Việt Nam "vô địch" về tỷ lệ dị ứng thuốc

12/08/2005 22:31 GMT+7

*Hãy cẩn thận với sốc phản vệ ! Hơn 80% bệnh nhân có biểu hiện dị ứng thuốc là do tự điều trị và Việt Nam đã dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dị ứng thuốc. Đó là kết quả nghiên cứu của một tập thể hàng trăm bác sĩ tham gia đề tài độc lập cấp nhà nước về tình hình dị ứng thuốc ở nước ta, vừa được công bố hôm 3.8.

GS-TSKH Nguyễn Năng An, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội và Chủ tịch Hội Hen - dị ứng, miễn dịch lâm sàng Việt Nam cảnh báo: "Nạn tự điều trị đang hoành hành. Do tình trạng quảng cáo thuốc quá nhiều, ở khắp mọi nơi. Ngay cả chương trình Sức khỏe mỗi ngày của VTV cũng rất đáng phê bình: nào y tá, nào anh bán thuốc rồi các cô sinh viên giải thích về đặc tính, công dụng của thuốc. Nhiều nội dung tuyên truyền sai cả chỉ định, nên ra mua thuốc là đã thành bác sĩ rồi ! Trong khi về cơ bản, thuốc nào cũng có thể gây dị ứng và sốc phản vệ”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Đại học Y Hà Nội, "sốc phản vệ là một tình trạng dị ứng cấp tính đe dọa đến tính mạng người bệnh, bởi hầu hết các hệ thống cơ quan cùng một lúc bị tấn công bởi những hóa chất trung gian được giải phóng ồ ạt từ một số tế bào trong cơ thể. Các triệu chứng thường xuất hiện ngay những giây phút đầu tiên khi cơ thể tiếp nhận dị nguyên và đạt tột đỉnh trong khoảng 1 giờ. Bệnh nhân thường tử vong nhanh chóng do suy hô hấp và trụy tim mạch".

Những loại thuốc dễ gây sốc phản vệ có rất nhiều và tên rất quen thuộc như các loại thuốc kháng sinh Penicillin, Ampicillin; thuốc hạ sốt, giảm đau chống viêm không steroid như Aspirin, Paracetamol, Analgin, Salicylat; các vitamin như B1, C, B12; thuốc gây tê, gây ngủ, giãn cơ như Novocain, Thiopental; hormone như Insulin, ACTH; một số sản phẩm máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, acid amin, gamma-globulin; huyết thanh, vắc-xin như huyết thanh chống dại, bạch cầu, uốn ván; thuốc để chẩn đoán như Bromsulfalen, thuốc cản quang có iod như Visotrast; các thuốc khác như Protamin, lợi tiểu Thizid, một số thuốc Đông y...

Sốc phản vệ và dị ứng do thuốc có rất nhiều dạng. Có thể chỉ là ngửi phải mùi nước tiểu của bệnh nhân tiêm Penicillin đã bị choáng váng phải chuyển công tác như một y tá ở Bệnh viện Bạch Mai. Chị M., y tá một trạm chống lao đi làm về gặp mưa, bị sốt cao gần 40oC, chị bị ho và có đờm đặc. Được chẩn đoán là viêm phổi cấp, người nhà đã tiêm bắp ngày 2 lần 500.000 đơn vị Penicillin. Lần tiêm thứ 2 chị bị hôn mê, da tím tái và đã tử vong. Cụ L., 73 tuổi ở Thanh Trì - Hà Nội bị tức ngực đã đề nghị y tá tiêm bắp 1 ống Ampicillin, 1 ống B1, 1 ống B6. Tiêm xong ít phút đã khó thở, da tím tái, hôn mê, tiểu tiện không chủ động và chết sau vài ngày ứng cứu tích cực. Bệnh nhân V., 5 tuổi bị viêm họng, sốt cao nên bác sĩ chỉ định tiêm Penicillin. Một người quen của V. đã giữ chân tay khi em giãy giụa bị bắn 1 giọt kháng sinh này vào mắt do đầu ampu của ống tiêm bật ra khi đang tiêm đã bị tử vong 5 giờ sau đó do sụt huyết áp và khó thở.

Cầm trong tay một tập hình ảnh bệnh nhân do dị ứng thuốc và sốc phản vệ nên bị đỏ da toàn thân, viêm da dị ứng, tuột lớp thượng bì, ban đỏ, mày đay, ngứa... GS An buồn rầu: "Đồng bào không hiểu thuốc nguy hiểm lắm đâu ! Đây, có nhiều người bị tuột hết da. Đồng bào ta ở Hà Nội nhiều người lại cứ đi truyền huyết thanh. Có người chết vì dùng B12. Nhiều người cứ tự điều trị, uống thuốc bừa đi, bị dị ứng mà không biết là mình bị dị ứng đâu”.   

Theo kết quả nghiên cứu của đề tài độc lập về tình hình dị ứng thuốc ở nước ta, thì tình hình dị ứng thuốc ở nước ta ngày càng gia tăng, kể cả sốc phản vệ với những hậu quả rất đáng lo ngại: tới 7 - 8% dân số ở nhiều địa phương. Theo báo cáo của nhiều nước, tỷ lệ dị ứng thuốc chiếm từ 2 - 2,5% dân số, từ đó có thể thấy Việt Nam trở thành “vô địch thế giới” về tỷ lệ dị ứng thuốc.

Chỉ nên dùng thuốc khi thật cần thiết và có chỉ định của thầy thuốc, thực hiện được điều đơn giản này là tránh được những khó chịu nhiều khi dẫn đến chết người của dị ứng thuốc và sốc phản vệ do thuốc.

Kiều Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.