Hàng rong mất vệ sinh tràn ngập cổng trường

25/09/2005 21:41 GMT+7

Cách đây không lâu, báo Thanh Niên đã có loạt bài phản ảnh tình trạng hàng rong đe dọa sức khỏe học sinh (HS) trước cổng trường. Thế nhưng, vào năm học mới 2005-2006, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào ra tay, hiểm họa ngộ độc thực phẩm kém chất lượng vẫn còn nguyên vẹn…

Học sinh đi học, hàng rong “đi làm”

Ngay sau lễ khai giảng năm học mới, sáng sớm hôm sau hàng quán bán rong đã mọc lên như nấm quanh các cổng trường. Điều đáng nói là hầu hết những mặt hàng bày bán ở đây đều không rõ nguồn gốc, địa chỉ sản xuất và không hề được che chắn trước sự xâm nhập của ruồi, bụi bặm...

Lân la bắt chuyện với bà bán hàng rong trước cổng Trường Tiểu học Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội), bà nói nhỏ với tôi: "HS nghỉ hè, chúng tôi cũng... nghỉ hè. Chúng nó đi học rồi thì bọn tôi cũng phải đi làm chứ". Bà kể, khi HS ở đây nghỉ hè, bà chuyển qua bán trà đá ở cạnh nhà, "nhưng mà đói lắm, mỗi ngày kiếm chưa được 20 ngàn đồng, bán quà vặt cho HS lời hơn". Hàng của bà toàn "đồ khô", ước chừng chưa đến trăm ngàn đồng, gồm: kẹo cao su, lạc, bỏng ngô, quẩy, bánh chưng, bánh giò, me, xoài, cóc, ổi... Với đa dạng "chủng loại" như vậy, mỗi ngày bà kiếm khoảng 30 ngàn đồng. Cầm chiếc bánh chả ươn ướt được cắt theo lát, tôi bẻ làm đôi, chiếc bánh bở bùng bục, rơi lả tả xuống đất. Người bán vội thanh minh: "Bánh nhà cô mới làm nên... chưa khô. Để tí nữa ăn thì ngon phải biết", tôi vặn lại: "Vừa thấy có người đi xe máy đến giao bánh mà, có phải nhà mình làm đâu?", bà bán hàng cuống lên: "Hôm nay làm không kịp nên mới phải lấy tạm". Bà chủ hàng cũng không biết xuất xứ của những chiếc bánh; có người giao hàng đến tận nơi, bà lấy và bán lại cho HS.

Chúng tôi qua Trường cấp I - II Nguyễn Trãi (phố Khương Trung, Hà Nội). Vào một hàng nước nhìn có vẻ sạch sẽ nhất, gồm một chiếc bàn và dăm ghế nhựa, bày bán không thiếu mặt hàng gì. Chúng tôi thấy trên mặt bàn có một số túi kẹo bi màu xanh đỏ, không ghi địa chỉ nơi sản xuất; người bán bảo của "công ty nhà nước" làm, nhưng mấy chú bé HS mua ăn thì cứ nói "bán cho cháu kẹo bi Trung Quốc" là chủ hàng... hiểu. Nằm xa trung tâm thành phố như các trường học Đặng Trần Côn, Đại Kim... cũng không thiếu những món hàng "hút khách" này.

Chúng tôi được biết, hầu hết các loại "hàng khô" ở hàng quán bán rong đều được giao hàng tận nơi. Một thanh niên ở xã Xuân Đỉnh (H.Từ Liêm, Hà Nội) - chuyên bỏ mối theo kiểu này - cho biết anh thường lấy hàng ở những cơ sở tư nhân sản xuất thủ công. Tôi hỏi: "Sao anh không lấy ở đại lý cho bảo đảm", anh ta cười: "Lấy hàng đại lý thì làm gì có lãi, lấy ở mấy nơi này rẻ hơn nhiều". Chả trách, trong khi giá xăng đắt đỏ như thế mà anh ta vẫn đi giao mấy gói kẹo, gói bánh rẻ tiền bằng xe máy cả ngày trời. Anh này thẳng thắn thừa nhận là đa số mặt hàng được làm hết sức mất vệ sinh, độc hại, chủ yếu là các loại kẹo bánh có đường. "Công nghệ" sản xuất là... xô chậu, bếp than; còn tạo hình cho sản phẩm thì... bằng tay. Anh ta bảo: "Ruồi, gián nó đậu vào là còn may đấy, có những nơi tôi biết còn cho cả hóa chất vào cơ". Theo anh ta, mặt hàng mất vệ sinh nhất là các loại kẹo, bánh như quẩy, bánh chả, kẹo lạc... Tôi hỏi người giao hàng về loại kẹo bi xanh đỏ, anh ta cho biết ngày trước thường nhập hàng của Trung Quốc, nay thì các cơ sở tư nhân trong nước tự làm. Thậm chí mẫu mã, màu sắc còn đa dạng và bắt mắt hơn rất nhiều. Để tạo đủ "bảy sắc cầu vồng", những cơ sở sản xuất này không ngần ngại cho cả phẩm màu, hóa chất vào trong thành phần kẹo. Anh này còn chân thành khuyên tôi: "Tốt nhất không nên đụng đến, có ngày mang vạ đấy"...

