Theo chân các đoàn kiểm tra thực hiện Luật Đất đai

26/08/2005 00:26 GMT+7

TP.HCM: Người dân "khát" chỗ tái định cư Hàng trăm hộ dân vẫn chưa được bố trí tái định cư, nhất là tại các dự án trọng điểm trên địa bàn quận 2. Đó là một trong những vấn đề bức xúc được thảo luận trong ngày 25/8, ngày làm việc thứ tư của Đoàn kiểm tra thực hiện Luật Đất đai tại TP.HCM.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, bà Thái Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND Q.2 cho biết, chỉ riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTTT) và các khu tái định cư trên địa bàn quận đã phải thu hồi 930 ha đất, 12.000 hộ dân bị giải tỏa. Cho đến nay Q.2 đã bồi thường được 5.325 hồ sơ nhà đất với tổng số tiền 1.216 tỉ đồng; thu hồi được 319,6 ha đất. Điều nan giải là trong các trường hợp đã nhận tiền đền bù có 3.279 trường hợp có nhu cầu tái định cư (TĐC) nhưng chỉ mới bố trí được... 20 hộ vào chung cư; số còn lại phải chờ để sau này bố trí ở các khu TĐC 90 ha ở P.An Phú, khu 43 ha ở P.Bình Khánh. Số căn hộ để bố trí tạm cư cho người dân trong vùng giải tỏa của KĐTTT cũng mới chỉ có 109 căn tại P.An Lợi Đông. Ông Hà Phước Tài - Chủ tịch UBND Q.2 cho biết, KĐTTT theo quy hoạch được duyệt nằm trên địa bàn 7 phường của Q.2, trong đó có 3 phường nằm lọt hoàn toàn trong quy hoạch sẽ phải giải tỏa trắng. Nhu cầu TĐC của người dân rất lớn trong khi 5 khu được quy hoạch để TĐC cho người dân bị giải tỏa tại Q.2 chưa thể đáp ứng được. Tại Q.2 còn có các dự án trọng điểm khác vẫn chưa bố trí được nhà ở TĐC cho dân như dự án đại lộ Đông Tây có 654 hộ đăng ký TĐC nhưng chỉ mới bố trí được 408 căn hộ chung cư, số còn lại vẫn phải chờ đợi chưa biết đến khi nào được sắp xếp.

Trưởng đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Khải nhắc nhở lãnh đạo Q.2 phải tìm cách đẩy nhanh tiến độ các dự án TĐC để người dân bị giải tỏa sớm ổn định cuộc sống. Ông Khải cũng yêu cầu Q.2 đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và nhấn mạnh: "Luật Đất đai 2003 quy định khi cấp giấy chỉ xem xét về thời điểm chứ không xem xét về vấn đề nguồn gốc. Cho nên chỉ cần phù hợp quy hoạch và không tranh chấp là có thể cấp giấy để người dân được đảm bảo quyền lợi mà Nhà nước cũng tiện quản lý". Một vấn đề quan trọng theo UBND Q.2 là hiện nay giá đền bù có sự chênh lệch rất lớn giữa các dự án Nhà nước và các dự án thỏa thuận đền bù của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh, khiến  người dân cảm thấy bị thiệt thòi và có sự so sánh, dẫn đến khiếu nại rất nhiều. Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, UBND Q.2 đã tiếp 398 lượt người dân đến khiếu kiện, tăng 34,46% so với cùng kỳ năm 2004.

T.T.Bình

Hà Nội: Đất công bị lấn chiếm ở mọi nơi

Từ năm 2000 đã có một "chiến dịch" san lấp ao, lấn chiếm đất công tại phường Tứ Liên nhưng chính quyền "bất lực" - đó là tố cáo của ông Trần Ngọc Lưu, Bí thư Chi bộ và các công dân cụm 5, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ gửi đến đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) trong buổi làm việc hôm qua 25.8. Nguyên nhân của việc lấn chiếm tràn lan, theo ông Lưu là do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương: "Việc san lấp đất công chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng mãi đến hàng tháng sau mới có cuộc họp để bàn biện pháp xử lý". Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cũng nói rằng, lấn chiếm đất công là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam mà nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý. Trên thực tế, hiện nay luật pháp đã "tha" cho rất nhiều trường hợp lấn chiếm đất công. Chẳng hạn đất lấn chiếm từ trước 15.10.1993 hiện không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch vẫn được công nhận và được cấp giấy chứng nhận. Đất lấn chiếm từ sau ngày 15.10.1993 đến trước ngày 1.7.2004 cũng được hợp thức hóa nếu phù hợp quy hoạch chỉ với mỗi điều kiện phải nộp tiền sử dụng đất. "Cũng có người nói chính sách này không công bằng, nhưng chúng ta phải chấp nhận tồn tại của lịch sử một thời kỳ dài buông lỏng quản lý đất đai", ông Võ giải thích và khẳng định: "Kể từ 1.7.2004, bất cứ trường hợp lấn chiếm đất công nào cũng phải bị xử lý kiên quyết".

Tuyết Nhung

Bình Định: Hôm 25/8, đoàn kiểm tra chia thành 2 nhóm làm việc tại TP Quy Nhơn, và tại huyện An Nhơn. Hầu hết các ý kiến của người dân tập trung phản ánh những bức xúc quanh việc giải tỏa, đền bù chưa thỏa đáng; tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết... Rất nhiều hộ dân của phường Trần Quang Diệu kêu cứu về việc số hộ này nằm trong diện giải tỏa để xây dựng KCN Phú Tài, nhưng từ mấy năm qua họ chưa hề nhận được quyết định thu hồi đất, chưa nhận được tiền đền bù, không được xây mới nhà cửa, phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy...

VPBĐ

Cần Thơ: Hôm 25/8, đoàn kiểm tra số 10 đã tiếp dân tại Sở TN-MT TP Cần Thơ. Ông Phan Văn Bộ ở huyện Thốt Nốt nói: "Gia đình tôi làm nghề nông, chủ yếu sống nhờ vào 13 công ruộng, nhưng chính quyền lấy hết để làm KCN, lại bồi thường quá rẻ, chỉ 34 triệu đồng/công, không đủ mua lại đất chỗ khác để sản xuất. Nông dân không có đất sản xuất làm sao mà sống (!)". Thay mặt 24 hộ dân bị giải tỏa để làm khu tái định cư Thới Nhựt (quận Ninh Kiều), ông Nguyễn Văn Trung phản ánh: "Nhà nước thu hồi đất chúng tôi với giá 40.960 đồng/m2 nhưng kêu bán lại đến 1,4 triệu đồng/m2, như vậy chúng tôi phải bán gần 4.000m2 mới mua được 90m2 đất đã quy hoạch. Vậy mà sau đó một số người mua nền đã quy hoạch lại không được cấp giấy đỏ, một số khác không được đóng trước bạ để hoàn thành hồ sơ. Khiếu nại quận, quận chỉ lên thành phố; lên thành phố lại chỉ xuống quận, vậy ai giải quyết cho chúng tôi?".

T.H.Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.