Anh “khùng” lên rừng chăn... bò tót

16/09/2005 23:12 GMT+7

Một gã lâm tặc khét tiếng sát thú rừng một thời, vậy mà từ chối nhiều đầu nậu buôn bán động vật hoang dã vô rừng săn thú với mỗi chuyến hàng triệu đồng chỉ để lên núi chăn một đàn... bò tót; không cho bất cứ thợ săn nào bén mảng vào khu rừng có lũ bò tót sống. Mấy năm nay, gã "khùng" ấy người ta gọi là Hoàn "bò tót" cứ xuyên ngày xuyên đêm trong rừng, cơm đùm gạo bới theo dấu bò tót.

 

Bị tù treo vì săn bò tót

 


Con trai đầu của anh Hoàn, Nguyễn Văn Hoàng cứ nghỉ hè là theo chân bố lên núi chăn bò tót

Tại xã rẻo cao Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình hỏi Hoàn "bò tót" ai cũng biết, mệ Lỏn bán hàng nước ven đường Hồ Chí Minh nhiệt tình nói: "Hoàn “bò tót” mới bứt cỏ về. Mấy năm ni hắn chăn không công, bọn bò tót ăn cũng dữ... Chú vô ngõ đó rẽ phải, đi một chặp rẽ trái là tới". Theo lời mệ, tôi rẽ phải, rẽ trái và gặp được Nguyễn Văn Hoàn, người ba năm nay cật lực đi chăn bốn con bò tót. Câu đầu tiên Hoàn xởi lởi: "Biết cán bộ lên đây cũng chỉ hỏi vì răng tui chăn bò tót. Tui chăn để rửa tội, vì trước đây bắn một con trong bầy đó". Tôi hỏi: "Sao bắn?". Hoàn buồn nhìn thốc lên núi Hà Riềng kể: "Trước đây làm thân lâm tặc, khét tiếng sát thú rừng, chỗ mô có hổ, có gấu là tui kết liễu cuộc sống hoang dã của chúng. Đầu năm 1992 lên thăm rẫy trên Hà Riềng, có con bò tót đực nặng hơn tấn ra ăn rẫy, sẵn cây súng, đoàng một phát, hắn lảo đảo đổ sập. Tui chặt đầu khiêng về, lóc mớ da, thịt để lại. Về nhà nói với vợ, hai ta cố mần ăn, sau ni có nhà xây treo lên cho oai. Nào ngờ tám ngày sau, công an lên bắt tui vì bắn chết thú quý hiếm, lúc đó tui chẳng biết mô tê thú quý hiếm, cũng chẳng rõ sao công an biết. Sau ni mới hay, dân làng thấy thịt còn ấm, xẻo bán, công an hỏi, họ chỉ chỗ con bò bị bắn bên rẫy của tui, rứa là tiêu. Tui bị khởi tố, lãnh 48 tháng tù treo, nộp phạt 2 triệu rưỡi. Lúc đó vợ chồng mới ra riêng, nhà chẳng ra nhà, ở núi không có tiền, phải vay lãi cắt cổ để... nộp phạt. Đó là mới tội bắn bò tót, tui còn một tội khác cũng nặng lắm, dám chế tạo súng đó anh. Trước đây tui đi bộ đội, giỏi tháo lắp súng, giải ngũ, tui hay kiếm súng hư về chế thành súng tốt để săn thú. Một lần lên núi Chà Nòi, vô cái hang dưới núi, lóa mắt vì ở đây vô vàn súng bộ đội phá hủy, tui nhặt nhạnh mỗi thứ một cái còn dùng được về ráp thành khẩu súng tốt, rứa là ung dung đi săn. Khi bị công an bắt, lại can thêm tội chế tạo súng trái phép, rứa là tội chồng thêm tội. Nhưng may răng tòa thương tình hoàn cảnh mà cho tù treo. Tù treo ở lại địa phương, địa phương thì ở núi, tui lại ấp ủ đi săn thú nhưng nghĩ lại thất đức, mấy bác xử cho treo rồi mà mình phạm thêm thì nặng, rứa là tui quyết không vô rừng nữa. Nhiều tay đầu nậu nằng nặc thuê tui giá cao để đi săn cho chúng nhưng tui cự tuyệt".

 

Chăn đàn bò tót trên núi Hà Riềng

 


Con bò tót đực thường xuống núi tìm bạn tình do chiến đấu thua một con đực trong đàn - Ảnh: Nguyễn Văn Hoàn

Rít tròn hơi thuốc "củi", Hoàn kể tiếp: "Mãn án tù treo xong đâm ra nghĩ ngợi, vô rừng săn bắn hoài, con cái sao ngẩng mặt lên được, phải rửa tội. Một đêm vắng lạnh, tui gọi vợ dậy: không chi chuộc tội bằng chăm đàn bò tót bị mình bắn mất một con. Vợ nhất trí, sáng hôm sau chuẩn bị cơm nắm để tui vô rừng coi còn bò tót không. Lên rừng, nửa tháng sau phát hiện dấu chân bên suối, thêm tuần nữa thấy cả bầy đang ăn cỏ trên đồi. Sướng rần người. Rứa là dựng trại để coi chừng. Vui chưa được mấy thì buồn ập tới, trước khi bị tù, đàn bò tót có 7 con, tui bắn một còn 6, mấy ngày ở lại đếm kỹ, đợi mãi cũng chỉ được 4. Xuống núi dò la mới biết, khi bị tù có hai con bị bắn, dân sơn tràng giấu biến nên không ai biết mà bắt...".

