24 giờ của một sao. Nhiều sao hay thức dậy sau 11h. Sao hàng đỉnh điểm có thể ngủ đến 14h. Bữa điểm tâm bắt đầu cùng với hàng tá cuộc cò cưa trên điện thoại, đa phần vô bổ, nếu bạn có cuộc tiếp xúc bạn phải biết nhẫn nại. Bước kế tiếp là vào phòng thu, hay đi "tút" cái khuôn trăng, chỉnh sửa tóc... hoặc ngủ tiếp đợi đến đêm đi hát. Sao thì hay hát phần đầu (nếu chạy sô) hoặc cuối trong chương trình. Và cuộc xả xì-trét bắt đầu lúc nửa đêm. Tụm ba, tụm năm, những người hợp gu với nhau, ăn, uống và kể chuyện đủ điều, tay vẫn nhắn tin liên tục hoặc "nấu cháo" đến nóng pin. "Cuộc họp" kéo dài đến 2, 3h ngày hôm sau rồi chia tay nhau về ngủ. Chu kỳ cứ thế tiếp diễn ở thời hoàng kim của một sao. Chính vì vậy, các sao luôn sống lệch múi giờ, ngày thành đêm, đêm thành ngày so với mọi người. Hiếm thấy sao sống như người trần, tranh thủ học thêm, nâng cao trình độ liên quan đến nghề phục vụ công chúng mà mình đang làm.
Chuyện tập tành. Có tài liệu âm nhạc cho rằng, để diễn một ca khúc dài 5 phút, ca sĩ phải tập mất 300 giờ. Giai điệu, nội dung ca khúc đó phải thấm vào máu người hát. Ca sĩ phải hiểu thấu đáo người nhạc sĩ muốn truyền đạt thông điệp, tình cảm gì đến với mọi người qua bài hát . Bên cạnh đó, ca sĩ còn có thể sáng tạo thêm ở tác phẩm bằng xúc cảm, cảm thụ của mình. Mỗi ca sĩ với bản phối khác nhau sẽ khai thác tác phẩm ở nhiều góc độ khác nhau... Nhạc sĩ D.T có lần đau khổ đứng dưới sân khấu, lắc đầu ngao ngán khi một sao nhận lời biểu diễn ca khúc mới của anh. Anh nói rằng nghe cô ta hát anh có cảm tưởng dường như cô ấy ngồi trên máy bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh mà nhẩm cho thuộc lời rồi cứ thế biểu diễn, mặc cho cha đẻ tác phẩm đứng dưới sân Lan Anh chốc chốc kêu than vì cô hát lúc sai ca từ, lúc lấy giai điệu ở đâu đem chắp nối vào.
Nhiều chương trình, có sao chỉ xuất hiện trước giờ phúc khảo một ít thời gian (nếu như không có phúc khảo có lẽ sao sẽ xuất hiện ngay giờ diễn). Có sao đang tập cùng vũ công trên sân khấu, chỉ "cố gắng" đi cho thuộc tuyến, chưa kể vừa tập vừa ... nghe điện thoại.
Bệnh của sao thời trang Ngoài các bệnh thông thường như đã kể, một số sao thời trang còn mắc thêm những bệnh khác. Giành nhau đi giữa đội hình. Đã là siêu mẫu, hoa hậu hay đoạt được danh hiệu "miệt vườn" nào đó, dứt khoát sao phải được sắp xếp đi giữa đội hình khi bước ra chào khán giả, kết thúc chương trình biểu diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế. Từng có nhiều trường hợp các sao gấu ó, chửi mắng, dẫm áo cho đối phương bị té hay loạng choạng giữa sân khấu do "nó" dám đòi... đi giữa. Ăn nói hơi lung tung. Sau sô diễn, nếu bước ra hậu đài, chắc chắn sẽ thấy một bãi rác khổng lồ với đủ loại "chất thải": nước uống, thức ăn, giấy vụn, giày dép và cả... nội y. “Chân dài” T. từng buông ra những câu chửi thề vô văn hóa khi bị một sao khác giành trang điểm trước. Đôi khi các “chân dài” tranh cãi, chửi mắng nhau vì giành giật sô diễn, phá giá quảng cáo. (G.N)
Đến điểm diễn muộn. Nếu bạn đứng ở hậu trường của một sô lớn, bạn sẽ thấy hết "đường thương đau đày ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là... bầu". Sắp đến tiết mục, sao vẫn chưa xuất hiện. Thay vì đến trước vài mươi phút để ổn định tinh thần, tập trung ra sân khấu, sao cứ ngồi chơi đâu đó và nhắn tin cho bạn bè xem đến lượt mình chưa. Sát nút giờ diễn, sao đùng đùng chạy ào ào vào hậu trường, bước ra sân khấu vẫn còn thở hổn hển. Nếu hát sống ở các chương trình lễ hội, chuyên đề (hát ca khúc chỉ một lần rồi thôi), chuyện lộn lời, quên lời hay rớt nhịp là "chuyện thường ngày ở huyện".
