Thay chương trình, sách giáo khoa ở bậc tiểu học: Quá tải!

18/08/2005 22:30 GMT+7

Việc triển khai đại trà đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở bậc tiểu học bắt đầu thực hiện từ năm học 2001-2002 theo hình thức cuốn chiếu và đã thực hiện đến năm học thứ 3. Tuy nhiên theo ý kiến của các địa phương, chương trình mới chỉ vừa sức với một bộ phận học sinh, một bộ phận giáo viên thành thị, còn lại các vùng miền khác là quá nặng...

Học ngày, học đêm

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho rằng: "Sẽ là quá vội vàng khi bàn đến chuyện giảm tải chương trình trong thời điểm hiện nay, bởi lẽ chưa qua hết một vòng thí điểm, những bỡ ngỡ là không tránh khỏi, nên cũng chưa có căn cứ để khẳng định chương trình có cao quá với học sinh (HS) hay không". Nhưng thực tế cho thấy, từ khi thay sách giáo khoa (SGK) ở bậc tiểu học, HS thành phố đi học vất vả hơn, học trên lớp chưa hết, tối về lại tiếp tục "đánh vật" với đống bài tập cô giáo giao cho. Chương trình và SGK mới được biên soạn với mục đích làm cho cách dạy và học nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn, phát huy tính chủ động, tích cực của HS, nhưng xem ra mục tiêu này còn khá lâu mới thực hiện được. Một số quan chức của Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) giải thích rằng: "Không rõ từ đâu "tung" ra dư luận chương trình mới rất khó, nếu không học thêm, học trước chương trình thì trẻ không thể theo kịp chương trình khi bước vào lớp 1". Theo cách giải thích này thì chương trình mới "chẳng có tội tình" gì, người gây nên sự quá tải chính là... giáo viên (?).

Theo ý kiến các Sở GD-ĐT Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng thì việc thực hiện chương trình mới ở các vùng khó khăn vẫn đang tiếp tục... khó khăn hơn. Một lãnh đạo Vụ Tiểu học lý giải: "Một chương trình, một bộ sách không thể phù hợp với tất cả các nhóm đối tượng HS, nên việc quá tải đối với một số bộ phận HS là không thể tránh khỏi". Lời giải thích này thoáng nghe có vẻ hợp lý, nhưng ngẫm kỹ lại khó chấp nhận, bởi đã là SGK phải mang tính đại chúng, phải phù hợp với điều kiện thực tế của phần lớn các địa phương trên cả nước, để khi thực hiện triển khai đồng bộ chương trình, SGK mới tránh được sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng thuận lợi với vùng khó khăn, giữa miền xuôi với miền ngược. Thực tế đang cho thấy có sự vênh nhau khá lớn giữa các vùng, miền qua kết quả đánh giá HS lớp 3 năm học 2004-2005. Cụ thể, tỷ lệ HS giỏi môn tiếng Việt ở Đà Nẵng là 63,43%, Hải Phòng 60,57%, TP.HCM 59,25%; ở các vùng khó khăn, dân tộc chỉ đạt 6,5%, 7,15%, 8,66%... Hoặc tỷ lệ HS giỏi Toán ở Đà Nẵng là 57,58%, Hải Phòng 61,03%, TP.HCM 64,94%; ở các tỉnh khó khăn chỉ đạt 7,64%, 9,9%, 11,2%...

Ông Thái Văn Vinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu, một tỉnh miền núi khó khăn nhất cả nước khẳng định: "Chương trình, SGK mới chỉ vừa sức đối với khu vực trung tâm và thuận lợi, còn đối với Lai Châu có tới 92% HS dân tộc, có tới 151 lớp ghép, thiếu tới 648 giáo viên tiểu học, 82,3% xã thuộc diện đặc biệt khó khăn... trong khi yêu cầu đổi mới chương trình, SGK mới đòi hỏi phải có phòng học chức năng, cơ sở vật chất tốt...". Bà Hoàng Thị Sinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng cho biết: "Ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số thì dù HS có qua lớp mẫu giáo nhưng việc tiếp thu kiến thức lớp 1 vẫn khó. Lượng thời gian học Tiếng Việt trước khi vào lớp 1 không đủ để tiếp thu kiến thức. Cô giáo phần lớn là người dân tộc. Ngôn ngữ luôn là rào cản trong việc dạy và học".

Không thể đổ lỗi cho giáo viên

Một trong những yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của cuộc "cách mạng" thay chương trình, SGK mới là đội ngũ giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy học. Nhưng để thay đổi được tư duy và đôi khi là cả thói quen của giáo viên là việc không dễ. Tại Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện chương trình, SGK mới lớp 1, 2, 3 vừa qua, có vẻ như các Sở GD-ĐT ở cả đô thị và miền núi đều "đổ" việc thực hiện thay chương trình, SGK không đạt hiệu quả là do... đội ngũ giáo viên: giáo viên chưa đồng bộ, vừa thiếu vừa yếu... Nếu chỉ nhìn vào số lượng giáo viên đạt chuẩn thì chẳng có gì đáng nói, bởi tỉnh nào cũng có trên 90% giáo viên đạt chuẩn, nhưng có điều chuẩn ấy của trình độ 9+3, 7+3, 5+1, 4+3... nên dù đạt chuẩn về bằng nhưng dạy thì không thể... chuẩn được. Đổ lỗi cho giáo viên chỉ là một cách ngụy biện, bởi dù có dạy chương trình mới hay cũ thì bản thân giáo viên không có quyền tự lựa chọn chương trình và đối tượng HS. Vấn đề đặt ra là Bộ GD-ĐT chưa nên vội vàng triển khai đại trà chương trình, SGK mới khi chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ về con người và cơ sở vật chất.

Lâm Tuệ - Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.