Nguyên nhân
Theo lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Q.5, TP.HCM), trong lao động hằng ngày, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều yếu tố gây đau. Ngoại trừ những kích thích mạnh, tác động lên dây thần kinh cảm giác đau, còn phần lớn mức độ đau nhỏ, thoáng qua, nên ta không để ý. Đau là một cảm giác khó chịu, hoặc rất khó chịu. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau, và có nhiều cảm giác đau khác nhau như: đau râm ran, đau ê ẩm, đau nhói, đau thắt... Y học cổ truyền xem đau, nhức mỏi cơ thể là bởi huyết không thông, khí không hành. Vì thế mới có câu "Thông thì bất thống; thống vị bất thông" (ý nói, máu huyết thông thì không đau; đau vì không thông máu huyết). Ngoài ra, còn do "hư, tà, tặc, phong", nghĩa là trong lúc cơ thể đang yếu, mà gặp phải gió độc cũng làm cho cơ thể bị đau nhức. Đau, nhức mỏi vai là triệu chứng rất thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Bởi cơ vai, xương đòn và hai chi trên là những bộ phận "năng động" nhất của cơ thể, đồng thời chịu nhiều tác động nhất trong lúc làm việc. Nguyên nhân của sự đau nhức, mỏi mệt là do cơ bắp hoạt động quá nhiều, khiến thiếu tổng hợp men ATP (Adenosin Tri Phosphat), là nguồn năng lượng của cơ thể. Nguyên nhân đau nhức, uể oải còn là do sự chậm trễ dẫn truyền các tín hiệu trong các tế bào cơ trong lúc cơ bắp hoạt động quá căng thẳng (xảy ra ở cả những người làm việc thụ động cơ bắp như ngồi lâu trước máy tính, làm việc bàn giấy trong khoảng thời gian quá lâu, tạo ra sự uể oải, nhức mỏi vai, lưng; hoặc cơ bắp hoạt động quá nhiều). Khi đó, lượng acid lactic trong tế bào cơ tăng cao và ion kali trong tế bào bị thoát ra bên ngoài, gây nên tình trạng uể oải, nhức mỏi. Nguyên nhân gây nên mệt mỏi, uể oải còn do thiếu nguồn cung cấp năng lượng (ATP); trong các sợi cơ bị giảm độ pH, mất kali...
Phòng và giải quyết
Theo lương y Huỳnh Văn Quang, có rất nhiều loại thuốc có tác dụng giảm đau nhức từ hóa dược và thảo dược. Tuy nhiên, không phải cái đau nhức nào cũng cần sử dụng đến các loại thuốc này.
Khi cơ bắp làm việc thụ động (ngồi trên máy tính...) với khoảng thời gian quá lâu, thì lượng acid lactic tụ lại ở các mô cơ, cũng như lưu lượng tuần hoàn máu cũng bị giảm đi tại các mô cơ, dẫn đến uể oải, đau nhức cơ. Vì thế, để khắc phục một cách hiệu quả nhất tình trạng này, theo lương y Huỳnh Văn Quang là làm sao gia tăng sự tuần hoàn máu, bằng cách vận động vài động tác đơn giản sau khoảng thời gian làm việc thụ động quá lâu. Còn đối với những trường hợp xảy ra do lao động nặng nhọc, thì cần giảm sự hoạt động quá sức của cơ bắp. Đối với triệu chứng đau, mỏi vai, thông thường biện pháp xoa bóp vùng gáy cổ, các đốt sống cổ và bả vai, mục đích là làm lưu thông máu và thư giãn cơ, sẽ đem lại hiệu quả.
