Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác có cả kho tàng chuyện kể về người chết sống lại rất ly kỳ, khó tin, nhiều khi đượm màu sắc thần bí. Tuy nhiên, đây lại là chuyện có thật!
Vào thế kỷ 18-19, ở khắp châu u rộ lên những chuyện về người chết sống lại và “quỷ nhập tràng”. Ở Hungary và các nước Trung u thời ấy, người ta thường đồn đại là thấy người chết sống lại. Có nhiều cách giải thích hiện tượng này. Một trong các cách giải thích là thời ấy do chiến tranh và dịch bệnh, có quá nhiều người chết nên việc chôn cất được làm một cách hấp tấp, qua loa. Đã có những trường hợp chưa chết hẳn cũng bị chôn. Khi tỉnh lại, họ lật mồ sống dậy, thân mình dính đầy bùn đất và nhiều khi cả máu nữa, đi lang thang làm mọi người sợ hãi. Từ đó mà sinh ra những huyền thoại về “quỷ nhập tràng”.
Vào các thế kỷ trước, khoa học chưa thể xác định một cách thật chính xác khi nào con người thật sự chết. Chính Herbert Mayo, một phẫu thuật gia có tên tuổi của thế kỷ 19 cũng đã cho rằng, trung bình cứ 200 người được đem đi chôn có một bị chôn sống. Trước đây, người ta cũng ghi lại trường hợp ông Beđa Doxtotrenui, một tu sĩ nước Anh bị bệnh và chết vào lúc nửa đêm. Xác chết đã được cho vào quan tài, người nhà túc trực xung quanh khóc than thảm thiết. Nhưng sáng sớm hôm sau, ông ta bỗng nhỏm dậy làm mọi người hãi hùng bỏ chạy, cho là “quỷ nhập tràng”.
Mãi đến thế kỷ 20, những chuyện tương tự vẫn xảy ra. Đáng chú ý nhất là chuyện xảy ra vào năm 1906 ở bang Kansas (Mỹ). Một thanh niên tên là Havey, 20 tuổi, con một gia đình giàu có chẳng may mắc bệnh qua đời. Người vợ chưa cưới của anh ta tin rằng anh chưa chết mà chỉ ngủ thiếp đi trong cơn bệnh nặng. Cô không cho chôn và đề nghị mang quan tài về để trong nhà. Chuyện lạ lùng đã xảy ra, sau đó quả nhiên Havey sống lại.
Từ sự kiện này, dư luận ở Mỹ xôn xao cho rằng có nhiều người bị chôn oan do bác sĩ xác định nhầm là đã chết. Quả thật vào thời ấy, kỹ thuật y học chưa cao nên chưa thể phân biệt được thật chắc chắn một người đã chết hẳn hay chưa. Cũng vì vậy, các nhà lãnh đạo y tế đương thời đã đề ra yêu cầu phải để xác chết một tuần lễ sau mới được chôn, và nhiều thành phố đã lập ra “nhà cất giữ thi hài” để trông coi những xác chết này trong một tuần, đề phòng họ sống lại.
Cũng từ sự kiện Havey, người ta đã phát minh ra những chiếc “áo quan an toàn” có thiết bị thông gió, báo động và thoát ra khỏi quan tài nếu người chết sống lại. Có nhiều kiểu “áo quan an toàn”, đáng chú ý hơn cả là chiếc quan tài do một bá tước người Nga tên là Kraxcaniki phát minh, được dư luận ngày đó đánh giá là chiếc áo quan thiết kế tinh vi, an toàn nhất, nếu người chết sống lại sẽ dễ dàng được cứu thoát.
Những chiếc “áo quan an toàn” này thịnh hành ở phương Tây cho đến Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Chiến tranh thế giới xảy ra, số người chết quá nhiều nên người ta không còn quan tâm đến chuyện “người chết sống lại” nữa. Mặt khác, do y học phát triển, có thể xác định được chính xác một người đã chết thực sự hay chưa nên chuyện chôn lầm người còn sống cũng khó xảy ra.
Người chết sống lại tuy hiếm nhưng là chuyện có thật, có người sống lại khỏe mạnh lâu dài như trường hợp của Havey, nhưng cũng có những trường hợp chỉ tạm sống lại một thời gian rồi chết thực sự. Hiện tượng trên ở nước nào cũng có. Ở Việt Nam trước đây cũng có những trường hợp tương tự và người ta cho rằng do ma quỷ nhập vào xác chết nên gọi là “quỷ nhập tràng”, một điều rất gở đối với gia đình người chết.
Về cái chết, hiện nay y học chia làm hai thời kỳ: chết lâm sàng và chết sinh vật. Trong chết lâm sàng, phổi và tim người bệnh đều đã ngừng hoạt động, nhưng não bệnh nhân vẫn chưa chết và thần kinh gốc của bộ não vẫn hoạt động. Ở giai đoạn này, tuy mọi dấu hiệu của sự sống - kể cả nhịp tim và hơi thở - đều không còn nữa, nhưng với những kỹ thuật hồi sinh cấp cứu hiện đại ngày nay, người ta vẫn có thể phục hồi được hô hấp và tuần hoàn, người bệnh vẫn có thể được cứu sống. Chỉ khi bộ não của bệnh nhân đã chết, người bệnh chuyển sang giai đoạn chết sinh vật, mọi khả năng cứu chữa mới hết.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu, những người chết sống lại là những trường hợp mới chết lâm sàng. Người chết đã hết thở, tim ngừng đập, thầy thuốc đã khám xác nhận và cho vào áo quan. Nhưng do bản năng của sự sống đấu tranh với cái chết, họ đã tự phục hồi lại được và tỉnh lại, không tiến sang giai đoạn chết sinh vật.
Do đó, muốn xác định một người chết, không thể chỉ thấy ngừng thở, ngừng tim là đủ, mà phải thăm khám thật kỹ lưỡng, khi biết chắc chắn người bệnh đã chết sinh vật rồi mới được xác nhận là chết, và việc chôn cất cũng chỉ được làm sau đó 24 giờ.
BS Hương Liên
(Báo Sức Khỏe & Đời Sống)
Bình luận (0)