Từ sáng sớm đã thấy khá đông HS, đặc biệt có rất nhiều em nhỏ, tụ tập ăn quà vặt trước cổng trường trước giờ vào lớp. Ra chơi, nhà trường đóng cổng trường, các em không ra tận nơi mua quà được thì thò tiền qua cổng, chủ hàng sẽ mang đến đưa tận tay. Tôi hỏi những người bán: "Đã bao giờ bị kiểm tra an toàn vệ sinh các mặt hàng bày bán chưa?", tất cả đều khẳng định là chưa bao giờ. "Chỉ thỉnh thoảng bị mấy ông công an trật tự đuổi vì lấn chiếm vỉa hè thôi" - các chủ hàng cho biết.

“Chợ cóc” trước cổng trường

Như đã thành lệ, vào giờ ra chơi hay những lúc tan tầm, các cổng trường lại biến thành những khu "chợ cóc". Và những nguy cơ khó lường từ nguồn thực phẩm không rõ xuất xứ kia có thể bùng phát bất cứ lúc nào...

17h ngày 23/9, men theo vỉa hè từ trước cổng Trường THPT Lê Hồng Phong đến cổng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chúng tôi thấy rất nhiều HS đang túm tụm vây quanh những "quán ăn" mini, những xe đẩy bán đủ các loại đồ ăn thức uống. Người bán hàng với đôi tay không mang găng cao su đang thoăn thoắt chế biến thức ăn nhanh, có lúc lau tay vào quần áo đang mặc hoặc thò tay... gãi đầu rồi tiếp tục phục vụ các món cho khách hàng. Cũng đôi tay mới vừa lấy tiền nhét túi ấy lại tiếp tục bốc, cuốn bò bía cho HS. Phía sau hàng cháo lòng lổn ngổn những tô, muỗng chất đầy bên gốc cây, còn nước rửa chén bát thì khỏi phải bàn, một xô nước sơ sơ rửa khoảng... vài chục tô! Điều đáng nói là nhiều phụ huynh vẫn chưa ý thức cao trong vấn đề an toàn thực phẩm. Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến một số phụ huynh đến trường đón con đã không ngần ngại đưa tiền cho các em mua những xiên cá viên chiên và cả hai cùng thưởng thức.

Vòng qua cổng Trường THCS Hoàng Văn Thụ trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10), mặc dầu trời đã nhá nhem tối nhưng rất nhiều HS ngồi xì xụp húp cháo lòng. Các chiếc bàn con dã chiến được bày biện lấn khắp vỉa hè, thu hút khá nhiều phụ huynh và HS. Cũng vì bị "tấn công" bởi nhiều hàng quán, xe đẩy di động mà trước các cổng trường THPT Bùi Thị Xuân, Tiểu học bán trú Phan Văn Trị rất thường xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Hiểm họa tiềm ẩn từ những món ăn được HS ưa chuộng như: phá lấu, chả cá viên, bò bía... ở các cổng trường là khôn lường. Những người bán hàng di động luôn trang bị vật dụng hành nghề gọn nhẹ để... dễ chạy công an nên chén bát và cả nước để rửa không nhiều, do vậy "công nghệ" làm sạch thuộc loại siêu hạng của những hàng quán này là điều đáng báo động. Trước cổng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, mỗi khi "đánh hơi" có công an từ xa, những quán ăn mini này nhanh chóng mất hút, nhưng sau khi xe của những người thi hành công vụ đi qua thì tình trạng "vũ như cẫn", và thế là HS, sinh viên lại tiếp tục đổ xô ra vô tư đánh chén.

Những loại thực phẩm nói trên được chế biến bằng công nghệ có mức độ an toàn vệ sinh đến đâu và có nguồn gốc như thế nào thì... ai cũng biết. Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp hạn chế vấn nạn hàng rong, nhưng xem ra đây vẫn đang là căn bệnh nan giải ở các cổng trường. Điều cần tập trung thực hiện lúc này chính là việc nâng cao nhận thức của HS trong vấn đề an toàn thực phẩm, mà các bậc phụ huynh phải là những người "lĩnh ấn tiên phong".

Thiên Long - Trí Quang

Mạnh Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.