Trong y học cổ truyền, để điều trị những trường hợp đau nhức, mỏi vai, mỏi cơ, theo lương y Huỳnh Văn Quang, phương pháp hay nhất vẫn là xông hơi (bằng cách nấu các lá loại cây tự xông, hoặc xông ở các cơ sở vật lý trị liệu, y học cổ truyền). Phương pháp này đơn giản, nhưng rất hiệu quả, bởi khi xông, nhờ tác động của hơi nóng, các mạch máu ngoại biên giãn ra, giúp máu lưu chuyển tốt hơn, cũng như thải những chất cặn bã trong tuần hoàn huyết, thông qua tuyến mồ hôi ra ngoài. Sau khi xông, tuyệt đối không được tắm nước lạnh (sai lầm này thường gặp ở những người đi massage, xông hơi nóng xong rồi lại vào hồ nước lạnh ngâm mình, hoặc tắm lại bằng nước lạnh, trước khi lên bàn massage!), lau khô, tránh gió lùa, nếu không sẽ bị đau nhức trở lại, và còn đau nhức nhiều hơn. Cần để khoảng 2 giờ sau khi xông hơi, mới có thể tắm lại bằng nước lạnh. Sau khi xông, nên uống một tách trà chanh nóng, hoặc trà gừng có tí đường.
Ngoài ra, còn có thể trị chứng đau, nhức mỏi người bằng cách day ấn các huyệt dọc theo hai bên sống lưng, từ đốt sống cổ đến tận vùng thắt lưng, khoảng 10 - 15 phút, rất hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay, y học cổ truyền còn có phương pháp trị liệu chứng đau nhức cơ thể đơn giản, hiệu quả bằng việc sử dụng sóng siêu âm điều trị từ 1 mhz/giây - 30 mhz/giây. Ngoài ra, còn có phương pháp trị liệu bằng laser châm hồng ngoại (thay cho châm kim trước đây), có bước sóng từ 632 - 670 nm trong khoảng 10 phút, để kích thích các huyệt đạo, không gây đau, cũng đem lại hiệu quả rất tốt...
Những món nên và không nên ăn khi bị đau nhức cơ thể Theo lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Q.5, TP.HCM), những người bị đau, nhức mỏi cơ thể thì: 1. Không nên ăn: măng tre, cà tím, rau muống, rau nhút, đậu bắp... 2. Nên ăn: Thức ăn bổ dưỡng tổng hợp, chủ yếu trị liệu các triệu chứng đau đầu, đau vai, đau lưng, cơ thể mỏi mệt không muốn hoạt động...: + Một trong 3 loại sau: chim cút, chim sẻ hoặc thịt dê dùng với bột quế, gia vị vừa đủ cho ngon, đem nấu cháo để ăn. + Thịt thỏ, hoặc mai hay thịt ba ba (200 - 300 gr) đem nấu cháo thật nhừ để ăn (có tác dụng bổ âm, thích hợp với những người cơ thể mệt mỏi, hay cáu gắt, bực bội, sợ khí hậu nóng ẩm). + Chim cút bỏ lòng (1 con), nhộng tằm tươi (5 con), đại hồi (1 cánh), một ít tiểu hồi, 2 quả sa nhân, gia vị. Cách chế biến: Những thứ trên rửa sạch, cho vào bụng chim cút, rồi khâu lại, đem chưng cách thủy để ăn. * Đau, nhức mỏi lưng do ngồi làm việc lâu: Táo đỏ (10 quả), bột phục linh (30 gr), hoài sơn (50 gr), gừng tươi vừa đủ. Tất cả đem nấu chung với khoảng 100 gr gạo thành cháo, để ăn thường xuyên, có tác dụng rất tốt. * Đau, nhức đầu do làm việc quá căng thẳng, ngồi lâu, sử dụng trí não nhiều: + Dùng một cốc trà gừng thật nóng, cộng với một lát nhân sâm và một tí mật ong, viên kẹo bạc hà sẽ giải tỏa ngay những căng thẳng tức thời. + Bột sâm tam thất đem pha với nước sôi để uống, có tác dụng dưỡng huyết và thanh lọc máu, giúp sảng khoái tinh thần. + Long nhãn (nhãn nhục) 20 gr, bạch quả (20 quả), đem chưng cách thủy để ăn. + Thiên ma (2 lát), xuyên khung (1 lát), trứng gà (2 cái), một ít đường phèn, đem chưng cách thuỷ để ăn... Khánh Vy (ghi)
Thanh Tùng
Bình luận (0)