Lên núi Bà Đen câu thằn lằn

15/08/2005 21:59 GMT+7

Thằn lằn núi Bà Đen, đặc sản đối với dân nhậu Sài Gòn và các tỉnh thành lân cận Tây Ninh, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi nạn săn bắt trái phép. Trong khi Sở Khoa học - Công nghệ Tây Ninh đang nghiên cứu, xác lập quy trình nhân giống loài thằn lằn quý hiếm này, hằng ngày, những dấu chân của "phường săn" vẫn liên tiếp xẻ núi đi "câu".

Đường đi câu

Buổi sáng, nắng đã hoe vàng nhưng mây xám vẫn giăng mịt mùng trên đỉnh núi Bà Đen (thuộc xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Chúng tôi lặn lội tới nhà "thợ câu" Cường ở xã Ninh Sơn. Ngoài giếng, hai "thợ câu" Cường và Ph. đang lui cui vo gạo, thổi cơm sáng. Cường khoe, hôm qua, hai thầy trò câu được hơn 3kg, tối mịt mới về. Ph. là con trai của một công an viên trong xã. Do nhà ở xa, cậu phải vào nhà "thầy" Cường để "thầy" chở đi câu. Ph. là sinh viên trên Sài Gòn. Cậu đang nghỉ hè nên tranh thủ đi câu kiếm thêm thu nhập. Khoảng 8 rưỡi sáng, Cường nén cơm và thức ăn cho bữa trưa vào hai bịch nilon, bỏ vào chiếc làn rồi hai thầy trò leo lên chiếc honda 67 cà tàng nhắm núi Bà thẳng tiến.

Núi Bà Đen chia làm ba đỉnh chính: núi Bà, núi Phụng, núi Heo. Ngoài ra, còn có những núi nhỏ, được đặt tên theo cách gọi của người bản địa. Ở Nam Bộ, núi Bà (đỉnh cao nhất 986m) được ví von là chiếc nón bài thơ úp giữa đồng bằng. "Phường săn" nghỉ chân bên một gốc sung. Ph. lủi đi một lúc rồi mang về hai chiếc cần câu dài bằng trúc vàng óng. Cậu bảo: "Tối về, phải giấu cần trên núi, xuống cho lẹ, khỏi vướng!". Ph. hỏi Cường: "Hôm nay, câu ở đâu, sư phụ?". Cường chỉ về một hẻm núi phía tay trái: "Tới đó. Chỗ hôm qua nó (thằn lằn) lủi hết còn đâu!".

Chống cần câu leo lên núi Bà

Chúng tôi tiếp tục leo đá rẽ về phía núi Heo. Qua mỗi hốc đá, Cường lại cúi đầu tìm... phân thằn lằn. Cường bảo: "Thằn lằn ăn quả gì thì phân có hạt của quả đó. Chỗ nào có phân, chỗ đó có thằn lằn". Theo Cường, vùng Nam Bộ còn một số nơi có núi như An Giang (núi Sam), Bình Phước (núi Bà Rá), Đồng Nai (núi Bửu Long)... nhưng không nơi nào có loài thằn lằn như ở núi Bà. Cường chỉ về quả núi cách đó khoảng 5km, đã bị san phẳng gần hết: "Ở bển là núi Đất cũng không có thằn lằn. Núi Cậu ở Dương Minh Châu cách 20km cũng không có. Dân đi câu đổ về hết núi Bà à!".

Công nghệ câu thằn lằn

Chúng tôi dừng lại trên một tảng đá lớn, thoai thoải. Cường và Ph. chia nhau đi nhặt  "bẫy" đã gài từ chiều qua. Chừng nửa giờ, họ xách về hai chồng xô nhựa màu đỏ. Ph. rút ra một chiếc xô: "Nhiều lắm sư phụ ơi! Bốn con lận!". Ở trong xô, bốn chú thằn lằn thấy động vội chạy nháo nhác. Chú nào cũng cố bò lên thành xô trèo ra ngoài nhưng "rụng" tuồn tuột. Thằn lằn núi mắt lồi, thân vàng, con nào con nấy chắc lẳn, to gấp năm, sáu lần thằn lằn nhà. Ph. phì cười: "Bò ra sao nổi, thành xô bôi dầu phộng mà, trơn lắm!".
Cường lấy ra hai cái bao xác rắn. Ở đầu bao gắn ống bơ có nắp. Từng con thằn lằn lần lượt bị túm cổ nhấc ra bỏ vào ống bơ rồi chui tuột vào bao. Ph. đưa đôi tay chi chít vết trầy xước đã đóng vảy: "Thằn lằn cắn đó! Loài này răng sắc, đã cắn là không nhả. Muốn bắt an toàn phải bóp ngay cổ, cho nó há miệng ra mới mong khỏi bị cắn!".

