Thiết bị ở đâu?
Bước vào năm học mới, ông Phạm Ngọc Phương - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD - ĐT) khẳng định: "Năm nay nếu thiết bị về địa phương chậm sau ngày khai giảng là do lỗi của các lãnh đạo Sở GD - ĐT. Tháng 4/2005, SGK xong thì danh mục thiết bị cũng xong. Bộ chỉ đạo triển khai sản xuất mẫu thiết bị ngay. Ngày 15/5 danh mục và bộ mẫu thiết bị đã được ban hành, sớm hơn 2 tháng so với các năm học trước. Giai đoạn 1 là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT thì đến ngày 22/6 đã hoàn tất. Giai đoạn 2 là mua sắm, tổ chức tập huấn cho giáo viên là trách nhiệm của địa phương...".
Cho đến thời điểm trước ngày khai giảng năm học mới, Hà Nội mới có gần 10 quận, huyện tương đối có đủ thiết bị dạy học lớp 4 và lớp 9, còn lại 4 quận huyện còn thiếu thiết bị là Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Từ Liêm và Sóc Sơn. Riêng Sóc Sơn, huyện nghèo nhất Hà Nội thì đến ngày 1/9, chưa có trường nào ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thiết bị. Đến ngày 8/9, thiết bị đã được bàn giao cho các trường, nhưng cũng phải đến thời điểm cuối tháng 9 mới hoàn tất quá trình nghiệm thu thiết bị. Một địa phương cũng khá gần Hà Nội là Vĩnh Phúc thì theo kế hoạch từ ngày 6/9 đến ngày 15/9 mới giao nhận thiết bị dạy học cho các trường. Thái Nguyên là một trong những địa phương phía Bắc quá chậm chạp về tiến độ mua sắm thiết bị. Một cán bộ trong đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT phải thốt lên: "Đáng lẽ đến thời điểm bước vào năm học mới các địa phương khác chỉ còn "cái đuôi" là xong, nhưng Thái Nguyên còn chưa có nổi "mẩu đuôi" nào, chưa bồi dưỡng giáo viên, chưa có thiết bị đến phòng giáo dục, đến trường...".
Vì đâu nên nỗi?
Nguyên nhân gây ra tiến độ bàn giao thiết bị dạy học chậm ở hầu hết các địa phương chính là thái độ thiếu tích cực của các Sở GD-ĐT, và ở một số nơi là do sự "quan liêu" của chính quyền địa phương. Thái Nguyên là một ví dụ. Ngày 25/7, Sở GD-ĐT mới có trình UBND thành phố Thái Nguyên về việc mua sắm thiết bị lớp 4 và lớp 9. Ngày 10/8, UBND mới ra quyết định phê duyệt kế hoạch mua thiết bị, và đến ngày 26/8 (chỉ còn 5 ngày nữa khai giảng năm học mới) UBND thành phố ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mua sắm thiết bị. Khi hỏi vì sao UBND thành phố lại ra quyết định phê duyệt và quyết định thành lập Ban chỉ đạo mua sắm thiết bị muộn như vậy, bà Long Thị Minh Hòa - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên giải thích: "Tiến độ phê duyệt không chậm nhưng do Sở Tài chính thẩm định chậm...". Nếu đã biết thời gian phê duyệt tiến độ vậy tại sao đến ngày 25/7, nghĩa là sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ tới 1 tháng, Sở mới trình UBND thành phố?
Vậy ai là người trực tiếp phải chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng thiết bị dạy học? Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hưng Yên đã làm đoàn kiểm tra bị "choáng" với câu trả lời tỉnh queo nhưng rất thật: "Tôi không chịu trách nhiệm gì cả vì tôi có được quyền mua thiết bị đâu...". Còn Trưởng phòng Giáo dục huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) thì trả lời câu hỏi này của chúng tôi bằng một... nụ cười dễ thương. Có một thực tế là nhiều địa phương giao cho sở GD-ĐT "quyền" chọn và ký hợp đồng với các nhà cung ứng, sau đó "đá" quyền cho phòng giáo dục tiếp nhận thiết bị và thẩm định chất lượng, dễ hiểu vì sao ông hiệu trưởng nọ không phải không có lý khi phát biểu một câu "vô trách nhiệm” như vậy. "Tiến độ thiết bị do Sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm, chất lượng thiết bị nếu nói theo chiều xuôi người thụ hưởng ngân sách là hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Phải có sự phân định trách nhiệm rõ ràng giữa sở, phòng giáo dục và hiệu trưởng". Ông Phạm Ngọc Phương - Trưởng đoàn Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị các sở như thế.
Thu Hồng
Bình luận (0)