Giành giờ diễn. Chuyện thường xảy ra ở các phòng trà, tụ điểm. Sao chạy nhiều điểm nên luôn bị động về thời gian, đang hát ở điểm này, nơi khác đã gọi điện hối thúc. Người viết từng chứng kiến các ca sĩ đàn anh đàn chị lớn tuổi, còn đi hát chỉ vì yêu nghề, không thể sống thiếu sân khấu, ẩn nhẫn nép mình, dù đến lượt vẫn phải nhường thứ tự diễn cho các sao. Thậm chí, khi các anh các chị vừa cầm micro chuẩn bị ra sân khấu, chợt một sao "dzọt" vào như một cơn lốc, chộp micro trên tay đàn chị, không nói một lời cám ơn, cười: "Em trước nghen" rồi bước vội ra sân khấu, người uốn éo vật vờ hát... nhép.
Kéo cánh và hay quên. Khi đã thành sao, sao nào cũng muốn mình sáng nhất. Chia thành phe cánh, không sao nào chịu sao nào. Thậm chí không thèm diễn chung một chương trình trên một sân khấu. Khi đi hát ở hải ngoại, bầu sô cũng phải biết mà mời nhóm đi hát cùng cánh với nhau, nếu không sẽ phải khổ vì "nó không thể hát sau tôi, cát-sê của tôi phải nhiều hơn nó"... Một đạo diễn muốn sáng tạo tiết mục mà cần vài sao đứng chung với nhau không phải dễ, không ai chịu nhìn nhau với ánh mắt thân thiện.
Vừa nhận lời với BTC, vài bữa sau, sao gọi điện lại báo "Em quên, em đã nhận sô của anh Y. trước rồi, anh tìm người khác thay cho em nha", rất tự nhiên, chẳng bận tâm chút nào, mặc cho nhà tổ chức quýnh quáng xoay trở. Thường xuyên nhất là khi đang tập hay ghi âm, có điện gọi đến, sao trả lời: "Chút em gọi lại" rồi người gọi cứ thế mà ngóng cổ chờ tới mấy ngày sau.
Còn đâu cái tình. Rất nhiều nhạc sĩ, nhà tổ chức biểu diễn, cả người hâm mộ than rằng "Ca sĩ X. lúc chưa có gì, gặp anh em ở đâu cũng vồn vã. Mỗi khi nhận được điện thoại của ai cũng đều vui vẻ trả lời. Nhưng đến khi thành "sao" liền quay lưng 180 độ, đổi xoành xoạch số điện thoại. Bắt đầu những kiểu đối thoại "anh cần tôi chứ tôi nào dám cần anh". Rồi sao hiếm dần những cuộc trả lời điện thoại với những “cơ sở" cũ của mình, thậm chí còn vin vào lý do "em bận quá" để từ chối những cuộc diễn có ý nghĩa cao hơn giá trị cát-sê thời thị trường. Ai cần liên lạc, chỉ biết để lại tin nhắn và hầu như cũng không nhận được trả lời. Đến khi bất chợt gặp nhau, sao xởi lởi dăm ba câu rồi "biến". Để tìm một sao sống có hậu thật khó.
Ý kiến về bệnh ngôi sao |
* MC Thanh Bạch: Với các ca sĩ mắc bệnh ngôi sao thì Thanh Bạch còn... cảm ơn họ, cảm ơn nhiều lắm vì ít ra nhờ họ mà Thanh Bạch có điều kiện khoe những tài vặt của mình, Thanh Bạch ra hát chắc không ai nghe nhưng chưa có ca sĩ thì Bạch hát khán giả cũng vui cùng. Nói vui vậy chứ theo quan điểm của Thanh Bạch thì thật sự các nghệ sĩ trẻ của mình cũng không tỏa sáng gì mấy, họ phải nỗ lực, mất ăn mất ngủ... để tạo hình ảnh của mình trước công chúng nhưng lại chưa được xã hội biết đến nhiều, rồi bao nhiêu thứ phải lo toan nên có lúc họ lơ đễnh trong các hành động của mình thành ra... "chảnh". Còn với các ca sĩ được gọi là "chảnh" như đi hát không đúng giờ, đòi hỏi về thứ tự biểu diễn, thái độ cư xử với đồng nghiệp.. thì tôi cho đó là những hành động chưa chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp. Thứ hai, họ đã được "lăng-xê", được "thổi" bởi nhà tổ chức, truyền thông nên nổi tiếng nhanh và sớm quá nên họ không biết quý trọng giá trị tên tuổi mà họ đang có được. Còn với những ngôi sao có tên tuổi bằng sức lao động vất vả, bằng sự cố gắng thì không ai có thể hồ đồ bằng những hành động không giống ai như một vài ca sĩ đã làm. * Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền: Bệnh ở đâu thì bệnh, chứ đã làm việc với tôi thì theo nguyên tắc "tôi tôn trọng