Sân bay quốc tế Long Thành: “Mở cửa bầu trời” cạnh tranh với khu vực

27/07/2005 17:28 GMT+7

Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành (thuộc địa phận huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt qui hoạch vị trí và phân khu chức năng. Ông VŨ PHẠM NGUYÊN TÙNG - phó trưởng Ban Quản lý CHK, sân bay (Cục Hàng không VN) - cho biết:

- Việc xây dựng CHK quốc tế Long Thành xuất phát từ hai yếu tố. Thứ nhất, do diện tích hiện nay của CHK Tân Sơn Nhất bị giới hạn, lại nằm trong khu vực nội thành của TP HCM nên không thể mở rộng qui mô. Công suất tối đa của Tân Sơn Nhất chỉ đạt từ 15 - 20 triệu hành khách/năm, trong khi công suất hiện nay đã là 6 triệu hành khách/năm nên thời gian tới sẽ quá tải. Việc xây dựng Long Thành sẽ nhằm góp phần giảm tải cho Tân Sơn Nhất, giảm ô nhiễm, tiếng ồn cho trung tâm TP.HCM.

Thứ hai, chúng tôi đặt vấn đề xây dựng Long Thành với mục đích biến CHK này thành CHK trung chuyển hành khách có sức cạnh tranh trong khu vực ASEAN. Cụ thể, hành khách và các hãng hàng không sẽ có thể chọn VN là điểm trung chuyển hàng không thông qua CHK quốc tế Long Thành để đi, đến các TP khác trên thế giới thay vì chọn Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur… như hiện nay.

Long Thành cách trung tâm TP.HCM 40km về phía đông nam và nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo quyết định Chính phủ phê duyệt qui hoạch và phân khu chức năng, CHK quốc tế Long Thành có diện tích 5.000ha, công suất tối đa là 100 triệu hành khách/năm (gấp hơn 10 lần công suất CHK quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay), sản lượng hàng hóa là 5 triệu tấn.

Long Thành có thể đón được các loại máy bay hiện đại nhất hiện nay là Airbus 380. CHK này sẽ gồm bốn đường cất - hạ cánh, mỗi đường dài 4.000m, rộng 60m, cùng với hệ thống sân đỗ máy bay, khu nhà ga hành khách, hàng hóa, các khu dịch vụ thương mại và công nghiệp hàng không… 

*  Thưa ông, hiện nay các bước triển khai dự án đã tiến hành đến đâu?

- Chúng tôi đang bắt đầu triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi để xây dựng kết cấu hạ tầng của CHK giai đoạn I (từ nay đến sau năm 2010). Dự kiến sẽ xây dựng một CHK với hai đường cất - hạ cánh và hệ thống nhà ga với công suất 20 triệu hành khách/năm, vốn đầu tư cho giai đoạn I sẽ khoảng 3 tỉ USD.

Sau đó, căn cứ nhu cầu phát triển hành khách, hàng hóa… sẽ đầu tư cho giai đoạn tiếp theo theo đúng qui hoạch được duyệt để đạt công suất cuối cùng là 100 triệu hành khách/năm. Tổng kinh phí cho toàn bộ CHK quốc tế Long Thành sẽ khoảng 8 tỉ USD. Về mặt thời gian vẫn phải đảm bảo sân bay Long Thành hoạt động trong khoảng thời gian từ 2010 - 2015.

* Một CHK có công suất lớn hơn Tân Sơn Nhất nhiều lần mà chỉ cách trung tâm TP.HCM 40km thì liệu có trở nên bất hợp lý không khi mà tốc độ đô thị hóa đang phát triển mạnh như hiện nay?

- Trong quá trình làm qui hoạch, chúng tôi dự  kiến với qui mô 5.000ha thì Long Thành đủ sức đáp ứng công suất tối đa 100 triệu hành khách/năm. Vì vậy trong tương lai, Long Thành không có nhu cầu mở rộng nữa. Về mặt vị trí, cách trung tâm TP.HCM 40km là vị trí lý tưởng. Hầu hết các CHK quốc tế lớn trên thế giới như Singapore, Bangkok, Charles de Gaulle…  đều nằm ở cự ly như vậy. Nó sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của đô thị và lượng máy bay lên xuống sẽ không tạo ra ô nhiễm cho trung tâm.

* CHK Long Thành sẽ có những yếu tố nào để cạnh tranh ở khu vực ASEAN  trong khi bản thân các dịch vụ của hàng không VN vẫn còn kém so với các hãng hàng không trên thế giới?

- Cùng với việc xây dựng CHK quốc tế Long Thành, chúng tôi sẽ thực hiện một loạt công việc như quảng bá cho Long Thành; nghiên cứu, kiến nghị Nhà nước ban hành một số chính sách “mở cửa” để thu hút các hãng hàng không thế giới bay đến Long Thành. Trong thời gian đầu, các hãng hàng không bay đến Long Thành có thể sẽ được hưởng giá dịch vụ rẻ, được miễn phí về phí hạ - cất cánh, miễn phí dịch vụ không lưu dẫn đường…

* Thưa ông, tại sao không chọn địa điểm ở miền Bắc hay miền Trung làm CHK trung chuyển mà lại chọn Long Thành?

- Yêu cầu phát triển của khu vực miền Nam rất lớn, cả về mặt kinh tế cũng như về mặt hàng không dân dụng. Trong khi đó, tại miền Bắc chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng CHK quốc tế Nội Bài. Bản thân Nội Bài cũng đã là sân bay trung chuyển cho khu vực miền Bắc. Nội Bài có khả năng phát triển rộng ra và công suất có thể đạt 50 triệu hành khách/năm, đáp ứng được nhu cầu cho đến sau năm 2025.

Còn tại miền Trung, CHK quốc tế Đà Nẵng hiện đang triển khai dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế mới với công suất 4 triệu hành khách/năm, CHK Chu Lai cũng được định hướng xây dựng thành trung tâm trung chuyển hàng hóa do có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, gần cảng biển, hệ thống quốc lộ và đường sắt quốc gia.

* Xin cảm ơn ông.

(Theo Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.