Hóa chất công nghiệp là nguồn cội của ngộ độc thực phẩm mãn tính

08/08/2005 00:05 GMT+7

Đến với buổi tọa đàm "Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và biện pháp quản lý" do Báo Thanh Niên tổ chức, bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học - kỹ thuật VSATTP Việt Nam - Văn phòng phía Nam), đã phác họa khá rõ nét về thực trạng này. BS Ký cho biết:

Thực phẩm trên thị trường có xuất xứ từ hai nguồn: sản xuất trong nước và nhập khẩu. Hàng nhập khẩu, ngại nhất là hàng lậu qua biên giới không được kiểm tra về chất lượng. Trách nhiệm này của cơ quan chức năng nơi biên giới.

Đối với sản xuất trong nước, có 3 lực lượng tham gia: nhà sản xuất lớn, cơ sở (CS) sản xuất vừa và nhỏ, hộ gia đình. Các nhà sản xuất lớn thường được cơ quan chức năng kiểm tra và người tiêu dùng kiểm soát nên ít đáng ngại. Ngược lại nhóm CS vừa và nhỏ, hộ gia đình có số lượng rất lớn, công nghệ thủ công là chính nhưng cơ quan chức năng cấp thành phố ít "đụng" tới vì không đủ người, là mối nguy cơ rất cao về mất VSATTP. Các CS này thường do quận, huyện (CS vừa và nhỏ), phường, xã (hộ gia đình) quản lý. Trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý VSATTP cấp quận, huyện phần lớn chưa được đào tạo qua trường lớp chuyên môn; nếu có thì cũng rất sơ sài, chưa đủ tầm để thực hiện công việc. Vì vậy, cán bộ có đi kiểm tra cũng chỉ ở khía cạnh vệ sinh, chứ không kiểm được quy trình sản xuất, chất lượng nguyên liệu, hóa chất mà các CS cho vào thực phẩm. Thậm chí hóa chất, phụ gia dùng trong công nghiệp hay dùng cho thực phẩm, nhiều cán bộ kiểm tra có người cũng không phân biệt được, nhất là cán bộ y tế cấp phường, xã. Trong khi đó, vì lợi nhuận nhà sản xuất thường dùng hóa chất, phụ gia công nghiệp (với giá thành rẻ) để chế biến thực phẩm. Có CS sử dụng loại hóa chất tạo độ xốp, tạo độ nở dùng trong chế biến cao su để làm bánh bông lan, bánh ngọt, bánh mì, nhưng chưa có đợt tổng kiểm tra nào đối với loại chất tạo xốp này. Còn việc cho hàn the vào giò, chả; cho formol vào bún, phở; cho thạch cao vào đậu hũ... ở các hộ gia đình thì... "vô tư". Thậm chí, người ta còn dùng a-xít Hcl và xút công nghiệp trong công nghệ sản xuất nước tương, nhưng từ trước đến nay chưa có ai bị xử lý. Chưa kể, rất nhiều CS dùng nguyên liệu kém chất lượng như thịt, cá hư để làm giò, chả các loại, hoặc để chế biến suất ăn công nghiệp (ra các sạp bán thịt, rau ở các chợ đặt hàng khi nào có thịt ế, rau dạt cứ đem tới họ tiêu thụ); rồi các CS sản xuất không xin phép, sản xuất lậu, hàng nhái, cơ quan chức năng không biết đâu mà kiểm. Vậy nên tình trạng giết mổ heo, bò, gà lậu còn khá phổ biến; rượu giả, nước ngọt giả... tràn lan.

Thực phẩm sử dụng hóa chất công nghiệp chính là nguồn cội của ngộ độc thực phẩm mãn tính và hậu quả là người tiêu dùng sẽ mắc bệnh mãn tính mà chưa có số liệu thống kê, hoặc mắc bệnh ung thư... Thế nhưng, từ trước đến nay, chưa có sản phẩm thực phẩm nào bị tiêu hủy bởi việc sử dụng hóa chất công nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, chủ yếu do chúng ta chưa có hệ thống quản lý về chất lượng VSATTP thống nhất từ trung ương đến địa phương, mỗi bộ quản lý một mảng; rồi ngay trong mỗi bộ cũng chưa có sự thống nhất về quản lý. Cán bộ làm công tác thanh tra thực phẩm còn quá mỏng,  lại chưa được đào tạo chuyên nghiệp; lương và phụ cấp còn rất khiêm tốn. Việc tuyên truyền ý thức VSATTP đến người tiêu dùng còn rất ít, hướng dẫn các CS làm đúng còn hạn chế... cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Giải pháp cho thực trạng hiện nay, trước tiên cần thống nhất cơ chế quản lý từ trung ương đến địa phương; nhanh chóng đưa Pháp lệnh VSATTP vào cuộc sống; xây dựng hệ thống thanh tra VSATTP chuyên trách đủ về lượng và chất; chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm soát đối với hàng gian, hàng giả, sản xuất trái phép trên địa bàn của mình. Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng phải là một thanh tra thực phẩm và mỗi quận, huyện cần có đường dây nóng để nhận thông tin phản ánh từ người dân...

Tổ PV Xã Hội
(lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.