Chân dung người duy nhất đạt điểm 10 Văn

08/08/2005 10:21 GMT+7

Hơn 10 năm qua, mới lại có 1 điểm 10 môn văn. Nhưng thật ngạc nhiên, Càng ngạc nhiên hơn, Nguyễn Thị Thu Trang không thi vào ngành Ngữ văn...

Có công mài sắt…

Trang quê ở cố cung Thiên Trường, gia đình em định cư ở cố đô Huế từ năm 1990, khi em mới 3 tuổi. Bố Trang là anh Nguyễn Phan Tân Vinh (chứ không phải là Phan Tân Vinh như đã thông tin), quân nhân giải ngũ chuyển sang nghề lái tàu hoả.

Ngày lại ngày anh rong ruổi trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, chị Phạm Thị Thanh Thuỷ, mẹ Trang một mình phải chăm sóc 2 con, lo việc nhà không xuể nên đành phải “nghỉ một cục” từ năm 1989. Năm 1990, anh nghỉ lái tàu, chuyển về làm việc  ở trạm đầu máy ga Huế.

Chị em Trang học Tiểu học ở trường Vĩnh Ninh, lên THCS học ở trường Hai Bà Trưng, lên THPT học trường Quốc học. Rồi cũng đều thi khối D, vào ĐH Huế. Hai chị em Trang lớn lên, được học hành tử tế là nhờ vào tiền lương của bố và nghề làm khuôn đậu (đậu phụ) của mẹ.

Anh Vinh tâm sự: “Tôi suốt ngày lo việc cơ quan, việc nhà trông nhờ vào vợ. Chúng tôi thật may mắn khi cả hai cháu đều học hành chăm chỉ. Biết bố mẹ khó khăn các cháu sống giản dị, không có đòi hỏi gì ngoài nhu cầu tối thiểu cho việc học…”.

Mục sở thị góc học tập của Trang chỉ có SGK, sách bài tập, các loại sách tham khảo và từ điển. Một bộ máy vi tính 2 chị em dùng chung. Sách văn học, báo chí Trang đọc tại thư viện là chủ yếu.

Giỏi văn nhưng không chọn nghề văn

Thạc sĩ Nguyễn Chơn Đức, Hiệu trưởng Quốc học Huế, cho biết một thực trạng đáng buồn: Đã nhiều năm nay trường không tuyển chọn được những học sinh giỏi nhất về môn văn vào lớp chuyên Văn. Những em có điểm thi môn văn cao đa số đều học rất giỏi môn Anh văn. Và các em thuộc tốp 1 đã chọn lớp chuyên Anh, hoặc chuyên khác chứ không phải là chuyên Văn.

Kể cả ở khối chuyên mở tại trường Đại học Khoa học Huế cũng rơi vào thực trạng này. Theo lý giải  của nhiều em thì học Anh văn tương lai “tươi sáng” hơn là theo học Ngữ văn.

Cụ thể là có rất nhiều cơ hội để tìm được việc làm thích hợp và có thu nhập cao, chứ không phải “ảm đạm” như đi theo nghề văn.

Trường hợp Thu Trang, học giỏi nhất là môn văn nhưng em cũng đã dự thi khối D, vào trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), ngành Tài chính-Kế toán, là một ví dụ nóng hổi.

Ngày hôm qua, chuyện trò cùng Thu Trang, em tỏ rõ sự bùi ngùi, luyến tiếc vì từ nay không còn được học môn văn. Không được học văn nữa nhưng Trang nói em sẽ không từ bỏ môn văn. Em sẽ dành nhiều thời gian để đọc sách văn, để mở rộng, nâng cao kiến thức về văn học. Em sẽ cố gắng để tự học thêm trong hoàn cảnh và quỹ thời gian của mình.

Tuy Trang rất ít sách, nhưng cuốn nào cũng rất chất lượng: Sách Lý luận của Trần Đình Sử; bình giảng văn học do Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Quang Trung biên soạn…

Giữa mê hồn trận sách tham khảo hiện nay, lại trong hoàn cảnh kinh tế gia đình còn eo hẹp, nên không còn cách nào là phải chọn sách để học. Trang mách nhỏ: “Những cuốn sách đó đều do thầy cô gợi ý và hướng dẫn mua”.

Trang ít nói nhưng trí nhớ rất tốt. Công thức của Trang đưa ra là 2-1-1: Chuẩn bị bài khoảng 2 tiết, nghe giảng trên lớp 1 tiết, về nhà học bài 1 tiết. Không kể thời gian ôn tập, hệ thống lại. Thuộc bài nhanh và nhớ lâu, ngoài yếu tố đầu tư thời gian với Trang còn nhờ niềm say mê và thực sự có hưng phấn trong suốt quá trình học tập.

Qua tiếp xúc, dù nói ít nhưng chúng tôi cũng đã phát hiện ra sự nhạy bén và tinh tế, khả năng huy động kiến thức khi trình bày một vấn đề liên quan. Cũng theo nhận xét của giám khảo thì “thí sinh này nắm rất vững về kiến thức từ tác phẩm đến lý luận, tập làm văn, bình giảng…”. 