 

Hoàn lên với lũ bò tót bất kể ngày đêm, nắng mưa để canh chừng kẻ đi săn trộm. Như biết ơn và cũng là quen hơi, đàn bò tót dần dà chẳng khó chịu khi thấy anh xuất hiện. Hoàn cứ thế thân thiện với bò tót, ở nhà vợ con quần quật với nương rẫy. Tôi đánh bạo hỏi vợ Hoàn: "Đàn ông trụ cột thường vắng mặt, chị không thấy vắng vẻ?". Chị cười tươi rói: "Biết anh yêu thương thú rừng tui mừng. Trước đây mới lấy nhau, ngày mô anh cũng sát thú, tui buồn da diết, đi mô ai cũng gọi vợ thằng lâm tặc. Chừ anh vì bò tót, dành thời gian cho bò tót nhiều hơn cho vợ con, tui không trách mà mừng vì đi mô ai cũng nể".

 

Tiếp tục câu chuyện, Hoàn tiết lộ: "Đàn bò tót đang găng nhau lắm. Chỉ một mạ một nghé mà những hai con đực, rứa là "chiến đấu". Một con thắng, một con thua bỏ đi. Mà hắn không đi mô xa chỉ luẩn quẩn quanh đàn chờ con đực kia sơ hở là lao vào tán tỉnh con cái "một nhát" rồi bỏ ra xa. Đêm đêm, con đực thua mò xuống thôn Ngọn Rào tìm bò cái nhà dân. Con đực này xuống riết, hiện đã lai một thế hệ con rất đẹp, thịt săn chắc từng thớ, kéo cày khỏe". Con bò tót đực xuống núi tìm bạn tình làm Hoàn mấy bận lao đao, phải cầm đèn theo sau nó mấy trăm mét, canh chừng lâm tặc. Nhiều hôm dân Ngọn Rào tưởng trộm bò liền hô hoán, phang gậy tứa máu, gô cổ lại mới biết Hoàn vì bò tót nên thả.

Chúng tôi theo Hoàn qua núi Hà Riềng, dáng thấp đậm rắn chắc, leo một mạch qua ba quả núi không nghỉ. Tôi bở hơi tai hổn hển, phục Hoàn làm không công, lại cuốn vợ con lao theo, của nả trong nhà cũng đi theo để chi phí bảo vệ bò tót, thật nể.

 

Bỏ tiền mua voọc thả về rừng

 


Một thế hệ bò lai ở thôn Ngon Rào trông rất oai vệ, sản phẩm lai giữa con bò tót đực thường xuống núi tìm bò cái trong mùa động dục

Từ một lâm tặc, Hoàn xoay qua yêu muông thú mình từng săn bắn đã làm cảm động lãnh đạo di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, họ tin và giao cho nhiều việc quan trọng để giúp di sản và vùng đệm bình yên hơn. Nơi nào có con gì xuất hiện, linh trưởng ở đâu, hổ thuộc vùng nào Hoàn đều biết và dẫn đoàn lên đường tìm dấu vết. Bởi thế nên khi nói chuyện tôi cứ ngỡ Hoàn như cán bộ bảo tồn vì một lâm tặc mà hiểu rõ hai từ "sinh cảnh" làm tôi giật mình. Hoàn biết bò tót ăn gì, tập tính, sinh sản ra sao, quan hệ ngôi thứ thế nào anh kể vanh vách, anh còn mua máy ảnh chụp dấu vết bò tót, nơi bò tót ngủ để cung cấp cho cán bộ khoa học. Rồi ai bắt được con gì anh mua bằng được để thả vô rừng. Vừa rồi, thôn Ngọn Rào có người bắt được voọc quý, Hoàn thuyết phục vợ chi mấy trăm để mua lại, vợ thấy có lý liền thông qua, con voọc quý được cứu, được thả vào rừng. Từ ngày nhất quyết không làm lâm tặc, Hoàn "bò tót" đã cứu rất nhiều linh trưởng quý hiếm. Những hành động đó lôi cuốn cả chuyên gia nước ngoài, nên một chuyện gia người Mỹ qua nghiên cứu linh trưởng, Hoàn dẫn đi, ông phục sát đất khi Hoàn cho biết trong vùng có 10 loài linh trưởng, ông điều tra thẩm định thì đúng thật có 10 loài.

 

Máu yêu rừng không những Hoàn nhen lên cho bản thân mà còn truyền cho vợ con, đứa trai đầu cứ nghỉ hè lại vào rừng bảo vệ thú. Hoàn còn cảm hóa hơn hai trăm lâm tặc thôn bên cạnh để họ không dòm ngó đàn bò tót trên Hà Riềng, họ nghe theo và đuổi lâm tặc nơi khác đến săn trộm. Hỏi chuyện, anh cười: "Nhờ mấy trăm lâm tặc làng bên mà bò tót yên thân, tui với họ như anh em là bò tót tha hồ nhởn nhơ".

 

Lúc chúng tôi đến Hà Riềng, nhìn qua ngọn đồi đầy cỏ lau phía trước, thật thỏa nguyện khi nhấp nhô những tấm lưng bò tót trơn bóng đang gặm cỏ, chỉ tiếc một điều, không ghi được hình chúng vì xa quá... Xuống núi, có người chào Hoàn "khùng", anh cười tươi. Còn tôi chẳng thấy Hoàn khùng tí nào mà phục lăn!

 

Khánh Minh - Trung Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.