Máu chảy ruột mềm

17/09/2005 22:26 GMT+7

Năm ngoái, tôi đang ở bang Florida khi một cơn bão quét qua đó. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhà cửa, ghe thuyền bị tàn phá, cây cối đổ ngã, các khu dân cư không điện nước, người dân nhớn nhác… đã thấy ghê gớm. Nay nhìn truyền hình mô tả về cơn bão Katrina quét vào 2 bang Louisiana và Mississippi, 80% thành phố New Orleans ngập trong biển nước, con số người chết ngày càng cao thì rõ ràng là quy mô tàn phá đã gấp trăm lần hơn!

Nặng nề nhất là ở bang Louisiana nằm ở cửa con sông lớn nhất nước Mỹ là sông Mississippi. Bang này người Việt chỉ có 30.000 người (đông vào hàng thứ 9 ở Mỹ), nhưng người mình lại sinh sống co cụm lại thành những ngôi làng lớn nhất ở Hoa Kỳ. Ví như ngôi làng mang tên Versailles ở ngoại ô thành phố New Orleans quy tụ đến 8.000 người, nay thật sự hoang tàn. May mà khu làng khác tại thành phố Baton Rouge có đến 4.000 người Việt không hề hấn gì. Con số ngư dân người Việt nay không còn nhiều so với cách đây 20 năm, sinh sống tập trung ở ngư cảng Biloxi, bang Mississippi cạnh đó cũng bị tàn phá nặng nề. Các vùng này sở dĩ lôi cuốn được người mình do châu thổ sông Mississippi có khung cảnh và khí hậu tương tự vùng đồng bằng sông Cửu Long ở nước ta. Người Việt ở đây phần lớn gốc gác ở Phước Tỉnh - Phước Tuy và Bình Thuận, thạo nghề cá.

Bang Louisiana bị sắp vào nhóm 5 bang nghèo nhất nước Mỹ, nhưng người Việt ở đây lại làm ăn khá giả do cần cù và biết đoàn kết. Vào cuối các năm 1970, báo chí Mỹ nhắc nhiều đến sự kiện họ do xung đột với ngư dân da trắng Mỹ, cả tổ chức kỳ thị chủng tộc KKK cũng nhảy vào ăn có hăm dọa, nay nhìn chung thì nghề cá ở đây đang xuống dốc, thế hệ thứ hai người mình học hành khá ra và chuyển làm nhiều công việc khác hơn là nghề cá vất vả.

Cơn bão ập đến bỗng chốc làm nhiều người trắng tay, cơ nghiệp xây dựng mấy mươi năm tiêu tan, không biết ngày mai sinh sống ở đâu và ra sao. Thành phố Houston (cũng có khá đông người Việt) ở bang Texas gần đó đón nhận trên 200.000 nạn nhân (trong đó có 15.000 người Việt) đến tạm trú.

Máu chảy ruột mềm, hầu như tất cả các tổ chức, hội đoàn, người thiện nguyện Việt trên khắp nước Mỹ đều tổ chức cứu trợ, ùa về Houston. Các ngôi chùa, nhà thờ, cả nhà tư nhân người mình quanh vùng Louisiana đều mở toang cửa đón nhận bà con đến tạm trú. Công tác cho giai đoạn tiếp theo sau thiên tai còn nhiều: nào dịch bệnh, dọn dẹp và chuẩn bị lại cuộc sống mới… Dự kiến công tác cứu trợ sẽ còn kéo dài đến hết năm. Từ trong nước, tuy cách xa hàng vạn dặm, nhiều tổ chức, cá nhân nhanh chóng quyên góp giúp đồng bào bị nạn. Của ít lòng nhiều, rõ ràng đây là một nghĩa cử kịp thời, đầy ý nghĩa.

Tình hình khắc phục hậu quả thiên tai mỗi nơi một khác. Ở Hoa Kỳ, chính quyền có nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể về mặt vật chất và công ty bảo hiểm bồi hoàn thiệt hại làm người dân yên tâm. Nhưng đó là nói về người khá giả hoặc trung bình, chỉ có đa số người nghèo không có bảo hiểm là kẹt lớn. Nhiều người mình có tàu đánh cá cũng ít chịu bảo hiểm, nên trắng tay sau thiên tai. Vì vậy, hoạt động cấp thời cũng như dài hạn của các tổ chức cứu trợ và thiện nguyện luôn cần thiết. 

Lá lành đùm lá rách, nhớ đến những đợt thiên tai xảy ra trong nước những năm qua và nay là ở ngoài xa vạn dặm, người mình luôn tìm cách góp phần xoa dịu những nỗi đau, thiếu thốn của đồng bào ruột thịt. Ấy là tấm lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta vậy. 

Nguyễn Hữu Thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.