họ thì ít ra họ cũng biết cư xử là tôn trọng công việc của tôi". Có những trường hợp hẹn quay 5h, 7h họ mới đến thì sẽ không còn gặp đoàn phim - đó là cách làm việc của tôi, tôi nhắc họ cần rút kinh nghiệm cho những lần sau. Sau dần họ biết và ít khi có chuyện đó xảy ra, thỉnh thoảng một vài lần vì công việc đột xuất. Còn với ca sĩ trễ giờ tập, không chịu khó tập tành trong các tiết mục được dàn dựng công phu... thì cả tôi cũng như bất cứ đạo diễn nào cũng sẽ không dàn dựng một cách chu đáo vì họ không hợp tác với mình. * Ca sĩ Cẩm Vân: Nếu nói ca sĩ bệnh ngôi sao thì tôi nghĩ là có, nhưng những người có "bệnh" đó không thực sự là ngôi sao bởi ngôi sao là do công chúng công nhận qua những cống hiến nghệ thuật, những hoạt động có ý nghĩa mà họ đem đến cho những người kém may mắn hơn họ. An Khê (ghi) |
Các nhà tổ chức biểu diễn nói gì? |
* Nguyên Phúc (Chủ nhiệm CLB Thời trang Thanh Niên, Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM): "Chuyện giờ giấc không chính xác đã trở thành căn bệnh của người mẫu. Ít có trường hợp một người trễ liên tục, mà các cô cứ thay phiên nhau đi trễ. Quy định đến trước 1 tiếng đồng hồ so với giờ diễn, nhưng rất hiếm người được như vậy. Về phía quản lý, chúng tôi không đưa ra luật lệ nào mà chủ yếu "xử lý" bằng tình cảm, và hầu như chỉ có cách... năn nỉ". * Thanh Long (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ đào tạo người mẫu PL): "Người mẫu VN hay xài giờ... dây thun! Ai đến trễ cũng viện lý do, cũng có thể họ bận thật, nhưng có khi chả bận gì cả mà quen như vậy. Cũng lạ, bị răn đe 1, 2 lần, các cô "nghe lời" đi đúng giờ; được vài lần rồi lại đâu vào đấy. Trễ 1, 2 lần thì chúng tôi cảnh cáo (cắt sô diễn), còn cứ tiếp diễn thì cho nghỉ vài tháng, hoặc nghỉ dài hạn. Cách đây 2 tháng, chúng tôi đã cho nghỉ một người - được mệnh danh là "vua đi trễ", vì không thể chấp nhận cách làm việc thiếu nghiêm túc của cô ta. Trước đó, trong một chương trình làm cho mỹ phẩm (ở Trung tâm thương mại Parkson), diễn ra 4 đêm, mà có người đến trễ 2 đêm liên tục. Đêm đầu, tôi nhắc nhở, đêm sau, có đài truyền hình đến quay, nhưng không quay được vì thiếu người, thế là tôi cho nghỉ dài hạn luôn. Cũng có khi... hết đường binh, tôi phải ra diễn thay, cũng may đó là người mẫu nam". * Lê Trinh (Giám đốc Công ty Babi): "Tôi rất chiều các ca sĩ khi làm việc với họ, mời đi diễn ở đâu tôi cũng lo đầy đủ các khâu hậu cần. Tôi nghĩ, mình tôn trọng mọi người thì họ sẽ tôn trọng lại mình. Không biết những người quản lý khác thì sao, còn tôi, nếu ai không nghe lời thì sẽ cho nghỉ ngay, không bao giờ năn nỉ". * Thanh Hải (Giám đốc Công ty Bạn yêu nhạc - MFC): "Bệnh ngôi sao xuất phát từ sự ảo tưởng là chính, đa phần là ở những người thành danh khi còn quá trẻ. Mới chạm tay một chút đến sự nổi tiếng, rồi ảo tưởng về sức ảnh hưởng của mình và thiếu suy nghĩ nên những người trẻ ấy ngỡ mình là ngôi sao. Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người, từ nhà tổ chức, biên tập, báo chí, nhạc sĩ...; không có những sân khấu giản dị - bước đầu tiếp cận công chúng; không có những cuộc bình chọn; không có khán giả... thì lấy đâu ra tên tuổi ngôi sao? Vậy mà, khi mới có tiếng một chút đã sinh ra bao nhiêu... bệnh. Nào là muốn tên của mình đứng trước, muốn hát sau cùng (trong chương trình) vì hát sau mới là "sao", tiết mục của mình phải được dàn dựng riêng, đặc sắc, nổi bật, rồi chọn bài hát theo ý mình chứ không tôn trọng đường dây của kịch bản, thích đi riêng - đến sau chứ không đi cùng đoàn...". Nguyên Vân (thực hiện) |
Tuấn Anh
Bình luận (0)