ra xác "Người băng"

"Tại sao mọi người đều hiểu, cần phải thận trọng với xác chết vì rất có thể bị nhiễm độc, nhưng không ai tuân thủ các quy tắc phòng vệ cả - nhà khảo cổ học ở Roma Alaxxandro Morani nói - bởi nếu như thế, người ta có thể mang bệnh vì những vi-rút lạ mà chúng ta chưa hề biết đến. Vi khuẩn có thể bị chết trong nhiệt độ cao, nhưng trong nhiệt độ âm, chúng có thể tồn tại chưa biết đến bao giờ. Không loại trừ rằng, xác chết "Người băng" có thể còn lại vi khuẩn nào đó. Chúng tác động đến cái chết của một vài người".

Những bí ẩn không thể lý giải

Theo nhà sử học Đỗ Đình Truật, trong khi khai quật các ngôi mộ cổ, thì cần phải có các biện pháp phòng hộ thật an toàn. Bởi không loại trừ người xưa có thể yểm thuốc độc trong mộ của mình để phòng tránh bị đào mồ. Loại thuốc độc đó có khi không giết người ngay tức khắc, mà có thể sau một thời gian người bị nhiễm mới lâm bệnh và chết.

Cách lý giải của Alexxandro Morani nghe có lý, nhưng người ta đặt câu hỏi: Tại sao lại có người chết cóng trong bão tuyết, khi mà các bản tin thời tiết đều dự báo hôm đó trời rất đẹp. Tại sao lại có người đang yên lành lại bị đá rơi vào đầu? Không có đáp án cho những câu hỏi này và có lẽ chúng mãi mãi là điều bí ẩn, Tại sao xác một người cổ chết cách đây hơn 5.000 năm, lại mặc chiếc áo có niên đại 8.000 năm, chiếc rìu 2.000 năm tuổi và mũi tên được làm từ 7.000 năm trước? Không ai có thể giải thích được điều kỳ lạ này. Không lẽ ông ta lại có phép thần thông "nhập vào quá khứ" cũng như "biến" vào tương lai (!?).

Lâu lâu, trên các trang báo lại xuất hiện thông tin: Nhiều người trong đoàn khảo cổ thuộc nhóm nghiên cứu "Người băng" đang bị đau đớn bởi căn bệnh nào đó, hay bị tai nạn phải đi xe lăn. Nhưng không có ai bình luận gì về những thông tin này. Nhưng dù không có chuyện gì đi nữa, thì kể từ sau cái chết của tiến sĩ Rainer Henn, không một ai có mối liên quan đến "Người băng" trong những ngày đầu phát hiện ra xác chết này muốn buông lời đùa bỡn. Không ai muốn mình sẽ là người... bị tử vong  kế tiếp.

Hoàng Hoài Sơn
(Theo Luận chứng & Sự kiện 7/2005)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.