* Xin ông nói rõ về loại đề thi trắc nghiệm?
- Thi trắc nghiệm phải hiểu chính xác là trắc nghiệm khách quan (objective test) nhưng do thói quen lâu nay vẫn gọi tắt là trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm đã ra đời 100 năm. Trắc nghiệm theo nghĩa rộng là một hoạt động để đo lường năng lực của các đối tượng nào đó, nhằm mục đích xác định. Người ta thường gọi loại trắc nghiệm mà trong đó đề thi thường gồm nhiều câu hỏi, mỗi câu nêu ra một vấn đề cùng với những thông tin cần thiết, sao cho thí sinh phải trả lời vắn tắt cho từng câu là trắc nghiệm khách quan (TNKQ). Trong TNKQ, kiểu câu hỏi phổ biến là câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn (multiple choise questions - gọi tắt là MCQ). MCQ có 2 phần: phần đầu gọi là phần dẫn (hay câu dẫn), nêu ra vấn đề, cung cấp thông tin cần thiết hoặc nêu một câu hỏi; phần sau là các phương án chọn để trả lời, thường được đánh dấu bằng các chữ cái A, B, C, D.
* Ông cho biết cụ thể hình thức ra đề thi?
"Hiện nay, phần mềm tin học cho phép xáo trộn từ một đề thi gốc thành rất nhiều phiên bản có nội dung giống nhau nhưng thứ tự câu hỏi khác nhau, như vậy các thí sinh ngồi cạnh nhau sẽ không thể "tham khảo" bài làm của nhau". Ông Nguyễn An Ninh
ảnh: L.Q.P
- Tất cả các câu hỏi của đề thi được ra hoàn toàn dưới hình thi trắc nghiệm. Loại câu trắc nghiệm dùng trong đề thi là câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn (có 4 lựa chọn A, B, C, D). Các câu hỏi đồng nhất về hình thức và điểm số, điều này thuận lợi cho việc chấm và tính điểm bằng máy. Thời gian làm bài thi tốt nghiệp THPT 45 phút với khoảng 50 câu trắc nghiệm. Thời gian làm bài thi đại học, cao đẳng 90 phút với khoảng 70 đến 100 câu trắc nghiệm.
* Muốn thực hiện một kỳ thi trắc nghiệm phải có ngân hàng câu hỏi. Xin ông cho biết việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi như thế nào ?
- Tất nhiên chúng tôi đã phải chuẩn bị đầy đủ ngân hàng câu hỏi. Đề thi trắc nghiệm gồm nhiều câu hỏi, được lấy ra ngẫu nhiên, theo những yêu cầu nhất định từ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Ngân hàng này được "xây dựng" quanh năm, do đó có thể gia công những câu trắc nghiệm có độ chính xác cao và có thể xác định các đặc trưng của câu hỏi như độ khó, độ dễ trước khi làm đề.
* Nếu có dấu hiệu đánh dấu bài trên bài thi trắc nghiệm, máy quét chấm thi có thể phát hiện được không?
Trắc nghiệm là phương pháp hiệu quả nhất để chống gian lận trong thi cử vì đề thi gồm rất nhiều câu hỏi nên có thể tránh được sự "rò rỉ" thông tin trong lúc làm đề hoặc coi thi. Khi chấm thi, các bài thi được quét bằng máy chấm với tốc độ 5.000-10.000 bài/giờ, không ai có thể thực hiện được hành vi gian lận dưới sự giám sát trực tiếp, tại chỗ của hội đồng thi. Song điều quan trọng hơn cả là bằng phương pháp trắc nghiệm, năng lực của thí sinh được đánh giá chính xác do đề thi có nhiều câu hỏi, có thể rải khắp nội dung môn học, cho phép kiểm tra một cách có hệ thống và toàn diện kiến thức và kỹ năng ở nhiều cấp độ. Đặc biệt, tránh được việc học tủ, dạy tủ. |
* Theo ông, trắc nghiệm có phải là phương pháp tốt nhất trong việc đánh giá năng lực thực của học sinh?
