TP.HCM: Nhận dạng taxi “dù”

30/07/2005 21:38 GMT+7

Tình trạng hết sức lộn xộn trong lĩnh vực vận tải taxi chẳng những đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý mà hành khách sử dụng phương tiện này cũng chịu thiệt hại. Ông Trần Hồng Nam - Phó ban thanh tra, Sở Giao thông - Công chính TP.HCM cho biết:

- 25% là tỷ trọng vận tải mà phương tiện taxi đạt được trong khối vận tải công cộng tại thành phố. Có 30 đơn vị taxi tham gia vận tải với hơn 8.000 xe, trong đó 16 đơn vị hoạt động theo luật doanh nghiệp với 4.000 xe, 14 đơn vị hoạt động theo luật hợp tác xã (HTX) với 3.500 xe; còn lại 500 taxi chạy nhưng không đăng ký kinh doanh, không vào tổ chức kinh tế nào, tức "dù" hoàn toàn. Qua kiểm tra, các HTX gần như buông lỏng để chủ phương tiện tự do hoạt động. Khi xin vào HTX, chủ xe chỉ cần đóng phí, HTX không quản lý doanh thu. Vì thế nhiều xe khi hết hạn đăng ký vẫn không gia hạn, không nộp thuế. Việc gia nhập quá dễ dàng lại không ràng buộc gì, vô hình trung HTX trở thành nơi dễ phát sinh nạn taxi "dù". Cơ quan thuế chỉ căn cứ vào bản tự khai đầu xe của HTX nên không quản lý thuế được.

Ban thanh tra Sở GTCC TP.HCM cho biết mỗi xe "dù" bị phát hiện vi phạm, ngoài việc phải chịu phạt hành chính và tạm giữ phương tiện 15 ngày, tài xế còn bị tước giấy phép lái xe 30 ngày. Hiện cơ quan chức năng đang thanh tra 3 đơn vị: HTX xe du lịch vận tải dịch vụ lữ hành số 2, HTX dịch vụ hỗ trợ vận tải du lịch 27.7 (Gò Vấp) và HTX xe du lịch và vận tải Thiên Phúc.

* Hành khách có thể nhận biết đâu là xe taxi dù không, thưa ông?

- Đối với các taxi "dù" mang danh HTX, thường không có màu sơn đặc trưng, xe đưa vào màu gì thì mặc nhiên sử dụng màu đó. Việc ghi tên đơn vị vào logo sai quy định, số điện thoại giao dịch đặt bên hông cửa - sai chỗ; hộp đèn gắn trên mui xe không có kiểu dáng riêng, sai kích thước. Hơn 500 xe "dù 100%" thì đồng hồ tính cước không được kiểm định nên nhảy rất nhanh và tính cước gian dối, không có số thứ tự do đơn vị chủ quản in trên xe. Tất nhiên, việc bảo hiểm cho khách cũng bị bỏ quên.

* Theo ông, cần có biện pháp gì để chấn chỉnh nạn taxi "dù"?

- Vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc đồng loạt của các ban ngành như công an, thuế, tư pháp, liên minh HTX, chính quyền địa phương... nhằm tăng cường xử lý taxi "dù". Cần tiến hành rà soát, kiểm tra buộc các đơn vị thực hiện nghiêm túc Nghị định 92 của Chính phủ và quyết định 4126 của Bộ GTVT, đơn vị nào không đủ điều kiện thì đình chỉ hoạt động.

Đình Mười
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.