Hai thầy trò chia nhau thay mồi. Họ dốc ngược từng chiếc xô, mồi cũ đổ ra, nước trắng đổ vào để rửa sạch. Cường giới thiệu: "Đây là một cách để "câu" thằn lằn. Đầu tiên, bỏ mồi vô. Đó là quả trầu bà, nó rất thích ăn. Sau đó, bôi dầu phộng lên thành xô. Xong, mang xô đặt vô từng hốc đá. Thằn lằn nghe mùi quả thơm sẽ bò vô. Đã vô là không ra được. Ph. bảo: "Chọn xô màu đỏ bởi đó là màu bắt mắt thằn lằn. Xô phải đặt gần nơi có những loài cây nó thích như xuân trúc, sung, gứa...".

Lau xô sạch để làm mồi mới bẫy thằn lằn

Hai thầy trò kể, bẫy kiểu này "dễ chơi" hơn câu nhưng cũng là may rủi. Khéo chọn được hang, thằn lằn sập bẫy cả xô. Không may thì cả ngày đêm chẳng con nào mò vào. Cường than: "Hồi này sóc về nhiều. Lắm hôm, nó "sập bẫy", phá hết mồi rồi bỏ đi. Ngày hôm đó coi như xui!".

Trời càng nắng nóng. Mang 23 cái "bẫy xô" đi đặt xong, thầy trò Cường tụ về làm mồi câu thằn lằn. Có lẽ, trên trần gian, cần câu thằn lằn là loại cần câu "giản dị" nhất: cần không có lưỡi câu. Thay vào đó, ở đầu cần được buộc một cái thòng lọng "đặc biệt" được làm bằng dây bao. Cường bảo: "Dây cước không mềm, không dẻo như dây bao. Để làm thòng lọng, phải mua bao mới, xé sợi bao ra đánh lại theo kiểu dây thừng. Thòng lọng phải nhẹ, mỏng, dai". Ở đầu cần câu, chiếc thòng lọng mỏng tang được giăng ra. Người đi câu phải ròng được cái thòng lọng đó vô đầu thằn lằn và... giật.

Ph. chọn một hốc đá tối om ở gần bụi sung già. Cậu chui xuống tận cùng hốc đá và bóc một quả chuối, mài chuối lên một tảng đá phẳng. Cổ Ph. đeo sẵn một lọ dầu chuối. Cậu lấy lọ dầu xịt xung quanh tảng đá đã chà chuối. Ở bên trên, Cường bẻ lá nhét vào những khe đá ở xung quanh. Anh bảo: "Che vậy cho tối, thằn lằn mới bò ra". Cường cũng lấy dầu chuối xịt xung quanh hốc đá. Mùi dầu chuối thơm lừng bốc lên. Hai thầy trò lặng lẽ tìm một bụi cây rồi ngồi núp ở đó. Cần câu được thò xuống tảng đá đã chà chuối để đợi. Ph. nói nhỏ: "Thằn lằn thấy mồi thơm sẽ rủ nhau bò ra. Loài này mê ăn lắm. Đã gặp mồi là gục đầu ăn. Lúc đó, mình sẽ đưa thòng lọng vô đầu giật lẹ".

Theo Ph., nếu gặp đàn, câu khéo thì "bẫy" kiểu này ngon hơn "bẫy" bằng xô. Bởi thằn lằn thường ra theo đàn, mỗi đàn năm mười con. Chúng ham ăn, vừa ăn vừa gọi "đồng đội". Có lần, Ph. thả mồi. Chờ mười phút, một đàn thằn lằn bảy con kéo ra. Cứ vừa câu vừa... cười, Ph. lần lượt "giật" hết cả đàn. Mồi chưa hết, một đàn khác lại kéo tới. Để câu được thằn lằn, ngoài việc chọn chỗ gài mồi, người câu phải nhanh nhẹn, mắt sáng, kiên nhẫn và tuyệt đối im lặng, tay cầm cần không được run. 

