Anh Nguyễn Công Khế thân mến,
Tôi đã đọc cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, trong đó có bài viết của chị Nguyễn Kim Trâm; đọc một bài báo của anh cách đây vài tuần và đọc bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đức Lương với Ban Bí thư T.Ư Đoàn tại Hà Nội. Cả Chủ tịch nước, anh Nguyễn Công Khế và chị Nguyễn Kim Trâm đều muốn biết về thân thế của anh Nguyễn Trung Hiếu và đều có những nhận xét rất thiện cảm về anh. Tôi, với tư cách là một người bạn cùng đơn vị với anh Hiếu rất lấy làm xúc động về những tình cảm cao đẹp đó mà quý vị đã dành cho một người lính bên kia chiến tuyến, xin được có bài viết này mong quý báo cho đăng tải để dư luận được biết một ít thông tin về anh Hiếu.
Thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu là ai?
Nguyễn Trung Hiếu cùng tôi và Lê Thành Giai là những người bạn thông dịch viên cùng lứa tuổi, cùng đơn vị. Hiếu làm phiên dịch cho Đại đội tình báo 635 M.I.D (Military Intelligence Detachment). Giai và tôi làm việc cho Đại đội dân sự vụ 29 Civil Affair. Cả hai đơn vị này đều trực thuộc Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal (một sư đoàn Mỹ duy nhất được Mỹ thành lập tại Việt Nam đóng tại Chu Lai, gồm 3 lữ đoàn độc lập 199, 196 và 11). Bộ chỉ huy của LĐ 11 đóng tại LZ (Landing zone) Bronco tức là Núi Vàng (một địa danh mà chị Thùy Trâm có nói đến trong nhật ký của mình) nằm về phía đông bắc quận lỵ Đức Phổ.
Trung Hiếu làm việc cho một đơn vị tình báo nên anh có dịp đọc qua các tài liệu tịch thu được, trong đó có cuốn nhật ký của chị Thùy Trâm (chị Trâm sinh năm 1942, chị lớn hơn bọn tôi khoảng 5 - 6 tuổi). Tôi còn nhớ, có một buổi tối nọ, trong khi chúng tôi đang chăm chú lắng nghe một người lính Mỹ kể về một cuộc hành quân ngày hôm qua của Tiểu đoàn 2/35 (Second Thirty fith) vào một bệnh viện của Cách mạng (tiểu đoàn 2/35 này đóng tại LZ Liz tức là núi Chóp, một địa danh khác mà chị Trâm có ghi lại trong nhật ký), thì Hiếu vào cùng nghe. Sau đó, với một gương mặt rất nghiêm túc anh kể cho chúng tôi nghe qua cuộc đời của một nữ bác sĩ Bắc Việt đã chết trong cuộc hành quân mà người lính Mỹ vừa kể. Anh có nói qua cuốn nhật ký còn nóng hổi mà người chết còn để lại. Hiếu bằng một giọng buồn buồn anh bảo với chúng tôi là bọn mình đừng ảo tưởng là đang chiến đấu cho một lý tưởng tự do. Lý tưởng tự do thực sự là lý tưởng mà chị bác sĩ này đã sống và chiến đấu cho đến chết. Câu chuyện của Hiếu đã có ảnh hưởng rất lớn về mặt nhận thức đối với anh em thông dịch viên chúng tôi và từ đó trong những lần đi hành quân cùng lính Mỹ, phần lớn anh em thông dịch viên đã sử dụng quyền hạn và khả năng tiếng Anh của mình để can thiệp kịp thời những trường hợp quá khích của lính Mỹ hầu giảm bớt những đau khổ cho người dân.
Nguyễn Trung Hiếu khi làm việc với Fred (người có công giữ lại cuốn nhật ký) chỉ mang cấp bậc trung sĩ nhất. Lý do Fred gọi là Hiếu là thượng sĩ vì anh ấy gọi theo cấp bậc của Mỹ. Trung sĩ nhất tương quan với Master Sergent của Mỹ, mà Master Sergent là một thượng sĩ cấp 1 trong hệ thống cấp bậc của Mỹ. Hiếu từng là một sinh viên, cũng như những người thông dịch viên quân đội khác, anh ấy cũng đã tốt nghiệp Trường Sinh ngữ quân đội, anh ấy sống có hoài bão, thường khuyên chúng tôi phải tận dụng ưu thế mình là một người thông dịch viên là một người duy nhất có thể chuyển tải nguyện vọng của người dân đến chỉ huy đơn vị hành quân và ngược lại. Hãy xem đồng bào Đức Phổ là ruột thịt của mình. Anh ấy tuy ít nói nhưng rất dễ hòa đồng và hay giúp đỡ bạn bè.
Chúng tôi cùng làm việc trong một đơn vị cho đến năm 1972 thì mỗi người được lần lượt chuyển về một đơn vị Việt Nam vì cũng kể từ năm này các đơn vị quân đội Mỹ đã lần lượt rút về nước. Tôi và Lê Thành Giai được chuyển về Đài Kiểm soát không lưu tỉnh Phước Tuy cho đến ngày giải phóng, còn Hiếu và những người bạn khác được chuyển sau về một đơn vị khác. Kể từ đó chúng tôi không còn liên lạc với nhau, nhưng tôi biết anh ấy vẫn còn sống vì sau khi chuyển ngành, chúng tôi chỉ làm công tác hậu cần không nguy hiểm. Có thể anh ấy đã định cư ở nước ngoài.
Tôi rất xúc động khi đọc lại toàn bộ cuốn nhật ký của chị Thùy Trâm. Chính chị đã cho chúng tôi biết ở đâu là chân lý, ở đâu là lý tưởng ngay khi chúng tôi nghe anh Hiếu kể lại. Chị Thùy Trâm với lý tưởng cao đẹp đã sống cho đến chết tại một chiến trường ác liệt vào bậc nhất tại miền Nam mà ngay cả chúng tôi và lính Mỹ khi được biên chế về đây cũng phải khóc ròng. Tại đây, sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, Mỹ thấy lực lượng Giải phóng quá mạnh (đánh và chiếm được toàn bộ Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 tại Quảng Ngãi) nên đã thực hiện liên tục những cuộc hành quân cuốn chiếu Tìm và Diệt từ làng này sang làng khác ngày và đêm (Search anh Destroy Operations) nhằm làm suy yếu lực lượng Giải phóng. Khó có lính Mỹ nào bảo toàn được mạng sống của mình tại đây nếu cứ ở ngoài đơn vị hành quân trong suốt thời gian một năm quân dịch. Nếu sống được qua 6 tháng hành quân, họ sẽ được cho về hậu cứ để làm các công việc hậu cần, chờ ngày về nước. Với lính Mỹ với sự yểm trợ tối đa của hải, lục, không quân mà còn như vậy thì với những chiến sĩ giải phóng như chị Thùy Trâm chiến đấu tại chiến trường này năm này sang năm khác trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn và gian khổ, thì việc phải hy sinh chỉ là một vấn đề thời gian. Những người được sống qua chiến tranh tại chiến trường này phải thật sự là những người vô cùng may mắn.
Tôi rất mong những thông tin này sẽ thỏa mãn được một phần nào sự quan tâm của mọi người về thân thế của trung sĩ nhất Hiếu và cũng hình dung một số nét về một chiến trường ác liệt mà chị Thùy Trâm đã sống, viết nhật ký và đã anh dũng hy sinh và để lại cho những người đi sau noi theo một tấm gương anh dũng và một lý tưởng sống cực kỳ cao đẹp.
TP Hồ Chí Minh, ngày 15/9/2005
N.Đ.Chiến
Bình luận (0)