Chứng mộng du

20/08/2005 14:54 GMT+7

Chứng mộng du thường xuất hiện từ thời thơ ấu và xuất hiện ở 10-30% trẻ em, trong khi chỉ 0,5-1% người lớn bị rối loạn này. Người mộng du thường đi lang thang hoặc có những chuyển động không ý thức được vì đang ngủ. Mộng du được xếp vào nhóm rối loạn chất lượng giấc ngủ cùng với các chứng khiếp sợ về đêm, nói mơ, nghiến răng...

 

Thủ phạm chính của bệnh này là những khó khăn về tâm lý. Một tình trạng lo âu nặng nề, thiếu ngủ hay sợ hãi ám ảnh về điều gì đó sẽ là nguyên nhân khiến cho chứng mộng du xuất hiện. Thường cơn mộng du không kéo dài và không nguy hiểm, nhưng đôi khi có thể dẫn tới thương tích do bất cứ những gì họ mơ đều biến thành hành động và nếu khớp với giấc mơ, họ sẽ không tỉnh giấc. Sau cơn mộng du, không hề có các rối loạn tâm thần hoặc hành vi. Khoa học đã phát hiện ra trên 50% người mắc bệnh mộng du có đột biến lạ trong một gien của hệ miễn dịch, với ký hiệu HLADQB1*05. Trung bình cứ 4 người mộng du thì 1 người có thân nhân cùng mắc bệnh.

 

Nhu cầu ngủ của người bình thường khoảng 6-7 giờ mỗi đêm và gồm hai giai đoạn sinh lý: giai đoạn yên tĩnh chiếm 75% thời gian ngủ và giai đoạn vận động nhãn cầu nhanh (REM - rapid eye movement) chiếm 25%. Mỗi đêm có 4 đến 5 chu kỳ ngủ như vậy.

 

Một trong những rối loạn giấc ngủ hay gặp nhất là mộng du - còn được gọi là rối loạn hành vi REM, hay xảy ra vào 1/3 đầu của thời gian ngủ trong đêm, khi rơi vào giấc ngủ sâu. Bệnh nhân trong trạng thái vắng ý thức hoàn toàn: đang ngủ tự nhiên ngồi dậy, đi, mặc quần áo, nói, la hét, lái xe... Trong khi đi, nét mặt của người bệnh đơn điệu, mắt đờ đẫn, không đáp ứng với lời nói của người khác bởi họ đang hành động theo những gì đang xảy ra trong đầu. Các hành vi kết thúc khi bệnh nhân thức dậy sau một vài phút rối loạn ý thức, thường gặp nhất là quay lại giường ngủ tiếp. Cũng có thể tỉnh lại sau một kích thích mạnh từ bên ngoài. Thường thì người bệnh chỉ có thể nhớ giấc mơ của mình nếu thức dậy nửa chừng. Nhưng lúc đó, cũng rất khó để hiểu được rằng mình đã hành động hóa giấc mơ. Bạo lực cũng có thể xảy ra trong các cơn mộng du ở người lớn.

 

Một dạng rối loạn giấc ngủ khác mới được biết đến là quan hệ tình dục (không hề có ý thức) trong khi ngủ và gần một nửa các trường hợp đó gắn liền với những vấn đề thần kinh. Hiện tượng này ẩn chứa rất nhiều rủi ro gồm các hành vi sex nguy hiểm và khả năng người bệnh sẽ thực hiện hành vi tấn công tình dục khi đang mộng du, liệu pháp tâm lý là cách duy nhất để giúp ích cho những trường hợp này.

 

Mộng du về bản chất là không nguy hiểm. Nguy cơ thực sự là những tai nạn có thể xảy ra (đâm vào xe ô tô, ngã từ cầu thang xuống...), do vậy cần luôn ở bên cạnh người mộng du. Đừng gây tiếng ồn lớn để đánh thức và đừng để người bệnh cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình. Nhưng rất khó mà đánh thức được người mộng du và nếu có thức họ cũng sẽ tỏ ra bối rối, mất phương hướng, thậm chí còn trở nên cuồng loạn. Hãy khóa chặt cửa ra vào và các cửa sổ, không để những vật có khả năng gây nguy hiểm như diêm, dao hay chìa khóa xe trong tầm tay của họ. Cách tốt nhất vẫn là khéo léo dẫn họ trở về giường một cách an toàn. 

 

Mộng du có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến chức năng xã hội, nghề nghiệp và các chức năng quan trọng khác của người bệnh. Để điều trị và giảm ảnh hưởng xấu của nó, người bệnh cần được giải thích hợp lý, luyện tập và có thể cho bệnh nhân dùng thuốc an thần và thuốc chống co giật liều thấp để giúp xóa cơn chứ không phải để chữa khỏi bệnh. Việc thư giãn và trị liệu tâm lý là những biện pháp tốt nhất. Có thể giảm bớt tình trạng cận giấc ngủ này bằng cách tăng thời gian ngủ, thậm chí chỉ cần 30 phút mỗi ngày cũng khiến các cơn ác mộng và mộng du giảm rõ rệt.

 

Cần thường xuyên vệ sinh tâm lý giấc ngủ, tạo thói quen đi ngủ đúng giờ. Tránh dùng các thuốc kích thích, tránh căng thẳng cảm xúc. Chế độ làm việc, hoạt động, giải trí, rèn luyện thân thể phải hợp lý. Trước khi đi ngủ nên xoa bóp, tắm nước ấm, đi bộ, nghe nhạc nhẹ và giúp thả lỏng cơ...

 

TS Bùi Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.