Tem Những loài hoa của Ukraina
|
Về loại tem độc đáo phải kể tới những con tem không in giá bằng tiền mà bằng... thóc (lúa) của Việt Nam, phát hành từ năm 1952 đến 1954, đang được giới sưu tập trong và ngoài nước tìm kiếm. Theo chị Nguyễn Thị Kim Mai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tem Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, thì "chúng thuộc loại hiếm hoi nếu không muốn nói là có một không hai trên thế giới, bao gồm cả chục mẫu như Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh in năm 1952 với giá đề trên mặt tem là 0,100 kg thóc, Người cấy mạ in năm 1953 với 4 mẫu, 4 màu, 4 loại giá: màu đỏ 0,600 kg, nâu 1 kg, cam 2 kg và xanh 5 kg thóc...". Tài liệu do một cán bộ ngành bưu điện thời kháng chiến chống Pháp là ông Đoàn Quang Vinh biên soạn đã giải thích do giá cả thị trường thường xuyên biến động, thay đổi theo từng địa phương, nên thời ấy Nhà nước "lấy trọng lượng thóc trên con tem làm giá trị định mức trong cả nước và bảo đảm sự ổn định về doanh thu", nghĩa là hễ bán tem nơi nào thì căn cứ theo giá thóc nơi ấy để quy ra tiền mặt mà thâu vào. Dòng tem này kéo dài đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ với mẫu Trên nóc hầm Đờ-Cát in tháng 10.1954 màu nâu cam, đề giá: 0 kg 600 thóc.
Tem thêu đầu tiên của Ý (năm 2004) |
Ngoài chất liệu giấy, đặc biệt tem in trên giấy dó độc đáo của Việt Nam, thế giới tem còn có loại in trên gỗ, vải, nhôm, thiếc, bạc, nhựa. Ông Phùng Thắng Bình, Phó chủ tịch Hội Tem TP.HCM cho biết: "Ở Việt Nam, người có bộ sưu tập dày cộm về những con tem chất liệu đặc biệt ngoài giấy đã phát hành trên thế giới là ông Lê Văn Đông hiện ngụ tại Nha Trang. Ông Đông còn sưu tập tem dị hình có dạng hình người, hình các con vật, hoặc hình bản đồ của quốc gia in tem". Khá lạ là loại tem in bằng... đất! Thật vậy, đó là con tem phát hành tại Nga tháng 12.2002 lấy đất tại một vận động trường đem về cán mỏng để in hình nền sân tennis lên tem; kỷ niệm giải vô địch tennis quốc tế.
Bộ tem Dịch học của Trung Quốc - Ảnh: T.L
|
Nhiều con tem lạ đời tương tự hiện thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Hoàng Tùng (giải đồng triển lãm Vietstampex toàn quốc năm 2000). Tem của anh bao gồm loại in mộc bản, in tay, đến loại in bằng kỹ thuật hiện đại, phun màu với những hạt mực siêu nhỏ. Anh đưa chúng tôi xem con tem nước Áo nhiều màu, trên mặt có 12 hạt pha lê lấp lánh mà người đứng đầu ngành bưu chính nước Áo tuyên bố bảo đảm các hạt phalê trên tem một khi dán chặt vào bì thư sẽ không bị tróc ra trong suốt hành trình gửi và nhận.
"Đây, các anh hãy dùng tay nắn nhẹ để đoán xem con tem này in bằng chất liệu gì?" vừa nói Nguyễn Hoàng Tùng vừa đưa ra con tem hình vuông màu sáng trắng. Nó bằng bạc ròng cán mỏng - in và phát hành nhân ngày tôn vinh đồng bạc vang bóng của Hà Lan. Anh nói: "Ở TP.HCM, nhiều bộ tem quý hiếm có lẽ hiện thuộc sở hữu của một số nhà sưu tập có tiếng lâu nay như các ông La Dung Lâm, Đỗ Thành Kim, Nguyễn Triệu Lân, Trần Văn Bùi, Quách Trọng Nghĩa... Trong những bộ sưu tập độc đáo, lạ đời có block tem đề tài "Rùa" mà Bảo Đại dự định phát hành nhưng chưa kịp thì bị ông Ngô Đình Diệm truất phế. Ông Diệm lại dùng tem này, nhưng với kích cỡ lớn hơn bản thiết kế mỹ thuật ban đầu. Con tem "rùa bò" qua hai chế độ mới đến người tiêu dùng là thế". Cuối cuộc gặp, nhà sưu tập đưa ra thêm con tem bằng vải của Ý, với hình hoa hồng thêu máy, phát hành năm 2004, đề giá 2,80 euro. Đây là bộ tem vải thêu đầu tiên của Ý. Gần đây nhân ngày tình yêu 2005, Thái Lan phát hành loại tem đặc biệt in giấy trộn len hình hoa hồng đỏ thắm nổi trên nền trắng, lá xanh. Con tem "đáng yêu" này lại phảng phất mùi thơm hoa hồng. Anh Tùng cho biết, ngoài hoa ra, những người yêu nhau ở Nga đã gửi những lá thư có dán tem thơm mùi
Tem in giá bằng thóc - Ảnh: T.L
|
hoa trái các loại. Do cách đây 3 năm, bưu chính Nga tung ra 5 loại tem có 5 mùi trái cây: táo, lê, thơm, dưa và dâu tây, với số lượng lên tới hơn 60 vạn con. Theo các nhà chuyên môn, bí quyết giữ mùi thơm dai dẳng, lâu bền cho tem là áp dụng kỹ thuật phết một lớp keo có pha hương liệu hoa lài, huệ, hoặc các loại quả như nho, cam vào mặt sau của con tem. Ở châu Mỹ thích "bốc lửa" hơn nên đã pha mùi than củi, làm tem bằng bột gỗ cháy, để tham gia cuộc vận động bảo vệ cây rừng và môi trường sống. Đôi khi người ta còn "tẩm" trà vào tem như bưu chính Hồng Kông từng làm, mà có lẽ, những nhà "trà đạo" thích dùng loại tem này để gửi cho nhau những dòng thư mang lời trà thoại.
Giao Hưởng
Bình luận (0)