Tiểu thương kết bạn "tín dụng đen"

02/09/2005 23:34 GMT+7

Nhắc đến lực lượng "tín dụng đen" (TDĐ) người ta thường không ưa, thậm chí lên án. Nhưng đối với tiểu thương, TDĐ lại là... người bạn, đôi lúc quyết định cả sự sống còn của người kinh doanh.

TDĐ vay dễ, khó "xù"

Một cán bộ của chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) cho biết, hiện có 5 chi nhánh của 5 ngân hàng lớn đặt văn phòng giao dịch tại chợ, nhưng số lượng tiểu thương đến liên hệ vay không bao nhiêu và ngày càng giảm dần. Từ đầu năm đến nay, số vốn tiểu thương vay chỉ mới khoảng 500 triệu đồng, so với cùng kỳ năm ngoái chưa đạt được 20%. Ban Quản lý chợ vải Soái Kình Lâm (Q.5) cũng cho biết, bây giờ không còn tiểu thương nào lấy sạp đi thế chấp vay ngân hàng. Tiểu thương bán thịt heo tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cũng cho biết tương tự. Nguyên nhân là do vốn vay từ ngân hàng đối với tiểu thương như "muối bỏ biển". "Cần 500 triệu chỉ cho vay 50 triệu thì làm được gì? Thủ tục lại rườm rà mà cả tuần sau mới có, rồi còn phải chi cho cán bộ ngân hàng 1 - 2 phân (1 - 2% hoa hồng). Chậm trễ, chuyến hàng vuột mất liền" - một tiểu thương bán cặp, túi xách tại chợ Bình Tây phản ảnh về sự không linh hoạt trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Anh L. tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Phạm Văn Hai cũng chán ngán với vốn vay từ ngân hàng: "Vốn lưu động cần của chúng tôi mỗi ngày trên 100 triệu đồng, còn lâu mấy ông ngân hàng mới đáp ứng được. Từ trước đến giờ chúng tôi toàn vay TDĐ"... 

Theo ước tính của ban quản lý các chợ Bình Tây, Tân Bình, Soái Kình Lâm, Trần Chánh Chiếu, An Đông... thì tiểu thương cần vay vốn từ 1.000 - 10.000 tỉ đồng/năm.

Trong thời gian qua, một số ngân hàng (NH) trên địa bàn TP.HCM như NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Đông Á, Phương Đông... đã triển khai cho các tiểu thương ở chợ vay vốn, phần nào đáp ứng được vốn cho các tiểu thương tại chợ. Ông Lưu Huỳnh - Giám đốc Sacombank chi nhánh Gò Vấp cho biết: "Hiện có gần 3.500 tiểu thương ở 73 chợ trên địa bàn thành phố đang vay tại Sacombank với số tiền 17 tỉ đồng. Các tiểu thương thường vay từ 1 - 50 triệu đồng bằng hình thức tín chấp". Thông thường, các NH sẽ phối hợp với Ban quản lý chợ triển khai cho tiểu thương ở chợ vay vốn kinh doanh. Sau khi cho tiểu thương vay vốn, nhân viên NH hằng ngày sẽ trực tiếp đến thu tiền gốc và lãi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương, nhưng số tiền thu góp cũng dễ mất mát do nhân viên NH bị cướp giật hoặc bỏ trốn. (T.Xuân)

Vay "nóng" là nhu cầu bức thiết nhất của tiểu thương, trong khi đây là điều kiện đầu tiên ngân hàng không đáp ứng được, nên tiểu thương cần đến TDĐ là điều tất yếu. Các chợ kết thúc một ngày kinh doanh bằng hoạt động thu tiền của lực lượng TDĐ. Đối tượng hoạt động TDĐ là những người chuyên cho vay hoặc những người kinh doanh trong chợ thuộc dạng mạnh vốn cũng kiêm cho vay. Ở chợ Bình Tây, hàng chục cái tên như bà Tư T., bà Tư Đ., bà Hai C... đã trở nên quen thuộc với tiểu thương hàng chục năm qua với "nghề" cho vay. Trong vai một cơ sở nhỏ may quần áo trẻ em cần vay 100 triệu đồng để hùn với bà chị làm hàng xuất đi Đông u gấp, sau khi được một anh bốc xếp giới thiệu, tôi gặp chị H.L. Chị L. niềm nở: "Em lấy tiền liền, chị kêu bọn nhỏ mang ra ngay cho, chị lấy 4 phân thôi". Thế là coi như tôi không tốn giấy tờ, thời gian làm hồ sơ, không thế chấp tài sản cũng có được 100 triệu làm ăn. Sở dĩ chị L. cho tôi vay dễ dàng như vậy là do chị biết được đây là mặt hàng được xuất đi nước ngoài thường xuyên của tiểu thương ở chợ. Sau mỗi chuyến xuất như thế, tiểu thương kiếm được kha khá trong khi ngân hàng đâu thể biết được việc này. Những năm trước, lãi suất của TDĐ thường 0,6 - 1%/ngày nhưng nay giảm chỉ còn khoảng 0,3 - 0,6%/ngày do TDĐ tràn ngập (mỗi chợ có từ vài TDĐ đến vài chục TDĐ), tiểu thương lại buôn bán khó khăn hơn. TDĐ cũng phải cạnh tranh nhau nên lấy lãi suất cũng "nhẹ tay" hơn. Chị H. - một tiểu thương ở chợ Bình Tây còn kể cho tôi nghe: "Mượn như em là ít, có người mượn cả 500 triệu - 1 tỉ đồng cũng có ngay". 

Hoạt động giao dịch của tiểu thương với TDĐ rất kín và chóng vánh. Tiểu thương chỉ ngồi ở sạp chuẩn bị tiền góp (vốn lẫn lãi), quấn chặt vào một tờ giấy, cột lại bằng dây thun và đưa cho TDĐ khi họ đi ngang qua là xong. Khoảng 50% TDĐ xuất hiện ở chợ chỉ là "tay chân" của những chóp bu mà thôi. Sau khi họ rút khỏi chợ là đến điểm hẹn với "đàn anh, đàn chị" để "báo cáo" lại và được chia phần. "Tuy nhiên, chơi với TDĐ ở chợ là phải biết "luật giang hồ", đừng bao giờ nghĩ đến chuyện "xù", họ sẽ "xử đẹp" mà không để lại dấu vết" - một anh bốc xếp cảnh báo như thế khi biết tôi lần đầu đi hỏi vay TDĐ. 

Con dao hai lưỡi

Lãi suất của TDĐ cao gấp hàng chục lần so với vay ngân hàng. Chơi với TDĐ cũng là chơi với con dao hai lưỡi, mặt khác TDĐ cũng thường gây mất trật tự trị an trong xã hội. Trong khi đó, tiểu thương rất cần đến nguồn vốn ngân hàng, bởi lãi suất thấp và sự an toàn, nhưng điều mà tiểu thương cần trước tiên ở ngân hàng là tính linh hoạt khi cho vay.

Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.