"Phường săn" diệt thằn lằn

Trưa nắng chang chang, Cường vơ củi khô nhóm lửa nướng thằn lằn. Một con thằn lằn to cỡ ngón chân cái bị "bóp cổ" lôi ra. Cường kê đầu thằn lằn lên đá lấy cây ghè mạnh vào đầu. "Chiếp" một tiếng, đầu con thằn lằn vỡ toác. Cường ném vào đống lửa. Thân con thằn lằn quằn quại, mỡ chảy xèo xèo... Thời gian rảnh rỗi chờ thằn lằn sập bẫy, thợ câu thường tranh thủ ăn cơm, nghỉ ngơi và đi hái lá sung, quả trầu bà về ủ chín, làm mồi cho những ngày đi câu tới. Thằn lằn bị câu quanh năm suốt tháng, trừ những ngày mưa. Ở Tây Ninh, dân thị xã cũng xuống núi Bà câu thằn lằn. Còn lại, phường săn chủ yếu ở xã Ninh Sơn, Ninh Thạnh...

Nướng thằn lằn ăn trưa

Theo Cường, thời xưa, quân kháng chiến trên núi đã biết cách câu thằn lằn làm món ăn. Sau giải phóng, nhiều ông già về hưu nhớ "nghề", lại vác cần lên núi câu chơi. Dân bản địa thấy hay, thịt thằn lằn lại ngon nên bắt chước. Dần dà, câu thằn lằn thành nghề kiếm cơm thực sự. Hai năm trở lại đây, khi thằn lằn trở thành món đặc sản của dân thành phố; "phường săn" mới ồ ạt đổ bộ lên núi câu thằn lằn theo kiểu "công nghiệp". Cường than: "Người câu nhiều quá, đi đâu cũng gặp, thằn lằn thì trốn mất tiêu. Như hôm kia, hai thầy trò xách bao về không, chẳng được con nào".

Cường kể câu chuyện tức cười: Hôm qua, ông Th. đi câu; câu đến chiều thì được non bao tải thằn lằn. Không biết may rủi thế nào, ông còn "câu" được con chuột núi cỡ bắp chân. Sợ chuột cắn thằn lằn, ông Th. đã cẩn thận... bẻ răng chuột trước khi cho vào bao. Thế nào rồi mải đi câu, ông quên không dằn thêm cục đá lên đó. Hồi về, cái bao đã lăn xuống khe núi. Lý do là vì con chuột ở trong bao "quậy", nó xục xạo lung tung tìm đường thoát nên cái bao mới "chạy" xuống khe. Mà ở vùng núi đá này, cứ rơi cái gì là mất, kể cả đã biết nó nằm ở đâu. Chính thầy trò Cường, tối mịt hôm qua mới về được tới nhà vì rơi đèn pin. Ph. bảo: "Biết nó nằm ở đó vì thấy sáng nhưng cũng chịu, không cách nào chui vô khe đá được". Những "tai nạn" như vậy "phường săn" gặp thường xuyên. Người đi trước nhiều kinh nghiệm cũng không bày vẽ cho người đi sau được.

Bản thân Cường cũng có lần đi "học hỏi kinh nghiệm" rồi phải... khóc dài. Lần đó, Cường đi theo ông Q., một trong "tam kiệt núi Bà" về câu thằn lằn ("nhị kiệt" còn lại là ông hai ông T.E và U.N ở Ninh Sơn). Ông Q. ở Ninh Thạnh là một người gốc Bắc, già mà dẻo dai, vác 20kg trên lưng leo núi như đi trên đất bằng, đến mức phường săn kêu ông là "sơn dương núi Bà Đen". Ông Q. chuyên câu thằn lằn bằng mồi chuối, già nhưng cầm cần câu không run, giật thì lẹ không ai bằng. Lần Cường theo ông Q. đi đâu cũng không thấy thằn lằn. Cường than: "Tôi theo ổng hổng kịp. Không gặp thằn lằn là ổng dzọt luôn, không đợi. Đến tối mịt, tôi tìm đường về thì ổng đã về trước. Không biết đang ở đâu, tôi ngồi khóc dài đợi ổng".

*

Đêm buông xuống núi Bà huyền bí. "Phường săn" rọi đèn xuống núi. Ngày hôm nay, Cường và Ph. câu được 3,8kg thằn lằn, về đem bán cho "bà một mắt" ở đường Bời Lời được 180.000 đồng. Ph. giấu chúng tôi địa điểm bán nhưng kể: "Bà ấy bị chột nên gọi là "bà một mắt". Còn nhiều điểm mua lắm nhưng chủ yếu tụi em bán ngay cửa rừng, nhiều khi người ta chặn luôn trên rẫy để mua". Cường bảo: "Thằn lằn 50.000 đồng/kg. Người ta mua về rồi mang lên thành phố làm món nhậu. Ngoài ra, thằn lằn còn được sấy khô, khô thằn lằn bán 400.000 đồng/kg!".

Phóng sự của Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.