Những tỉ phú trẻ chân đất

26/08/2005 21:49 GMT+7

Những tỉ phú mà chúng tôi đề cập dưới đây đều là những thanh niên còn rất trẻ, đầy nghị lực và có chung điểm xuất phát là vươn lên từ nghèo khó để làm giàu bằng chính ý tưởng táo bạo của mình. Họ không những góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương mà còn tạo cơ hội cho người dân nông thôn tham quan học tập, tìm hướng đi lên...

Tỉ phú ngao

Ngày còn bé, ở quê tôi, ngao, sò còn sẵn hơn cả tôm, cá; rẻ đến mức mua năm bơ (khoảng 8 lạng - PV) thì người bán có thể cho thêm một bơ. Con đường nối từ biển về tỉnh lỵ, vỏ ngao, vỏ sò chất thành đống như đống rạ bên vệ đường. Thời gian đã làm thay đổi mọi thứ. Giờ đây con ngao đang trở thành nguồn tài nguyên mới ở tỉnh Nam Định.

Ăn cũng ngao, ngủ cũng ngao

Cụ bà bán nước bên vệ đường, cách Giao Xuân (huyện Giao Thủy) chừng 15-20 km nhận xét: "Bây giờ ở Giao Xuân cứ đi ra đường là gặp tỉ phú". Quả thực, những căn hộ xây kiểu biệt thự nằm san sát bên lề đường. Người lái xe ôm chở tôi cho biết: "Ở đây những người có một vài tỉ chưa được xếp vào danh sách những người giàu. Thanh niên 25-26 tuổi nói chuyện tiền tỉ cứ nhẹ như lông hồng". Ông Trần Đình Thảo, Phó chủ tịch UBND xã đưa ra một con số mà tôi chưa từng nghe thấy ở bất cứ một xã thuần nông nào: "Tỉ phú chiếm tới trên 4% tổng số hộ dân của xã, khoảng trên 40 người; nhà xây giá trị trên 1 tỉ đồng có chừng 20-30 cái. Các trường hợp này đều trong độ tuổi từ 30-40"... Tất cả đều nhờ con ngao mà ra. Năm 2004, với sản lượng 2.000 tấn, con ngao đã đóng góp vào tổng sản phẩm của xã tới 40 tỉ đồng.

23 giờ, chiếc thuyền máy chòng chành đưa tôi cùng 80 người khác ra "vây" (người dân ở đây gọi đầm ngao là vây - PV) của anh Nguyễn Văn Hiển. Sau 20 phút đi thuyền, tay chỉ về hướng chiếc chòi đặt ngoài xa, Hiển bảo: "Vây của tôi ở đó". Sinh năm 1973, trẻ tuổi nhưng Hiển lại được xếp vào danh sách những người đi đầu trong phong trào duy trì và phát triển con ngao. Anh nhớ lại: "Cuối những năm 1980, đầu 1990 người dân chưa biết làm, đất bồi để không, mọi người cứ cắm cọc để đấy gọi là lấy phần. Ai cắm bao nhiêu cũng được". Hiển cũng lấy phần cho mình vài ha. Lấy rồi chẳng nhẽ lại để không, thế là lúc ít, lúc nhiều Hiển tiết kiệm từng đồng mua ngao thả xuống. Suốt 10 năm trời, từ năm 1992-2002, anh thả bao nhiêu thì ngao chết bấy nhiêu. Hiển thú thật: "Mình chỉ học hết cấp 2, chẳng có chuyên môn kiến thức gì nên khi ngao chết cũng chỉ đoán là chắc chết vì dịch, bây giờ nghĩ lại thì thấy chẳng có dịch gì mà nó chết chỉ đơn giản vì môi trường. Ngao không sống được trong môi trường bùn lầy mà lúc đó khu vực bãi bồi bùn đều ngập tới 40-50 cm". Khi hút bùn đi, con ngao tự nhiên phát triển mạnh.


Biệt thự được xây lên từ nguồn lợi nuôi ngao (ảnh: X.T)

Năm 2002, Hiển vay bên nội, bên ngoại được 25 triệu đồng, đánh bạc với con ngao lần nữa. Lần này anh thắng, hết vụ đầu năm 2003, thu về gần 400 triệu đồng. Anh tâm sự: "Bây giờ mình luôn luôn ở trong trạng thái: ăn cũng ngao, ngủ cũng ngao". Cách đầu tư cho con ngao cũng bài bản hơn trước. Hiển cho biết: "Cứ 1 ha thì mình thả khoảng 1 tỉ đồng tiền giống, ngoài ra còn thêm khoảng 30-40 triệu đồng tiền bả (một loại lưới rất dày, quây để ngao khỏi thoát ra ngoài - PV), chòi canh. Sau 2 năm, nếu thuận buồm xuôi gió thì cứ một vốn thu được bốn lời".

