Quả thật, vấn đề nhạc "sến" đã từng được đề cập đến nhiều lần và cũng từ lâu rồi. Phần lớn các bài viết đều do những người trong "nghề", hay chí ít cũng là những người làm nghệ thuật viết ra, tức là đều do những người có trình độ hiểu biết về nghệ thuật và âm nhạc chấp bút. Điều làm tôi chưa thật sự hài lòng với những bài viết đó là dường như các tác giả đều cố tình hiểu sai suy nghĩ và quan điểm của những người trót có nhận xét rằng bài hát này hay bản nhạc này là "sến". Tôi không dám chụp mũ cho tất cả các tác giả đó và cũng không dám thay mặt cho một bộ phận độc giả nào đó chẳng may đồng ý kiến với tôi để nói lên điều này. Cũng là nói về đề tài chia tay chia ly trong tình yêu nhưng tại sao bài hát "Chia tay hoàng hôn" của nhạc sĩ Thuận Yến không bị coi là sến, trong khi những lời hát từng nổi tiếng với giọng ca Phương Thanh như "đừng buồn em hỡi khi đã lỡ yêu anh rồi, bận lòng chi nữa hỡi em anh phải quên em sao" lại được nhiều người cho là "sến". Ở đây ngoài yếu tố lời cũng cần xem xét cả yếu tố giai điệu và cách thức thể hiện bài hát. Có những bài hát ca từ cũng không quá khổ đau nhưng giai điệu lại lê thê và giọng ca thì cố nỉ non, rên rỉ, khiến cho bài hát trở nên hết sức thiểu não và thê thảm. Hoặc cũng về đề tài nỗi nhớ trong tình yêu, chúng ta hẳn không thể quên những lời ca đầy chất thơ đã được Phú Quang thổi hồn âm nhạc như “anh xa em, trăng cũng chợt lẻ loi, thẫn thờ. Biển vẫn thấy mình dài rộng thế. Xa cánh buồm một chút đã cô đơn”, nhưng bên cạnh đó là giọng ca ướt át và nỉ non một cách cố ý của Duy Mạnh khi hát “người yêu ơi có biết anh nhớ em nhiều lắm”. Như vậy có thể thấy có bài “sến” vì lời, có bài sến vì “nhạc”, hoặc có bài lại “sến” vì giọng hát và cách thể hiện của ca sĩ. Đơn cử ca khúc “Đi về nơi xa” đã từng gắn với tên tuổi Đan Trường. Nếu bạn đã từng nghe ban nhạc “Da vàng” phối và thể hiện, bạn sẽ thấy đó là một bản ballad nhẹ nhàng, nhưng khi được ca sĩ Đan Trường thể hiện bằng chất giọng mềm mại hơi nữ tính, ca khúc đó rất dễ bị xếp vào hàng nhạc "sến".
Tôi ngạc nhiên là nhiều tác giả cố tình đánh đồng nhạc "sến" với những bản nhạc trữ tình khác. Với tôi “nhạc sến” dùng để chỉ những bài hát thường là về những tan vỡ, mất mát trong tình yêu, với những ca từ được cường điệu về sự khổ đau và được thể hiện theo lối nỉ non quá mức, thậm chí là nức nở. Còn những bài hát về quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa được hát lên bởi những giọng ca chân thành và tha thiết sẽ không bao giờ bị khán giả coi thường. Những ca sĩ bị coi là hát nhạc "sến" nên chăng cũng tự xem lại cách thể hiện của mình, có nhất thiết phải tỏ ra đau khổ, bi thương, não nề đến thế hay không.
Tôi và nhiều thế hệ độc giả khác đều rất thích bài hát “Bài ca không quên”. Đó là một ca khúc rất hay, trong đó có nói tới những gian khổ và hy sinh trong chiến tranh, nhưng trên hết tôi nghĩ tác giả Phạm Minh Tuấn không muốn hướng ca khúc của mình theo kiểu kể khổ về những gian truân của người chiến sĩ mà chỉ muốn nêu bật lên tinh thần quả cảm, bất chấp khó khăn. Bởi vậy, bài hát tuy có chất “bi” nhưng không “luỵ” mà vẫn rất hào hùng. Nói tới bài hát này chúng ta không thể quên giọng ca Cẩm Vân, người được coi là thể hiện rất thành công. Nhưng cũng phải thừa nhận, Cẩm Vân chỉ thể hiện rất đạt bài hát này trước đây mà thôi. Những năm sau này, tôi cảm thấy Cẩm Vân không hát được như xưa nữa, vẫn là Cẩm Vân đấy nhưng “sến” quá, não nề quá, bi thương quá, thành ra thay vì ngợi ca đức tính hy sinh cao quý của người chiến sĩ lại gợi lên không khí u ám của những mất mát, đó phải chăng là điều mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn muốn gửi gắm?
Vậy “sến” hay “không sến”, bản thân người nhạc sĩ và ca sĩ tự biết. Tôi chỉ mong rằng sẽ không có người cố tình hiểu sai nhạc "sến” để biện minh cho những sáng tác nghệ thuật yếu kém của mình.
Việt Hà
(Thanh Xuân Bắc, Hà Nội)
Bình luận (0)