- Cần khẳng định ngay trong thi cử, mỗi phương pháp đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tùy theo mục đích, yêu cầu đặt ra mà người ta lựa chọn phương pháp có nhiều ưu điểm hơn. Ví dụ, kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng có rất đông thí sinh, đòi hỏi phải giải quyết tốt các yêu cầu: 1/ Có đủ thời gian để ra đề chính xác và đề thi cho phép tránh may rủi vì trúng tủ, trật tủ; 2/ Tổ chức thi nhanh gọn; 3/ Chống gian lận; 4/ Chấm bài dễ dàng, nhanh chóng, điểm số chính xác, bảo đảm khách quan, công bằng; 5/ Đánh giá đúng năng lực thí sinh. Với những yêu cầu này, thi trắc nghiệm có những ưu điểm vượt trội so với thi tự luận. Ngoài ra, với hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài của thí sinh có thể rút ngắn chỉ bằng 1/3 hay một nửa thời gian thi tự luận.
Cả giáo viên lẫn học sinh đều ủng hộ Th.s Phạm Tuyết Hạnh, Trưởng bộ môn Ngoại ngữ Trường THPT Hà Nội - Amsterdam: "Trong hội nhập quốc tế, bây giờ chúng ta mới thi trắc nghiệm đã là quá muộn. Các nước Anh, Mỹ, Úc... đã thi trắc nghiệm từ lâu rồi. Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Đề thi của chúng ta hiện nay đôi khi không đánh giá được toàn diện lực học của HS. Tôi đã có những HS đạt kết quả rất cao và ổn định trong nhiều kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế nhưng đôi khi thi chương trình của Việt Nam lại bị "ngã ngựa". Đó là vì đề lúc khó lúc dễ, có khi lại đánh đố HS. Tôi cũng đã thử đưa đề tiếng Anh của ta cho một số HS ngoại quốc có nói tiếng Anh, họ lắc đầu và bảo rằng họ thấy quá khó hoặc có làm được cũng không muốn làm vì đề thi không tạo hứng thú cho người làm bài". Th.s Lê Quốc Hạnh, Phó trưởng Phòng Đào tạo ĐH Ngoại ngữ Hà Nội: "Nhiều năm làm đề thi ĐH môn Tiếng Anh, tôi cho rằng việc thực hiện thi trắc nghiệm là hết sức cần thiết. Tiến hành vào thời điểm này là hợp lý. Năm ngoái, chúng ta đã hoãn thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ, nếu còn e ngại vấn đề này, vấn đề khác thì sẽ khó có thể tạo nên bước đột phá. Quan trọng nhất là các nhà chuyên môn chọn ra được một bộ đề thi hợp với trình độ, chuẩn về mặt kiến thức và đặc biệt, cần Việt hóa đề thi của nước ngoài để tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng cho thí sinh. Năm nay có thể là năm đầu tiên tổ chức thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ, do đó chúng ta cần tính đến một khung chuẩn để tạo sự ổn định tương đối cho các kỳ thi môn này trong 2-3 năm tới. Đã là thi trắc nghiệm thì phải có ngân hàng đề, có cấu trúc đề ổn định trong vài năm chứ không thể năm nay có 100 câu hỏi, sang năm chỉ còn 60 câu; năm nay có 5 dạng bài tập, sang năm lại có 7 dạng... Điều đó gây khó khăn lớn cho HS khi phải chạy theo chương trình".
Vũ Thị Phượng, HS Trường THPT chuyên ban Lương Sơn, Hòa Bình: "Em cũng đã nghe nói về phương pháp thi trắc nghiệm. Em rất thích cách thi này vì dễ được điểm cao. Em sẽ thi khối D, ở kỳ thi ĐH, chắc môn Tiếng Anh cũng sẽ thi trắc nghiệm. Vì vậy, em sẽ phải làm quen với dạng đề này ngay từ bây giờ để khỏi bỡ ngỡ. Việc thi trắc nghiệm khiến em rất yên tâm". Đặng Trường Anh, lớp 12 Trường THPT Yên Phong II, Bắc Ninh: "Em thích thi trắc nghiệm vì môn Tiếng Anh là môn em rất hay bị nhầm như việc viết thiếu từ, sai từ. Khi thi trắc nghiệm, chỉ việc chọn đáp án có sẵn nên chắc em sẽ không bị mất nhiều điểm vì những lỗi nhỏ". V.V.T, HS Trường PTTH N.C (Thanh Xuân, Hà Nội): "Tiếng Anh là môn em rất kém. Vì vậy, nếu thi trắc nghiệm em sẽ chỉ việc chọn A, B, C, D, hy vọng cũng được 5 điểm. Em thích thi kiểu này". |
Thu Hồng - Vũ Thơ
(thực hiện)
Bình luận (0)