Hà Tây: Cán bộ không rành luật nên cứ "ôm" hồ sơ của dân
Sau 5 ngày (từ 8/8 đến ngày 12/8) kiểm tra tình hình thực hiện Luật Đất đai tại Hà Tây, chiều ngày 12/8, đoàn kiểm tra và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Mai Ái Trực đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tây.
Ông Phùng Văn Nghệ, Vụ trưởng Vụ Thống kê đất đai, Trưởng đoàn Kiểm tra thực hiện Luật Đất đai ở Hà Tây nhận xét: "Ngay cả cán bộ cấp phòng cũng rất lúng túng, chưa nắm chắc các quy định. Cán bộ không hiểu mạch lạc nội dung các văn bản thì sẽ tham mưu sai". Do vậy theo ông Nghệ, "có khi do sợ tham mưu sai nên cán bộ nhận hồ sơ của người dân rồi nhưng cứ "ôm" đó, không trình cho lãnh đạo mà cũng chẳng giải thích cho dân, khi dân hỏi thì bảo cứ chờ"... Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện; ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Lãnh đạo tỉnh đã phải dành tới 70-80% khối lượng công việc điều hành cho những vấn đề có liên quan đến đất đai".
Có những việc cán bộ địa chính, chính quyền xã biết là sai nhưng vẫn làm. Ông Nghệ cho biết tiếp xúc với đoàn kiểm tra, người dân ở Dương Nội, huyện Hoài Đức đã phản ảnh: ở địa phương này có tới 400 trường hợp xã cho phép chuyển nhượng đất trái phép.
Các doanh nghiệp cũng trở thành khổ chủ vì các thủ tục có liên quan đến đất đai. Có những doanh nghiệp hồ sơ đã đầy đủ nhưng suốt năm qua địa phương vẫn chưa cấp giấy chứng nhận, khiến họ không yên tâm đầu tư. Ông Nghệ kể: "Khi gặp chúng tôi, một doanh nghiệp hết sức bức xúc cho biết hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh, họ đã đầu tư tới 500 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng máy móc, xây dựng xong lại bị yêu cầu phải xây lùi lại 17m, doanh nghiệp lại phải đập đi xây lại, xây lại rồi lại yêu cầu người ta di chuyển đi chỗ khác. Hiện tại công ty này đã phải cho 1.800 lao động nghỉ việc".
Đền bù giải phóng mặt bằng cũng là một trong những vấn đề khiến người dân ở nhiều địa phương bức xúc. Đền bù thì thấp, chỉ có 54.000 đồng/m2 nhưng sau khi đầu tư một ít tiền để san nền, làm cơ sở hạ tầng xong thì bán giá rất cao. Có khi nhận tiền đền bù cho vài trăm mét đất, cầm số tiền đó đi mua chỉ được vài m2. Khi bị thu hồi đất, người dân muốn được tái định cư gần khu vực bị thu hồi. Theo Bộ trưởng Mai Ái Trực thì đó là nguyện vọng chính đáng. Bộ trưởng cho biết: "Nếu dự án khoảng 300 ha thì chúng ta cứ giải tỏa rộng ra, lên 350 ha. 50 ha thừa ra có thể bố trí tái định cư cho dân hay sử dụng vào việc kinh doanh dịch vụ, tới đây Bộ sẽ trình Chính phủ về vấn đề này".
Bộ trưởng Mai Ái Trực chìa chiếc điện thoại di động ra nói: "Đây này, một người dân lại nhắn hỏi tôi bao giờ Bộ trưởng về Sơn Tây làm việc. Chúng em rất mong được gặp Bộ trưởng". Người dân thì bức xúc thế nhưng theo ông Mai Ái Trực: "Tôi có về cũng chỉ để... làm cảnh thôi, địa phương mới là người làm". Bộ trưởng đề nghị: "Các vị lãnh đạo tỉnh nên xuống đó sớm; những cái gì mà cơ sở làm đúng rồi thì có văn bản trả lời cho người dân, cái gì chưa đúng thì làm lại, phải giải quyết ngay không để lâu ngày dồn nén người dân sẽ bức xúc".
Đà Nẵng: Ghi nhận nỗ lực của Ban Quản lý các khu công nghiệp
Sáng 12/8, đoàn kiểm tra của Bộ TNMT đã đến làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng về tình hình quản lý, sử dụng và cho thuê đất cũng như các vấn đề liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Cũng trong buổi sáng 12/8, trước nhu cầu của người dân mong muốn được gặp trực tiếp đoàn kiểm tra để trình bày nguyện vọng của mình, lãnh đạo đoàn cũng đã quyết định cắt cử cán bộ tiếp nhận thêm 16 đơn thư khiếu nại của nhân dân tại Phòng Tiếp dân UBND TP Đà Nẵng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Trịnh Anh Toàn - Trưởng đoàn kiểm tra cho biết sau khi làm việc với ban quản lý và đến trực tiếp khu công nghiệp Hòa Khánh, đoàn ghi nhận những nỗ lực của Ban Quản lý các KCN Đà Nẵng trong quá trình giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cũng như việc sử dụng và cho thuê đất. Riêng đối với các đơn thư khiếu nại của người dân, đoàn sẽ xử lý, phân loại để báo cáo lãnh đạo Bộ TNMT xem xét, giải quyết.
Xuân Toàn - Hữu Trà
Bình luận (0)