Năm cuối cấp học Trang mới đi học luyện thi. Môn văn Trang cũng chỉ luyện một cua 3 tháng. Khi tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi toàn quốc cô Mỹ Châu khuyên em nghỉ học luyện thi. Vì chương trình bồi dưỡng ở đội tuyển kiến thức đã rất phong phú, bổ ích. Vấn đề còn lại là khả năng vận dụng. Đúng như thế.

Khi làm câu 2 của đề thi: Phân tích vẻ đẹp của tình người và hy vọng vào cuộc sống của các nhân vật Tràng, người vợ nhặt… Trang không chỉ biết mở, biết huy động kiến thức và phân tích hay mà còn biết khép lại vấn đề bằng trích dẫn câu nói nổi tiếng của Dot - đại văn hào Nga: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”.

Không phải do thiên phú bẩm sinh, cũng không phải “mạnh vì gạo bạo vì tiền”, tấm gương học tập của Trang thật giản dị: Có phương pháp tốt, và có công mài sắt…

Đến hôm nay đã có 18 học sinh của trường Quốc học Huế đậu thủ khoa, trong đó có 4 học sinh đậu thủ khoa với điểm tuyệt đối 30/30, chưa tính điểm được cộng thêm. Nhưng tác giả bài văn điểm 10 thì chỉ có một, cũng là thí sinh duy nhất đạt điểm tuyệt đối môn văn thi vào các trường ĐH-CĐ năm 2005.

… có ngày nên kim

Chị Hà Linh, cô giáo dạy văn và chủ nhiệm lớp của Thu Trang 3 năm THPT cho biết: “Thu Trang là học trò cưng của lớp tôi. Em luôn lễ phép và chăm ngoan. Trang học giỏi đều các môn, nhưng môn văn được Trang yêu thích hơn cả.

Vì thế Trang tiến bộ rất nhanh, giỏi văn nhất lớp, được chọn vào đội tuyển văn thi quốc gia 2 năm lớp 11 và 12. Thời đại vi tính nhưng Trang viết chữ rất đẹp và rất cẩn thận trong ghi chép, trình bày. Văn Trang viết trôi chảy, mạch lạc và ngày càng sắc sảo, có những ý tưởng mới lạ. Trang thuộc tuýp người thầm lặng, kín đáo, trong giờ học cũng ít phát biểu...”.

Trang tâm sự: “Khi thấy báo đưa tin về một trường hợp thi vào Đại học Huế, cháu cũng ngờ ngợ vì thấy nhận xét của giám khảo rất giống với bài làm của mình. Thứ nữa là bài của cháu cũng làm 15 trang như thông tin trên báo. Ngờ vậy nhưng cháu chẳng dám thổ lộ với ai”.

Bài làm mạch lạc như thế, có đoạn nào Trang viết nháp hay không? “Không hề. Vì thời gian chỉ có 3 giờ, mà bài thì rất dài, cháu phải phân đều thời gian cho mỗi câu”.

Nhận xét về bài thi môn văn của Trang, cô Hoàng Xuân Vinh, giám khảo đầu tiên chấm bài của Trang thổ lộ: “Trang viết một hơi 15 trang nhưng không hề phạm một lỗi nhỏ từ nội dung cho đến diễn đạt.

Hơn thế nữa lại thỏa mãn gần như tuyệt đối những yêu cầu của đáp án, kiểu tư duy như… người làm đáp án, thậm chí bài viết của Trang vượt trội cả về nghệ thuật…

Không chỉ có vậy, bài viết còn thể hiện người viết có cá tính trong nhận định, thể hiện sự vượt trội về tư duy lôgic và tư duy nghệ thuật…”. Rất tiếc, đến thời điểm này, trường Đại học Huế vẫn chưa cho phép báo chí được tiếp cận bài thi.

Anh bạn tôi, người đã có thâm niên chấm thi tuyển sinh đại học 30 năm, kể lại: Bài này không phải chấm chung nhưng vì là hiện tượng lạ nên gần 50 thành viên chấm thi môn văn đã chuyền tay nhau đọc. Chỉ có một người cho rằng: Làm gì có sự hoàn hảo đến như thế, nên cho từ 9 – 9.5 điểm thôi, có nên phá vỡ “truyền thống” để cho điểm 10?

Anh bạn tôi nói vui rằng: Cho anh thời gian 3 ngày thử xem có làm được bài như thế hay không? Vậy thì tại sao lại không cho người ta điểm 10 khi chỉ làm trong 3 giờ? Hay là chúng ta thử tìm những chỗ yếu, những chỗ không hoàn hảo xem sao?

Tôi bật cười khi được biết có người cho rằng trong chấm thi môn văn đã có “truyền thống” không cho điểm 10! Vì thế, tôi mới mạnh dạn nói rằng: Thu Trang là một hiện tượng lạ!

Thanh Tùng
(Tiền Phong)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.