Quản lý nhà nước là một ngành dịch vụ

06/08/2005 00:03 GMT+7

Theo Niên giám thống kê quốc gia, quản lý nhà nước (QLNN) được đặt trong khu vực kinh tế dịch vụ. Năm 2004, GDP của khu vực này (gồm 13 ngành) đạt 272.000 tỉ đồng thì QLNN đứng ở vị trí thứ 6, kém vị trí số 1 của ngành thương nghiệp 5,1 lần nhưng hơn ngành y tế 1,7 lần; hơn ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm 1,5 lần. Công bố trên đây không khỏi gây ngạc nhiên đối với những ai vẫn nghĩ về một "nhà nước cai trị" hơn một "nhà nước dịch vụ".

 

Bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà nước có nhiều điều kiện thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ, bài bản chức năng dân chủ với nhân dân. Động lực "phục vụ nhân dân" suốt những năm trước kia, đến thời kỳ đổi mới đã được thiết chế thành cơ chế hoạt động trong tất cả các cơ quan công quyền của các cấp nhà nước từ trung ương đến cơ sở để cung ứng các dịch vụ công cho xã hội, cho nhân dân. Những hoạt động đó, về mặt chính trị gọi là QLNN, về mặt kinh tế được xếp vào khu vực dịch vụ; về mặt định lượng, được tính toán và công bố trong các báo cáo công khai của thống kê nhà nước. Hầu như bất kỳ văn bản luật hoặc luật nào đang có hiệu lực thi hành cũng đều có một chương hoặc một mục về QLNN với những nội dung cụ thể và riêng biệt, không lẫn với các quản lý khác (như quản lý doanh nghiệp, quản lý hiệp hội...). QLNN như vậy không chỉ là một ngành dịch vụ mà còn là một ngành dịch vụ có hàm lượng pháp lý cao.

 

Bất cứ ai khó tính nhất cũng "tâm phục, khẩu phục" khi thấy bộ đội cứu dân bị nạn trong ngập lụt, mưa bão, thấy công an truy bắt tội phạm để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cho cộng đồng, thấy chính quyền giao ruộng đất cho nông dân làm ăn, sinh sống, thấy Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư... mặc dù họ có thể không biết rằng đó chính là các dịch vụ từ QLNN. Có tới một ngàn lẻ một các dịch vụ khác do QLNN cung ứng cho xã hội, cho nhân dân mà nhiều người, nhiều tổ chức sử dụng dịch vụ đó cũng không biết. Trong ngạn ngữ về "một người hay lo" và "một kho người làm" thì QLNN đi vào công việc của "một người hay lo" để tạo ra những điều kiện chung, thống nhất cho tất cả những "người hay làm" hoạt động ngày càng có tổ chức hơn, có hiệu quả bền vững hơn. Những sản phẩm dịch vụ của QLNN thuộc loại này tuy không sống động như bộ đội cứu dân, công an bắt tội phạm nêu trên nhưng lại âm thầm thâm nhập vào tất cả các chiều sâu của đời sống kinh tế-xã hội như sự xuất hiện ngày càng hiện đại hệ thống hồ đập, đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng, thành phố, khu dân cư... trên khắp các vùng miền của đất nước.

 

Việc xóa bỏ nhà nước cũ "cai trị dân" để xác lập nhà nước mới phục vụ nhân dân bằng những dịch vụ công quyền đã trải qua 60 năm và đã có những thành tựu nổi bật trong những năm đổi mới vừa qua. Tuy nhiên, khi QLNN là một ngành dịch vụ thì những hành vi cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà, đòi hối lộ, ban phát xin-cho... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước đối với nhân dân đều bị xã hội lên án, coi đó là những tàn dư còn sót lại của sự "cai trị dân" thuộc Nhà nước trong lịch sử. Với sự thông cảm và độ lượng, nhân dân có thể bỏ qua cho sự lệch lạc bất chợt xảy ra ở nơi này hay nơi khác. Nhưng đối với những tàn dư về "cai trị dân" của nhà nước cũ còn sót lại thì với sức mạnh của "dân là gốc", nhân dân sẽ sớm muộn loại bỏ ra khỏi hệ thống các cơ quan công quyền để xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân. Làm cho QLNN đúng và thực sự là một ngành dịch vụ.

 

Đinh Đức Sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.