Sự kiện khủng bố tại thủ đô London của Anh hồi tháng 7 đã khiến người ta giật mình khi nhận ra rằng những kẻ đánh bom tự sát lớn lên ngay giữa lòng đảo quốc sương mù. Đối với Úc, một "quốc gia phương Tây" nằm ở Đông bán cầu thì khái niệm "khủng bố nội địa" này có một ý nghĩa đặc biệt. Thủ tướng Úc J.Howard nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải chấp nhận thực tế rằng, một khi điều đó đã xảy ra đối với London thì cũng có thể xảy ra tại Úc. Những "kẻ khủng bố nội địa" giờ đã trở thành mối đe dọa lớn đối với Úc, điều mà cách đây 6 tháng hoặc 1 năm chúng ta chưa hề nghĩ tới". Trước nguy cơ ngày một lớn, hôm 16.10, ông Howard đã vạch ra kế hoạch tăng cường lực lượng tình báo nhằm đáp ứng nhiệm vụ chống khủng bố trong giai đoạn mới.
Kế hoạch mà Thủ tướng Howard chủ trương nhấn mạnh vào nhiệm vụ tăng cường nhân lực cho Cục An ninh và tình báo Úc (ASIO). Theo đó, lực lượng của ASIO vào năm 2010 sẽ là 1.860 người, gấp đôi con số hiện tại. Vì những đặc thù mới của cuộc chiến chống khủng bố, Tổng chưởng lý P.Ruddock cho rằng những điệp viên mới "cần có khả năng ngôn ngữ đa dạng đồng thời phải am hiểu các nền văn hóa khác nhau", đặc biệt ASIO phải chú trọng tuyển người từ cộng đồng Hồi giáo và thiểu số. Theo A.Behm, một nhà tư vấn về rủi ro hàng đầu nước Úc, ASIO nên ưu tiên vào cộng đồng người Indonesia, Nam Á hoặc Trung Đông. Rõ ràng, sau những sự kiện khủng bố tại Indonesia mà trong đó hàng chục người Úc đã thiệt mạng thì "mặt trận Indonesia" có một ý nghĩa đặc biệt. Bên cạnh đó, các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Pakistan cũng đang là bài toán nan giải của nhiều nước, trong đó có Úc. Cùng với kế hoạch tăng cường nhân lực, ASIO cũng sẽ trang bị một hệ thống lưu trữ và xử lý thông tin hiện đại. Trước khi kế hoạch mở rộng ASIO ra đời, Úc đã xây dựng một dự luật chống khủng bố mới.
Với những kế hoạch trên, có thể nói ASIO đang tiến tới việc lột xác hoàn toàn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gần 1.000 nhân viên trong vòng 5 năm là một nhiệm vụ quá nặng nề. Theo giáo sư M.McKinley thuộc khoa Chính trị và quan hệ quốc tế (Đại học Quốc gia Úc) thì hiện tại xứ sở kangaroo không có khả năng cung cấp đủ số lượng nhân viên đạt tiêu chuẩn cho ASIO. "Chúng ta cần khoảng 1.000 chuyên gia có bản lĩnh chính trị, am hiểu về các mối quan hệ quốc tế và có kiến thức đầy đủ về cuộc chiến chống khủng bố đồng thời phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất của một nhân viên tình báo. Hiện tại, hệ thống đại học của chúng ta không có khả năng cung cấp những con người như vậy", ông McKinley nhận xét. Ngay cả Thủ tướng Howard cũng chưa đủ tin tưởng vào triển vọng thành công của "cuộc cách mạng" mà ông đề xướng: "Hiện nay, tôi không thể đảm bảo rằng những thay đổi sắp tới sẽ giúp chúng ta có thể ngăn chặn mọi nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia am tường thì với kế hoạch này, chúng ta sẽ có thêm cơ hội chiến thắng". (SHM, BBC, IOL)
Châu Minh Linh
Bình luận (0)