Còn đây là Nguyễn Văn Hiến. Ngồi đối diện với anh mà tôi không nghĩ anh có thể là tỉ phú. Căn nhà, đồ đạc và thiết bị trong gia đình... mọi thứ đều xịn, xịn hơn cả những căn hộ khang trang trên phố, nhưng chủ nhân của nó thì đích thị là một dân chài. Vợ anh thật thà: "Từ lúc chưa có gì đến bây giờ anh ấy vẫn giữ nguyên cái phong thái của ông nhà quê". Cứ suốt ngày chân đất đầu trần mà diễu. Hiến bảo: "Chẳng gì phải sửa, đó là thói quen rồi, chả nhẽ cứ có tiền là phải sửa cả tính tình à?". Hai chân co lên chiếc ghế màu nâu sẫm, bóng lộn, Hiến thao thao kể về con ngao. Kết thúc câu chuyện về con ngao, Hiến chép miệng: "Cũng mới được vài tỉ, đâu có nhiều. Cuối năm nay nếu thuận lợi cũng thu thêm được vài tỉ nữa". Cũng xếp vào hàng "đại gia" ở Giao Xuân phải kể thêm những tên tuổi còn rất trẻ như Hưng - Thắm, Thực - Lộc, Trần Văn Khấu, Đinh Văn Vũ, Nguyễn Trường Cửu...

Sau một đêm thành tỉ phú

Về quê nhiều người nói: "Ở Giao Xuân có người sau một đêm ngủ dậy đã thành tỉ phú". Cho rằng đó chỉ là lời nói phóng đại, nên đến Giao Xuân, tiếp xúc với bất cứ ai, có cơ hội là tôi kiểm chứng thông tin này, nhưng cuối cùng tôi phải tin đó là sự thật.
Người đầu tiên là cậu lái thuyền, kể rằng cách đây hơn một năm, ở ngay xóm Xuân Hùng có người bị "ngộ” vì tiền. Vốn là người túng quẫn kinh niên, thế rồi thấy người ta vác vợt đi xúc ngao giống, ông cũng bắt chước làm theo. Năm đó ngao nở (ngao giống - PV) tự nhiên dạt về rất nhiều, lại dạt đến đúng vây nhà ông. Ngao nở có giá cao ngất: trên 1 triệu đồng/kg. Đang nghèo "truyền kiếp", bỗng dưng trở thành tỉ phú. Nằm trên một đống tiền đâm ra hoang mang, lẩn thẩn, gặp ai ông cũng cho tiền.

Người cháu của Hòa - Oanh (chồng tên là Hòa, vợ tên là Oanh) khẳng định: "Năm 2004, chỉ tính riêng tiền ngao nở tự nhiên dạt vào vây Hòa - Oanh cũng đã được khoảng 8-9 tỉ đồng". Tiền ở dưới biển, gia đình chỉ có mỗi việc vác vợt đi xúc. Cái ngày 17/4/2004 giống như một sự kiện, khắc sâu trong tâm trí người dân Giao Xuân. Đây là ngày mà người ta phát hiện ra ngao giống tự nhiên ồ ạt dạt vào bãi. Anh Nguyễn Văn Hiển nhớ lại: "Suốt từ tháng 4 đến tháng 7, người ta chỉ có đi xúc ngao giống tự nhiên, có gia đình ngày cao điểm đã bán được 2 tỉ đồng tiền ngao nở tự nhiên. Nhiều như nhà Hòa - Oanh phải được đến 15-16 tỉ đồng. Riêng tiền tôi mua ngao nở của họ trong mấy ngày đầu cũng đã lên đến cả tỉ". Anh Hiển chỉ tay ra phía ngoài: "Ở gần đây nhà Hiến cũng bán được trên dưới 10 tỉ đồng tiền ngao nở tự nhiên". Đang chăm chút cho chiếc ô tô Camry 3.0 màu xanh rêu mới mua, anh Hòa rời tay khỏi chiếc chổi lông xác nhận: "Ờ thì cũng được mươi tỉ".

Tỉ phú tôm

Năm 1999, với số vốn chưa đầy 20 triệu đồng được gia đình cho sau đám cưới, anh Nguyễn Văn Pho (ảnh), 33 tuổi đã mua 1 ha đất hoang (không trồng lúa được) với giá 28 chỉ vàng tại xã Vĩnh Thông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và bắt đầu khởi nghiệp nuôi tôm.

Do lớn lên trong một gia đình làm ruộng và không hề có kinh nghiệm gì về nuôi tôm nên vụ đầu bị thất bại, nhưng anh không nản lòng. Anh nói phải đi học kinh nghiệm ở những người nuôi tôm quảng canh. Sau đó, anh tới Sóc Trăng học kinh nghiệm rồi một mình khăn gói ra tận Cam Ranh để học cách nuôi tôm công nghiệp. Nhờ vậy mà từ vụ thứ 2 trở đi anh liên tục trúng mùa. Anh bắt đầu tích lũy, mua thêm đất và diện tích nuôi tôm của anh hiện đã tăng lên được 8 ha. Anh lập doanh nghiệp tư nhân Thiên Tài và là thành viên của Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Kiên Giang.

Năm ngoái, doanh nghiệp của anh đã bán ra được 20 tấn tôm và dự kiến năm nay sẽ bán ra khoảng 30 tấn. Những năm trước, giá 1 kg tôm (loại 30 con/kg) bán ra khoảng 165.000đ nhưng năm nay chỉ còn dưới 100.000đ, trong khi các loại chi phí đều tăng. Để nuôi tôm có hiệu quả, anh cho biết ngoài việc tính toán mật độ nuôi thả hợp lý, còn phải giảm chi phí, hạ giá thành. Chẳng hạn như thức ăn phải đúng lượng, không để dư thừa. Trước đây anh trộn dầu gan mực vào thức ăn cho tôm nên giá thành cao. Giờ không trộn dầu mực nữa mà thay thế bằng mật ong, giá thành thấp hơn nhưng vẫn hiệu quả. Thuốc cho tôm cũng vậy, loại nào không cần thiết thì không sử dụng...

Ngoài căn nhà ở quê, anh tiết lộ vừa mua được căn nhà ở thị trấn trị giá 1 tỉ đồng. Riêng xe hơi thì anh chuẩn bị mua...

Tỉ phú VAC

Cách đây 3 năm anh Nhân, quê ở thị xã Kon Tum thực hiện ý tưởng của mình bằng cách quyết định bỏ ra 40 triệu đồng để sở hữu toàn bộ diện tích một rẫy cà phê ở xã Đắk La, Đắk Hà, Kon Tum do chủ nhân rẫy cà phê này đã "thất cơ" vì thị trường cà phê rớt giá, để


Anh Nhân chăm sóc đàn lợn
hơn 300 con ở trang trại

xây dựng mô hình trang trại VAC khép kín.

Anh cho biết, để tạo được cơ ngơi như hiện tại, trang trại đã được đầu tư hơn 1 tỉ đồng và đã mở rộng với diện tích lên đến 12 ha. Trong đó, có 1,4 ha gồm 4 hồ dành cho việc nuôi cá các loại như rô phi, mè, trắm... Năm nay sẽ cho thu hoạch khoảng 12 tấn cá; 2 ha trồng cà phê; diện tích còn lại dành cho chăn nuôi lợn, dê, cừu và trồng cây ăn trái... Hiện tại khu chăn nuôi lợn đã xây dựng được mô hình nuôi lợn vỗ béo với 300 con, mỗi con trọng lượng đều đạt 45 - 50 kg. Nhưng dường như chưa bằng lòng với những gì đã có, nên anh tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi thêm 200 con lợn. Số vốn đầu tư và doanh thu của anh Nhân hiện nay lên đến hàng tỉ đồng... Theo anh Nhân thì 8 lao động thường trực cho trang trại sẽ được phân công phụ trách từng lĩnh vực khác nhau, người chăn nuôi cá thì chỉ phụ trách cho việc nuôi cá, nuôi lợn thì am hiểu tường tận về lợn, vì vậy trang trại đã tạo được sự nhịp nhàng, hiệu quả. Anh đã đi tham quan nhiều trang trại, học tập từ nhiều cán bộ kỹ thuật khuyến nông, sách báo... rồi từ đó dạy lại cho những lao động để họ hiểu được cách chăm sóc từng loại cây, con cho phù hợp ở trang trại của mình.

Xuân Toàn - Hoàng Phương - Nguyễn Trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.